Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Quảng Ninh: Nâng tầm thương hiệu các di sản

18/02/2021 | 14:24

Đi cùng với thương hiệu các di sản là sức hút trong đầu tư, phát triển du lịch bền vững của Quảng Ninh. Điều ấy đã được minh chứng rõ nét từ việc tỉnh chú trọng nâng tầm các di sản những năm gần đây.

Niềm vui xuân mới

Quảng Ninh: Nâng tầm thương hiệu các di sản - Ảnh 1.

Quảng Ninh: Nâng tầm thương hiệu các di sản - Ảnh 2.

Với điểm nhấn Vịnh Hạ Long, TP Hạ Long đã trở thành một trung tâm du lịch lớn không chỉ của Quảng Ninh mà còn với cả nước.

Trước thềm xuân Tân Sửu, Quảng Ninh đón nhận nhiều niềm vui mới từ việc tôn vinh các di sản ở tầm quốc gia và mở ra cơ hội công nhận di sản ở tầm thế giới. Gần nhất là Chính phủ đã giao các đơn vị liên quan gửi hồ sơ đề cử di sản "Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà" tới Trung tâm Di sản thế giới UNESCO. Đồng thời, Chính phủ cũng đồng ý gửi báo cáo tóm tắt đề cử “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử” (thuộc địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương) đề nghị UNESCO đưa vào danh sách dự kiến lập hồ sơ Di sản thế giới.

Rõ ràng, nếu như Vịnh Hạ Long đã 2 lần được công nhận là Di sản thế giới, với hồ sơ lần này chỉ là việc mở rộng địa giới sang quần đảo Cát Bà, thì Yên Tử lại khác, đây là một bước tiến mới trong nỗ lực xây dựng hồ sơ di sản Yên Tử của Quảng Ninh và tỉnh bạn nhiều năm qua.

Không chỉ như vậy, dịp cuối năm vừa qua, Quảng Ninh còn có tới 4 hiện vật được công nhận Bảo vật Quốc gia. Đó là 3 kiệt tác gốm thời Lý, gồm: Bình gốm hoa nâu Kinnari, Bình gốm hoa sen và Thạp gốm hoa nâu. Từ bàn tay người thợ gốm, các kiệt tác này trải qua cả ngàn năm lịch sử vẫn còn khá nguyên vẹn tới hôm nay, với giá trị độc đáo rất riêng của mỗi hiện vật, dù là thạp gốm nặng tới gần chục cân hay bình Kinnari chỉ nhỏ xíu trong lòng tay.

Quảng Ninh: Nâng tầm thương hiệu các di sản - Ảnh 3.

Một số Bảo vật Quốc gia hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh.

Cùng với đó là Bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông - Bảo vật được tạo tác và bài trí trong tháp Huệ Quang, Yên Tử từ hơn 300 năm nay. Bảo tượng này được xem là thể hiện hết tinh thần, tướng mạo của Trần Nhân Tông với nghệ thuật điêu khắc tượng Phật là một điển hình mẫu mực ở nước ta thế kỷ 17. Yên Tử đang trên hành trình xây dựng hồ sơ Di sản thế giới, với việc công nhận Bảo vật Quốc gia cho tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông càng tăng thêm giá trị cho non thiêng Yên Tử, góp phần lan tỏa sâu rộng hơn các giá trị của Yên Tử trong đời sống hôm nay.

Như vậy là qua 3 đợt công nhận Bảo vật Quốc gia trong 3 năm gần đây, Quảng Ninh đã liên tiếp được công nhận tới 9 Bảo vật Quốc gia. Các bảo vật đều gắn liền với các giai đoạn lịch sử khác nhau của dải đất địa đầu Đông Bắc Quảng Ninh.

Quảng Ninh: Nâng tầm thương hiệu các di sản - Ảnh 4.

Yên Tử sau gần 10 năm được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, đã thu hút cả triệu khách hành hương hàng năm. (Ảnh chụp ngày 15/1/2021)

Vịnh Hạ Long hay khu di tích – danh thắng Yên Tử của Quảng Ninh vốn có những giá trị độc đáo, thu hút lòng người. Khi được nâng tầm di sản thì điểm nhìn thấy rõ nét là sức thu hút đầu tư với doanh nghiệp cũng như du khách bốn phương. Với điểm nhấn Vịnh Hạ Long, TP Hạ Long đã trở thành một trung tâm du lịch lớn không chỉ của Quảng Ninh mà còn với cả nước. Yên Tử sau gần 10 năm được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, đã thu hút cả triệu khách hành hương hàng năm (không kể thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 gần đây), hệ thống dịch vụ dưới chân Yên Tử cũng được doanh nghiệp đầu tư tạo thành điểm nhấn khá độc đáo.

Thêm nữa, với các Bảo vật Quốc gia, ngoại trừ tượng Phật hoàng tại Yên Tử, còn lại đều được trưng bày trong các không gian của Bảo tàng Quảng Ninh, cũng tạo thêm sức thu hút cho điểm du lịch văn hóa này của tỉnh. Chẳng thế mà, nơi đây đã dần trở thành điểm đến của du khách khi về với Hạ Long, Quảng Ninh.

Cách làm đồng bộ, toàn diện

Sớm nhận thức rõ giá trị, vai trò các di sản thiên nhiên, văn hóa trong xu hướng phát triển bền vững, những năm gần đây, Quảng Ninh rất chú trọng xây dựng thương hiệu, nâng tầm các di sản từ nguồn tài nguyên di sản phong phú vốn có. Vì vậy, kể từ năm 2012 đến nay, tỉnh đã có thêm 4 Di tích Quốc gia đặc biệt, cùng với Yên Tử là Bạch Đằng, khu di tích nhà Trần tại Đông Triều và đền Cửa Ông - Cặp Tiên. Nối tiếp đó, tỉnh hiện cũng đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt đối với Thương cảng cổ Vân Đồn…

Quảng Ninh: Nâng tầm thương hiệu các di sản - Ảnh 5.

Ruộng bậc thang ở Lục Hồn (Bình Liêu) đã được công nhận là di tích – danh thắng cấp tỉnh. Ảnh: Tạ Quân

Cùng với di sản văn hóa là việc công nhận các di sản thiên nhiên mà gần đây nhất là Ruộng bậc thang ở Lục Hồn (Bình Liêu), đã được công nhận là di tích - danh thắng cấp tỉnh. Niềm vui nối tiếp niềm vui khi không lâu sau, Bình Liêu được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh. Nơi đây cùng với vẻ đẹp tự nhiên còn là vùng đất có bề dày các giá trị văn hóa, được bồi đắp trong quá trình phát triển của cộng đồng các dân tộc Bình Liêu, có bản sắc riêng, thu hút du khách. Vì vậy, khi những di sản này được công nhận tiếp tục mở ra cơ hội khai thác tiềm năng du lịch cho sự phát triển chung của địa phương từ nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, con người nơi đây.

Một trong những vốn văn hóa quý giá đó là di sản Then cổ của người Tày Quảng Ninh, nằm trong hợp phần di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam”, đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Di sản này cũng là một trong 6 Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của Quảng Ninh được tôn vinh cho đến nay. Cùng với nghi lễ Then cổ còn có di sản Hát nhà tơ - hát cửa đình và 4 di sản lễ hội truyền thống (lễ hội miếu Tiên Công, Quảng Yên; lễ hội đền Cửa Ông, Cẩm Phả; lễ hội đình Trà Cổ, Móng Cái và lễ hội đình Quan Lạn, Vân Đồn).

Quảng Ninh: Nâng tầm thương hiệu các di sản - Ảnh 6.

Nghi lễ rước bài vị thần trong Lễ hội đình Trà Cổ. Ảnh tư liệu của TP Móng Cái

Thực tế, càng ngày người ta càng nhận thấy sự gắn bó không thể tách rời giữa văn hóa với du lịch. Các di sản kể trên cho đến nay đều đã, đang hoặc nằm trong định hướng phục vụ phát triển du lịch bền vững của tỉnh.

Nói về việc phát huy các giá trị văn hóa của di sản trong làm du lịch, ông Micheal Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, từng bày tỏ: Quảng Ninh đầu tư vào phát triển du lịch di sản là cách làm rất hay. Các di sản dựa trên những giá trị của cộng đồng, từ đó người dân trong cộng đồng đều được hưởng lợi từ việc phát triển du lịch. Hướng đi này giúp phát triển được ngành du lịch theo hướng bền vững, nhất là trong bối cảnh hiện nay, xu hướng của du khách thiên về việc trải nghiệm, hướng tới sự dân dã nhiều hơn.

Theo quangninh.gov.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×