Quảng Ninh: Nâng cao mức thụ hưởng văn hóa của nhân dân
15/01/2024 | 08:55Thực hiện chủ đề công tác năm 2023 của tỉnh về “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”, ngành Văn hóa và Thể thao đã tập trung vào mục tiêu nâng cao chất lượng hưởng thụ, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, miền trong tỉnh.
Theo đó, ngành đã chỉ đạo, triển khai tổ chức đa dạng các chương trình biểu diễn nghệ thuật, chương trình tuyên truyền văn hóa dịp Tết Nguyên đán, kỷ niệm các ngày lễ lớn… để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân khắp các địa bàn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Năm 2023 vừa qua, toàn tỉnh đã tổ chức trên 200 chương trình nghệ thuật phục vụ cho trên 50.000 lượt nhân dân và du khách.
Tiêu biểu có thể kể đến Chương trình nghệ thuật “Hạ Long thần tiên” được biểu diễn miễn phí tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh, phục vụ trên 10.000 lượt du khách và nhân dân, được người xem hưởng ứng, đón nhận và đánh giá cao. Các đơn vị như Bảo tàng Quảng Ninh đón 740.000 lượt khách tham quan trong nước và quốc tế; Thư viện tỉnh phục vụ 290.752 lượt bạn đọc, 15.105 lượt khách tham quan. Ngành phối hợp với các ngành liên quan tổ chức nhiều chương trình, hoạt động đặc sắc về mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm…
Năm vừa qua, ngành đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương chỉ đạo, triển khai sâu rộng và hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở”. Tham mưu, đề xuất đầu tư nguồn lực xây dựng, sửa chữa đồng bộ thiết chế văn hóa, thể thao các cấp. Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao sôi nổi từ tỉnh đến cơ sở.
Quan tâm tới công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, ngành đã tham mưu phối hợp với 2 địa phương Bắc Giang, Hải Dương tiếp tục triển khai các nội dung xây dựng Hồ sơ “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” trình UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Năm vừa qua, di tích Thương cảng Vân Đồn (huyện Vân Đồn) và di tích đình Trà Cổ (TP Móng Cái) đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt, nâng tổng số Di tích Quốc gia đặc biệt của Quảng Ninh lên thành 8.
Cùng với đó, ngành đã chú trọng tham mưu triển khai xây dựng phong trào TDTT, góp phần nâng cao thể trạng, tầm vóc, sức khỏe, phòng chống bệnh tật cho người dân trên địa bàn. Theo ước tính, hiện nay số người tập luyện thể thao thường xuyên, số gia đình thể thao đều tăng. Tỷ lệ số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt 40,8% số dân, số gia đình thể thao đạt 24% số hộ, cho thấy phong trào TDTT quần chúng ngày càng lớn mạnh. Tiếp tục phát triển thể thao thành tích cao, tham gia 53 giải thể thao toàn quốc, đoạt 412 huy chương các loại; đăng cai tổ chức 14 sự kiện thể thao quốc gia.
Qua những cố gắng, nỗ lực trong năm 2023 của ngành, có thể thấy các sản phẩm văn hóa, các phong trào văn hóa, thể dục, thể thao ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới và tạo được ấn tượng tốt đẹp, thu hút đông đảo nhân dân hưởng ứng và tham gia; từng bước góp phần đưa văn hóa thực sự trở thành nguồn lực nội sinh, động lực phát triển bền vững của tỉnh theo Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của BCH Đảng bộ tỉnh.
Quảng Ninh là tỉnh biên giới, chịu nhiều tác động, ảnh hưởng của các yếu tố an ninh phi truyền thống, cần thiết tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, tiến bộ. Năm 2024 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 17, đồng thời thực hiện chủ đề công tác năm của tỉnh “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, ngành đã xác định các nhóm nhiệm vụ trọng tâm.
Đó là nhiệm vụ về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh cho phát triển văn hóa. Xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa tỉnh Quảng Ninh, trong đó xác định tập trung xây dựng các quy chế, nội quy, hệ thống các tiêu chí về môi trường văn hóa trong từng môi trường cụ thể, nhằm hình thành các chuẩn mực về văn hóa, đạo đức, hành vi ứng xử. Huy động các nguồn lực đầu tư của nhà nước, xã hội và quản lý, khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hóa, tài nguyên văn hóa. Phát triển công nghiệp văn hóa, sáng tạo và dịch vụ văn hóa…