Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Quảng Ninh: Phát huy giá trị văn hóa các vùng miền

21/03/2024 | 16:52

Quảng Ninh có hơn 600 di sản văn hóa vật thể, phi vật thể là những đình, chùa, đền, miếu, danh lam thắng cảnh, phong tục, tập quán, lễ hội. Với nhiều giải pháp, những giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh đang được gìn giữ và phát huy hiệu quả.

Quảng Ninh: Phát huy giá trị văn hóa các vùng miền - Ảnh 1.

Biểu diễn làn điệu Soóng cọ tại Lễ công bố huyện Bình Liêu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023. Ảnh: Thu Chung

Đến huyện Bình Liêu, du khách không chỉ được ngắm cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, mà còn được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm hấp dẫn, được hòa mình vào các hoạt động văn hóa cộng đồng, lễ hội đặc sắc, điển hình như: Lễ hội Đình Lục Nà, Hội Soóng cọ, Ngày hội Kiêng gió, Hội Mùa vàng, Hội hoa Sở…

Đặc biệt, trung tuần tháng 3 vừa qua, tại huyện Bình Liêu, các địa phương: Bình Liêu, Đầm Hà, Ba Chẽ, Tiên Yên, TP Móng Cái - nơi có Hội hát Soóng cọ của người Sán Chỉ được đón nhận Quyết định của Bộ VH,TT&DL công nhận nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soóng cọ của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm tự hào của bà con dân tộc Sán Chỉ nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung, trong việc gìn giữ, phát huy hiệu quả giá trị văn hóa phi vật thể. Du khách đến đây được tìm hiểu về hát Soóng cọ - một loại hình dân ca được thực hành và gìn giữ suốt nhiều thế hệ, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Sán Chỉ.

Hát Soóng cọ là cách hát đối gồm một bên nam, một bên nữ đối diện và có thể cùng một lúc có nhiều tốp hát đối với nhau. Do tính chất ứng đối tập thể nên tính thống nhất cao hơn, tính cộng đồng thể hiện rõ nét... Những năm gần đây làn điệu Soóng cọ của người Sán Chỉ đã được các địa phương phục dựng, tổ chức thường niên, bài bản, quy mô. Qua đó góp phần gìn giữ một di sản văn hóa tinh thần quý báu, thể hiện truyền thống tốt đẹp và bản sắc riêng của tộc người Sán Chỉ ở Quảng Ninh; đồng thời tạo nên sản phẩm văn hóa độc đáo, sức hấp dẫn riêng có, thu hút đông đảo du khách tham quan, trải nghiệm...

Tại các lễ hội, nhất là hội xuân, nhiều trò chơi dân gian đặc trưng của huyện cũng trở thành những sản phẩm văn hóa, thể thao đặc sắc, thu hút đông người dân, du khách tham gia. Theo ông Mạc Ngọc Điệp, Trưởng Phòng Văn hóa -Thông tin huyện Bình Liêu, các trò chơi dân gian trong lễ hội thể hiện nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc trên địa bàn. Qua đó tạo sân chơi lành mạnh, góp phần xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng; phát hiện nhiều nhân tố có năng khiếu để chọn vào đội tuyển của huyện tham gia Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh, Đại hội Thể dục thể thao tỉnh...

Quảng Ninh: Phát huy giá trị văn hóa các vùng miền - Ảnh 2.

Người dân xã vùng cao huyện Hải Hà chơi đánh quay.

TP Hạ Long cũng hội tụ các giá trị văn hóa truyền thống nổi bật, đặc sắc, như: Văn hóa của cộng đồng ngư dân trên Vịnh Hạ Long; bản sắc độc đáo của đồng bào DTTS khu vực vùng núi phía Bắc và phía Tây thành phố. Những phong tục, tập quán, tín ngưỡng đã tạo nên sợi dây kết nối, góp phần khai thác hiệu quả du lịch vùng biển và vùng núi, mang đến trải nghiệm mới lạ cho du khách.

Đặc biệt, để gìn giữ và phát huy vốn quý văn hóa truyền thống, hằng năm người Dao Thanh Y ở xã Bằng Cả tổ chức nhiều lễ hội, thu hút đông người dân, du khách tham gia. Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc Dao Thanh Y Bằng Cả (xã Bằng Cả) được tỉnh dành nhiều nguồn lực đầu tư với nhiều công trình thiết chế văn hóa ấn tượng. Tại đây, nhiều lớp dạy học chữ Nôm Dao, nghề thêu truyền thống, hát giao duyên, dân ca dân vũ... do chính các nghệ nhân của bản làng truyền dạy cho lớp trẻ. Những nét độc đáo đó đang tạo sức hút đối với du khách khi tham quan khám phá những nét đặc sắc văn hóa của đồng bào dân tộc nơi đây.

Anh Đỗ Văn Hùng (tỉnh Đắk Lắk) cho biết: "Ngày xuân gia đình tôi lựa chọn Quảng Ninh là điểm đến du lịch đầu tiên trong năm, bởi nơi đây không chỉ có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, mà còn có nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bào DTTS; trong đó có nhiều môn thể thao, trò chơi dân gian rất sôi động. Người dân Quảng Ninh rất mến khách. Chúng tôi đã được mời tham gia các trò chơi dân gian cùng bà con nơi đây. Thực sự đây là những kỷ niệm đáng nhớ và vô cùng ý nghĩa trong chuyến trải nghiệm Quảng Ninh lần này của gia đình tôi".

Thời gian qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và từng bước định hình hệ giá trị Quảng Ninh với 6 đặc trưng: Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc, năm 2023 BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU "Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững". Quảng Ninh trở thành địa phương đầu tiên trong nước ban hành nghị quyết riêng về phát triển văn hóa, con người.

Cụ thể hóa mục tiêu Nghị quyết, chủ đề công tác năm 2024 “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, tỉnh quan tâm thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn. Cùng với đó tỉnh dành nhiều nguồn lực, xây dựng các đề án, đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ vùng DTTS. Trong đó tập trung chỉ đạo, triển khai các dự án, đề án về nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng đồng bào DTTS, như: Quy hoạch bảo tồn và phát triển văn hóa các DTTS tỉnh Quảng Ninh đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Đề án bảo tồn và phát huy giá trị một số làng DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030...

Quảng Ninh: Phát huy giá trị văn hóa các vùng miền - Ảnh 3.

Người dân, du khách thích thú cổ vũ trò chơi đẩy gậy tại chương trình “Làng Việt - Tết xưa” năm 2024 tổ chức tại Đình Làng Nương (xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí).

Tỉnh chú trọng bảo tồn, tôn tạo các điểm di tích, danh thắng; bảo tồn, khôi phục các làng nghề truyền thống, đặc biệt là các di sản văn hóa của cộng đồng các DTTS đang có nguy cơ mai một; xây dựng quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh đảm bảo đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm và có lộ trình cụ thể, phân vùng đầu tư, khai thác dựa trên tài nguyên, thế mạnh của mỗi địa phương để gắn với phát triển du lịch. Trong đó ưu tiên bố trí nguồn lực phát triển kinh tế- xã hội giữa các vùng, khu vực đảm bảo tính kết nối liên thông theo hướng khai thác, phát huy tối đa giá trị bản sắc văn hóa của các xã vùng cao vào phát triển du lịch, nhằm chuyển đổi cơ cấu lao động, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa.

Các địa phương trong tỉnh cũng chủ động nghiên cứu và thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vùng DTTS, trong đó nhiều trò chơi dân gian, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống... được lưu giữ, tạo ấn tượng, sức hấp dẫn đối với du khách. Dịp Tết cổ truyền và các lễ hội xuân, nhiều môn thể thao dân tộc như đẩy gậy, đua thuyền chải, bắn cung, bắn nỏ, kéo co... được đưa vào thi đấu chính thức tại các giải thể thao thường niên của tỉnh. Các hoạt động không chỉ tạo "chất keo" gắn kết cộng đồng, mà còn tạo sức hấp dẫn đối với du khách, nhất là đối với du khách quốc tế trong hành trình khám phá Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng.

Theo Báo Quảng Ninh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×