Quảng Ninh: Thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh - đầu tư mạnh, hiệu quả cao
01/09/2020 | 08:26Với sự quan tâm của tỉnh và các địa phương, doanh nghiệp, đến nay hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trong tỉnh cơ bản đã và đang dần được hoàn thiện về số lượng cũng như chất lượng hoạt động.
Để nâng cao hiệu quả xây dựng, quản lý và tổ chức hoạt động của các thiết chế văn hóa thể thao, từ 2016 đến nay, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác này. Tiêu biểu như Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 9/3/2018 của Tỉnh ủy Quảng Ninh về xây dựng và phát triển văn hóa con người Quảng Ninh; Kế hoạch số 29/KH-UBND, ngày 13/2/2018 của UBND tỉnh về việc đầu tư, quản lý, khai thác và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020...
Trên cơ sở đó, tỉnh, các địa phương đều có quy hoạch, bố trí quỹ đất, và đẩy mạnh đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa thể thao từ cấp tỉnh đến cấp thôn, khu trên địa bàn. Nhiều công trình văn hóa được xây dựng và đưa vào hoạt động, phát huy hiệu quả cao như: Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm; Thư viện, Bảo tàng tỉnh; Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao tỉnh; Cung Văn hóa Thanh Thiếu nhi tỉnh Quảng Ninh... Một số quy mô thiết chế văn hóa cấp tỉnh khác như: Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh, Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh, sân vận động Cẩm Phả cũng đã được đầu tư khang trang.
13/13 địa phương trên địa bàn tỉnh đã thành lập được Trung tâm Truyền thông và Văn hóa. Nhiều huyện còn có sân bóng đá, nhà luyện tập và thi đấu, thư viện... 58/177 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, 80/177 xã, phường thành lập Trung tâm văn hóa thể thao. Trong số 1.543 thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh thì 1.530 thôn, bản, khu phố có nhà văn hóa, trong đó 911 nhà được đầu tư xây mới cơ bản đạt chuẩn...
Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn cũng đã quan tâm, đầu tư cho các công trình thiết chế văn hóa, điển hình như: 15 công ty than đầu tư 41 công trình gồm sân tennis; bể bơi, sân bóng, nhà văn hóa công nhân...; Công ty TNHH Hà Lan (Đông Triều) đầu tư Công viên Hà Lan với tổng số vốn đầu tư 250 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư xây dựng và khai thác mỏ Tân Việt Bắc đầu tư trên 100 tỷ đồng gồm nhà luyện tập và thi đấu đa năng, sân bóng đá, sân golf, bể bơi, trung tâm tổ chức sự kiện với sức chứa trên 3.000 người; Công ty CP Tập đoàn Hoàng Hà đầu tư xây dựng Điểm du lịch Quảng Ninh Gate và đưa vào sử dụng từ ngày 28/4/2018... Toàn tỉnh còn có 1 rạp chiếu phim (Nhà nước quản lý), 4 điểm chiếu phim, 57 sân tennis, 144 bể bơi, 133 sân bóng đá cỏ nhân tạo...
Hệ thống thiết chế văn hóa các cấp trên địa bàn tỉnh đã được giao số lượng biên chế tương đối phù hợp. Trình độ của cán bộ công nhân viên cơ bản đáp ứng được yêu cầu và thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Một số thiết chế văn hóa do các đoàn thể, doanh nghiệp tư nhân quản lý phát huy hiệu quả khá tốt, như: Cung văn hóa thiếu nhi do Tỉnh Đoàn quản lý; Cung văn hóa Hữu nghị Việt Nhật do Liên đoàn Lao động Quảng Ninh quản lý; các thiết chế văn hóa thể thao của các đơn vị, công ty thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và các doanh nghiệp tư nhân trong tỉnh...
Nhờ đó, hệ thống thiết chế văn hóa các cấp đã phát huy hiệu quả đúng theo chức năng, nhiệm vụ của mình, cơ bản từng bước đáp ứng được nhiệm vụ tuyên tuyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà Nước và các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, địa phương, cũng như tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, luyện tập thể thao các cấp, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và hưởng thụ văn hóa của nhân dân trên địa bàn... Trong 5 năm trở lại đây, Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh có hơn 300 buổi biểu diễn, chiếu phim phục vụ nhân dân trong toàn tỉnh, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Hàng năm trung bình mỗi huyện, thị xã, thành phố kẻ vẽ trên 300 pano, áp phích, gần 1.000 lượt băng zôn khẩu hiệu tuyên truyền về pháp luật, kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, phục vụ các sự kiện chính trị, các ngày kỷ niệm của đất nước và địa phương...
Hệ thống văn hóa cấp huyện đã phát huy hiệu quả, tiêu biểu như: Hội diễn nghệ thuật quần chúng, liên hoan tiếng hát khu dân cư, ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc, đại hội thể dục thể thao... Ngoài ra còn các hội thi, hội diễn, các giải thể thao, các lớp năng khiếu... do các ngành, đoàn thể của các huyện, thị xã, thành phố phối hợp tổ chức, thu hút đông đảo các thành phần, lứa tuổi tham gia hoạt động. 100% nhà văn hóa thôn, khu được sử dụng đúng mục đích, trung bình hoạt động từ 30-40 lượt/nhà/năm, như: Họp dân, họp chi bộ, các đoàn thể, sinh hoạt và giao lưu các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ thôn/khu, sinh hoạt hè cho học sinh... tổ chức 10-15 buổi hội diễn văn nghệ, giải thể thao bóng đá, cầu lông...
Với việc đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động các thiết chế văn hóa từ cấp tỉnh đến huyện xã, thôn khu đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, đóng góp to lớn trong việc phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương trên địa bàn tỉnh.