Quảng Ninh: Tạo động lực cho phát triển du lịch cộng đồng
02/08/2024 | 09:28Thời gian qua, du lịch cộng đồng, nông nghiệp được đánh giá là những mô hình phát triển du lịch có nhiều đóng góp cho xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững, tạo ra những trải nghiệm thú vị cho khách du lịch, trên cơ sở khai thác những giá trị tài nguyên du lịch tại cộng đồng.
Thực tế cho thấy, song song với các hiệu quả cho người kinh doanh du lịch, du lịch cộng đồng đem lại lợi ích chung cho cộng đồng ở các mức độ khác nhau, bao gồm cả lợi ích kinh tế và những lợi ích xã hội, tinh thần, văn hóa… Đồng thời, du lịch cộng đồng thúc đẩy vai trò của người dân địa phương trong việc tham gia phát triển và hoạch định phát triển du lịch.
Quảng Ninh có nguồn tài nguyên nhân văn đa dạng, hấp dẫn, phù hợp cho phát triển du lịch cộng đồng. Trên địa bàn tỉnh có một số mô hình du lịch sinh thái, cộng đồng đã bước đầu gây dựng được thương hiệu, được du khách đánh giá cao như: Làng quê Yên Đức ở Đông Triều, Hợp tác xã dịch vụ du lịch chèo đò đưa khách tham quan Vịnh Hạ Long; Mô hình ban sinh thái cộng đồng trên đào Quan Lạn (Vân Đồn) do JICA tài trợ... Ngoài ra, một số mô hình trang trại, nhà vườn… cung cấp các sản phẩm nông nghiệp như: hoa, củ, quả, sản phẩm được chế biến cùng một số loại hình homestay tại Bình Liêu, Cô Tô, Vân Đồn… bước đầu cũng nhận được sự ủng hộ, vào cuộc của chính quyền địa phương và khách tham quan du lịch. Một số địa phương phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng khám phá, trải nghiệm gắn với cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc tạo ra một môi trường văn hóa gắn với phát triển bền vững tại các điểm có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh như ở khu vực Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái...
Để khai thác nguồn tài nguyên du lịch cộng đồng, ngành du lịch đã chủ động tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4839/QĐ-UBND ngày 29/12/2020. Đề án đã đề ra 04 mục tiêu chung, 03 mục tiêu cụ thể, 03 định hướng phát triển du lịch cộng đồng và 08 nhóm nhiệm vụ và giải pháp và 09 khu vực ưu tiên phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, các địa phương có tiềm năng thế mạnh về du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh như: Bình Liêu, Móng Cái, Uông Bí, Quảng Yên, Tiên Yên đã chủ động nghiên cứu, xây dựng, triển khai các đề án, dự án về phát triển du lịch, sản phẩm du lịch của địa phương.
Mặc dù các mô hình du lịch cộng đồng ở các địa phương trên đã nhận được sự quan tâm của chính quyền, người dân các địa phương và sự phối hợp tích cực từ du khách, song vẫn còn manh mún, chưa bền vững, còn chưa được khai thác, phát triển tương xứng với tiềm năng. Chất lượng nguồn nhân lực du lịch còn chưa đáp ứng tốt được yêu cầu, thiếu nguồn nhân lực quản lý có trình độ cao, đặc biệt bên cạnh các chính sách tổng quát, vĩ mô để hỗ trợ phát triển du lịch của tỉnh, còn thiếu các cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ cho các tổ chức, người dân, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch.
Chính vì thế, tỉnh Quảng Ninh đã có chủ trương xây dựng cơ chế chính sách nhằm tạo tiền đề cho thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển du lịch, trong đó có nhiều chính sách ưu đãi nhằm phát triển du lịch cộng đồng. Từ đó, xác định những nội dung cần hỗ trợ, đưa ra định mức cụ thể để hỗ trợ các hoạt động đầu tư phát triển du lịch phù hợp, đồng bộ phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh, đồng thời khắc phục được các bất cập, tồn tại trong phát triển du lịch cộng đồng, góp phần nâng cao hiệu quả của các hoạt động du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, huy động tối đa nguồn lực xã hội, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh du lịch cộng đồng và hưởng lợi từ hoạt động du lịch. Đồng thời, tập trung nguồn lực thực hiện hỗ trợ xây dựng nâng cấp sản phẩm du lịch, bảo tồn văn hóa truyền thống, phát huy giá trị di tích di sản; phát triển nguồn nhân lực du lịch.