Quảng Ninh: Phát triển du lịch bền vững - Tăng năng lực cạnh tranh cho các điểm đến
28/06/2022 | 10:33Phát triển du lịch bền vững theo hướng tăng trưởng xanh được đặt ra như một nội dung chiến lược quan trọng của du lịch Quảng Ninh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp du lịch và chính quyền Quảng Ninh cần có các giải pháp không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng trải nghiệm, tạo thuận lợi tối đa cho du khách.
Đầu năm 2022, Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) công bố kết quả của nghiên cứu về bộ chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch, thí điểm tại 15 tỉnh, thành Việt Nam. Quảng Ninh đứng ở vị trí thứ 2/15 với tổng điểm 4,68. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận trong bối cảnh ngành du lịch gặp nhiều khó khăn lớn do tác động của dịch Covid-19 trong 2 năm qua. Để tiếp tục phát huy lợi thế cạnh tranh, nhất là trong mùa cao điểm, ngành Du lịch Quảng Ninh đã đưa ra chiến lược phát triển “dài hơi”, hướng đến xây dựng điểm đến 4 mùa.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh Quảng Ninh, các chiến dịch truyền thông, quảng bá du lịch đang tập trung vào các nội dung như “Sống trọn vẹn tại Hạ Long - Quảng Ninh”, hoặc chủ đề “Quảng Ninh hấp dẫn 4 mùa” với nhiều trải nghiệm ẩm thực, khám phá, du lịch an toàn…
Không chỉ hấp dẫn về du lịch biển, Quảng Ninh còn chuẩn bị rất nhiều sản phẩm để hút khách vào dịp thu đông. Từ tháng 10 đến tháng 12, tỉnh tổ chức nhiều hoạt động như Liên hoan các ban nhạc trẻ toàn quốc, hội “Mùa vàng Bình Liêu”, chương trình “Duyên dáng Hạ Long”… Du khách có thể hòa mình vào không khí lễ hội tại Carnaval mùa đông, khám phá đặc sản vùng biển tại Liên hoan ẩm thực Quảng Ninh hoặc trải nghiệm nghỉ dưỡng khoáng nóng phong cách Nhật Bản tại Yoko Onsen Quang Hanh…
Trong 6 tháng đầu năm 2022: Tổng khách du lịch đạt 5 triệu lượt khách, tăng 107% so với kịch bản tăng trưởng. Doanh thu du lịch đạt 10.000 tỷ đồng, tăng 122% so với kịch bản tăng trưởng.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh có hơn 2.000 cơ sở lưu trú, với trên 35.000 phòng nghỉ. Ngoài ra, loại hình biệt thự nghỉ dưỡng đáp ứng nhu cầu du lịch cuối tuần, nhóm nhỏ hoặc gia đình đều sẵn sàng tại Hạ Long, như khu nghỉ dưỡng Premier Village Halong Bay Resort hoặc tại đảo Tuần Châu. Những khu mua sắm, vui chơi giải trí quy mô lớn như Sun World Halong Complex… đều đã phần nào đáp ứng yêu cầu vui chơi, trải nghiệm của du khách. Nhờ vậy, du khách đến với Quảng Ninh tăng nhanh, với những luồng khách mới từ rất nhiều quốc gia trên thế giới từ các nước Đông Bắc Á cho tới châu Âu, Bắc Mỹ...
Trong những năm qua, không thể không nhắc đến việc đầu tư hạ tầng du lịch đã giúp Quảng Ninh ghi điểm với du khách bởi sự thuận tiện, thời gian di chuyển nhanh gọn. Chuỗi liên kết đường bộ - đường không - đường thủy gồm Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long và các tuyến đường cao tốc giúp Quảng Ninh dễ dàng rút ngắn thời gian đón khách từ các trung tâm du lịch lớn.
Ông Phạm Văn Hiệp, Giám đốc điều hành Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, cho biết: Nếu trước đây chưa có cảng, tàu biển quốc tế phải neo đậu cách bờ khoảng 500m, du khách di chuyển vào bờ bằng hệ thống tender khiến không ít người cảm thấy phiền toái, thiếu an toàn thì nay tàu có thể tiếp cận cầu cảng, khách rời tàu là lên được bờ ngay, thuận lợi, an toàn và rất tiện ích.
Sự nhộn nhịp của các hãng tàu biển quốc tế đưa khách đến Hạ Long đã làm cho "bức tranh" du lịch của Quảng Ninh trở nên sôi động hơn. Việc chủ động, sẵn sàng và tăng cường quảng bá du lịch tàu biển đang là hướng đi phù hợp, đúng đắn, nhạy bén của Quảng Ninh cũng như phù hợp với mục tiêu tăng tỷ trọng ngành dịch vụ du lịch, tăng trưởng của ngành “công nghiệp không khói”.
Ngoài ra, hạ tầng dịch vụ cũng được đồng bộ như: Khu vực nhà hàng, mua sắm và miễn thuế, kết nối cùng các chuỗi khu vui chơi giải trí cao cấp như bãi tắm Bãi Cháy, cụm công trình Bảo tàng - Thư viện, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm, núi Bài Thơ, chợ Hạ Long… đã tạo thành chuỗi du lịch khép kín. Điều này nhanh chóng đáp ứng, giải quyết nhu cầu vui chơi, mua sắm, giải trí của du khách mỗi khi qua cảng.
Tuy nhiên, bên cạnh những thế mạnh sẵn có, việc phát triển các sản phẩm mới vẫn chưa thực sự hấp dẫn, có chiều sâu và tạo được thương hiệu riêng có của Quảng Ninh. Nhất là sự kết nối, phối hợp giữa các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành với điểm du lịch còn hạn chế, mới dừng lại ở việc phát triển thị trường khách du lịch mà chưa có kế hoạch xây dựng sản phẩm du lịch chuyên nghiệp. Cùng với đó, tiềm năng của du lịch đêm, kinh tế đêm chưa được khai thác bài bản để xứng với sự sôi động và hấp dẫn của điểm đến Quảng Ninh, trước hết là TP Hạ Long. Nguồn nhân lực du lịch vẫn là một bài toán khó với ngành Du lịch, nhất là trong giai đoạn cao điểm du lịch nói riêng và trong bối cảnh phát triển du lịch chung của tỉnh.
Theo ông Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch: Để xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch một cách bài bản, hấp dẫn, cần có sự phối hợp của các sở, ngành, nhất là sự quan tâm của các cấp chính quyền trong đầu tư, định hướng và lập quy hoạch. Cùng với đó, cần sự chung tay của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn như là Sun Group, Vingroup, BIM, Tuần Châu… để phát triển các sản phẩm du lịch mới là thế mạnh của Quảng Ninh như: Du lịch golf, du lịch trải nghiệm, mạo hiểm. Sở sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Đề án phát triển kinh tế đêm, Đề án phục hồi ngành du lịch Quảng Ninh năm 2025, định hướng 2030. Từ đó, giải quyết những tồn tại, khó khăn của ngành Du lịch, hoàn thành mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, động lực tăng trưởng xanh của nền kinh tế.