Quảng Ninh: Phát huy bản sắc văn hóa - Thúc đẩy du lịch cộng đồng
30/08/2023 | 14:29Trong bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” và “Văn hóa cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị”. Nhận thức đúng tính chất, vai trò, vị trí quan trọng của văn hóa, tỉnh Quảng Ninh luôn đưa tư duy văn hóa vào trong mỗi hành động, quyết sách về kinh tế, chính trị, hoạt động xã hội.
Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh đã xác định "Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp khoảng cách giàu nghèo" là một trong 3 khâu đột phá chiến lược. Cũng từ phát huy bản sắc văn hóa mà du lịch cộng đồng ở nhiều địa phương được hình thành và phát triển.
Quảng Ninh có 637 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, 362 di sản văn hóa phi vật thể. Để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, những năm qua tỉnh đã có rất nhiều quyết sách nhằm phát triển văn hóa các vùng miền, điển hình là các đề án: Nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2026; bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2030; khôi phục và phát triển văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030...
Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 100% di tích cấp quốc gia, 70% di tích cấp tỉnh đã được tu bổ, tôn tạo và chống xuống cấp, với tổng kinh phí gần 2.000 tỷ đồng từ nguồn lực nhà nước và nguồn xã hội hoá. Nhiều doanh nghiệp, đơn vị đã tham gia ủng hộ nguồn lực lớn trong việc trùng tu, cải tạo nâng cấp di tích. Đặc biệt, các di sản, di tích đã trở thành những điểm du lịch trong hệ thống tuyến, điểm du lịch của nhiều địa phương, như: Di tích lịch sử nhà Trần (TX Đông Triều), Khu di tích - danh thắng Yên Tử, chùa Ba Vàng (TP Uông Bí), Khu di tích Bạch Đằng (TX Quảng Yên), chùa Lôi Âm và chùa Long Tiên (TP Hạ Long), đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả), chùa Cái Bầu (huyện Vân Đồn)...
Để bảo tồn và phát triển văn hóa mang bản sắc địa phương, tỉnh chỉ đạo tổ chức nghiên cứu lập hồ sơ khoa học và đã được xếp hạng 19 di tích, kiểm kê lập 28 hồ sơ di tích bổ sung vào Danh mục di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh của tỉnh. Đặc biệt, lần đầu tiên Quảng Ninh đã tổng rà soát, phát hiện, củng cố, xây dựng hồ sơ, thuyết trình được Thủ tướng Chính phủ công nhận 13 bảo vật quốc gia (trước năm 2018, tỉnh không có bảo vật quốc gia được công nhận). Đến nay, Quảng Ninh có 638 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, gồm 6 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 58 di tích cấp quốc gia, 92 di tích cấp tỉnh, 483 di tích kiểm kê, phân loại. Như vậy là số di tích quốc gia đặc biệt của tỉnh được xếp hạng đứng thứ hai toàn quốc, chỉ sau Thủ đô Hà Nội.
Công tác rà soát, củng cố, xây dựng hồ sơ bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đã được tỉnh đặc biệt quan tâm thực hiện. Đến nay Quảng Ninh có 3 di sản phi vật thể là: Lễ hội đình Trà Cổ (TP Móng Cái), Lễ hội đình Quan Lạn (huyện Vân Đồn) và Lễ hội Bạch Đằng (TX Quảng Yên) được Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; thực hành then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam mà Quảng Ninh có đại diện là then của người Tày ở Bình Liêu đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nhờ có nguồn tài nguyên văn hóa phong phú, sinh thái tự nhiên tuyệt đẹp và sự quan tâm đầu tư của tỉnh, nhiều địa phương miền núi, biên giới của tỉnh đã từng bước có sự phát triển mạnh mẽ về du lịch, nhất là du lịch cộng đồng. Trong đó huyện Bình Liêu đang là vùng đất hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan trải nghiệm. Nhiều du khách cho rằng, chính các phong tục, tập quán tốt đẹp, với nhiều lễ hội, sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc, như: Lễ hội đình Lục Nà, hội hát tháng Ba của dân tộc Sán Chỉ, ngày hội Kiêng gió của đồng bào dân tộc Dao, các chợ phiên hằng tuần vào chủ nhật, đường lên các cột mốc biên giới... đã mang lại những bản sắc riêng có và độc đáo cho Bình Liêu.
Những ngày cuối tuần, Khu du lịch cộng đồng Kỳ Thượng Am Váp Farm (thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long) nhộn nhịp đón các đoàn khách tham quan. Gần đây, Kỳ Thượng Am Váp Farm đang là điểm đến ưa thích của khách du lịch nhờ vẻ đẹp thiên nhiên hùng vỹ, khoáng đạt với rừng trúc, rừng giổi nguyên sinh được gìn giữ; chèo thuyền trên các con suối nhỏ và thưởng thức những món ăn đặc sắc của địa phương như cá suối, khoai sọ nương, gà nướng... hay được ngâm, tắm lá thuốc người Dao.
Nhận thức rõ việc gìn giữ văn hóa là tạo nền tảng để thúc đẩy phát triển du lịch, ngược lại, du lịch phát triển tạo tiềm lực để tôn tạo, trùng tu các di tích, phục dựng các lễ thức, lễ hội, các loại hình nghệ thuật dân gian, ngày 21/6/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 161/KH-UBND về thí điểm xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa 4 làng DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng, khu vực miền núi tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2023-2025. Hiện các địa phương đang tích cực xây dựng 4 làng DTTS là: Làng người Dao ở thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn (TP Móng Cái); làng người Tày ở Bản Cáu, xã Lục Hồn (huyện Bình Liêu), làng người Sán Dìu ở thôn Voòng Tre, xã Bình Dân (huyện Vân Đồn) và làng người Sán Chỉ (Sán Chay) ở thôn Lục Ngù, xã Húc động (huyện Bình Liêu).
Giai đoạn 2023-2025, Quảng Ninh xây dựng thêm 9 điểm du lịch cộng đồng có giá trị nổi trội về tài nguyên du lịch, giá trị văn hóa, lịch sử địa phương, đáp ứng tiêu chí về khả năng cung ứng, tính cộng đồng và giá trị bền vững. Giai đoạn sau năm 2025, tỉnh tập trung đánh giá, rà soát kết quả thực hiện các chính sách; điều chỉnh, cập nhật số lượng điểm phát triển du lịch cộng đồng còn lại theo điều kiện thực tế và cân đối nguồn ngân sách.