Quảng Ninh: Lành mạnh hóa môi trường kinh doanh du lịch
12/08/2024 | 08:28Du lịch Quảng Ninh sau dịch Covid-19 có sự phục hồi mạnh mẽ. Các doanh nghiệp cũng đầu tư trở lại về cơ sở vật chất cũng như các loại hình, dịch vụ, sản phẩm để thu hút khách nhiều hơn. Sự sôi động ấy tất yếu kéo theo những phức tạp nảy sinh trong môi trường du lịch, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải siết chặt khâu quản lý, kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm cũng như việc nâng cao ý thức của mỗi cơ sở, đơn vị kinh doanh du lịch để nâng cao chất lượng dịch vụ, gìn giữ thương hiệu của du lịch Quảng Ninh.
Nhiều sai phạm trong kinh doanh du lịch
Mùa du lịch hè hằng năm vốn cũng là giai đoạn du lịch tại các địa phương của Quảng Ninh sôi động nhất. Thông tin phản ánh từ nhiều kênh của người dân, báo chí và du khách cho thấy, thời gian qua, tại một số điểm đến du lịch, nhà hàng, cơ sở lưu trú và trên Vịnh Hạ Long đã xảy ra hiện tượng, hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh du lịch. Đó là tình trạng một số nhà hàng, xe taxi, xe điện chèo kéo, nâng giá, ép giá khách du lịch, dịch vụ kém chất lượng, cạnh tranh không lành mạnh; một số quán bar, pub bật nhạc có âm thanh quá mức, hoạt động quá giờ cho phép; hoạt động du lịch trái phép, bán dịch vụ ảo…
Chính vì vậy, ngày 10/7, UBND tỉnh đã có văn bản số 1868 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước, đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch. Theo đó, giao các địa phương thường xuyên tổ chức kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm; tiếp nhận và giải quyết các phản ánh của du khách liên quan đến du lịch trên địa bàn… Vận động các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân kinh doanh du lịch dịch vụ ký cam kết với chính quyền địa phương về việc thực hiện nghiêm các quy định hiện hành.
Chỉ đạo rà soát, lắp đặt mới thay thế các bảng, biển đã cũ hỏng, thông tin cũ, không chính xác tại các khu, điểm, cơ sở dịch vụ du lịch. Thông báo công khai, rộng rãi đường dây nóng xử lý các nội dung liên quan đến du lịch tại tất cả các khu, điểm, cơ sở du lịch, khách sạn, nhà hàng, quán ăn, phương tiện vận chuyển công cộng, tàu du lịch… Đồng thời với đó, thực hiện chỉnh trang đô thị, chiếu sáng, vệ sinh, trang trí khánh tiết đảm bảo khang trang, sạch đẹp; tăng cường lực lượng kiểm tra, xử lý dứt điểm hiện tượng ăn xin, bán hàng rong tại các khu, điểm du lịch, nhà hàng, quán ăn…
Vào cuộc mạnh mẽ phải kể đến huyện Cô Tô. Địa phương đã thành lập Tổ kiểm tra liên ngành quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn, ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể; duy trì đường dây nóng, thường trực tiếp nhận phản ánh của du khách 24/24h. Các cán bộ cũng quan tâm tiếp nhận, nắm bắt thông tin, phản ánh của du khách, giám sát hoạt động, chất lượng dịch vụ du lịch, từ đó vào cuộc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo quyền lợi du khách.
Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm nay, Tổ kiểm tra liên ngành huyện đã tổ chức 10 đợt kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trên 20 triệu đồng. Để kiểm soát triệt để các tour du lịch “chui”, đầu tháng 6 vừa qua, huyện Cô Tô đã ra văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, lực lượng chức năng tăng cường quản lý, ra quân kiểm tra, xử lý các tour câu cá, mực đêm, tour thăm đảo "chui"; các hoạt động vui chơi giải trí dưới nước và tour tự phát không đảm bảo theo quy định. Chỉ trong tháng 7, địa phương đã thực hiện 7 đợt kiểm tra, xử phạt 7 trường hợp, trong đó có 6 trường hợp kinh doanh mô tô nước tại 2 bãi tắm Vàn Chảy và Hồng Vàn với tổng số tiền phạt là 45 triệu đồng; giải quyết thỏa đáng 3 trường hợp phản ánh của du khách qua đường dây nóng kiến nghị về thái độ ứng xử chưa phù hợp trong du lịch…
Trọng điểm, sôi động trong các hoạt động du lịch hơn cả là TP Hạ Long. Vì vậy, vấn đề đảm bảo môi trường du lịch cũng đòi hỏi làm kiên quyết hơn. Thời gian gần đây, địa phương cũng như các đơn vị chức năng đã vào cuộc xử lý kịp thời nhiều vụ việc phát sinh theo phản ánh của người dân, du khách và trên mạng xã hội nhằm gìn giữ hình ảnh du lịch Hạ Long. Trong đó, có thể kể đến việc xử phạt hành chính nhà hàng Minh Phi 1 có hành vi niêm yết giá không rõ ràng và ứng xử thiếu văn hoá, gây bức xúc cho khách du lịch; xử phạt quán bar Bistro Fou Beach của Công ty TNHH Nhà hát đại dương JBY (Bistro Fou) đã có hành vi trình diễn phản cảm, không phù hợp thuần phong mỹ tục tại khu vực bãi biển Bãi Cháy.
Đầu tháng 7 vừa qua, Công an TP Hạ Long từ phản ánh của quần chúng về đoạn video đăng trên mạng xã hội đã nhanh chóng xác minh, khởi tố vụ án, quyết định tạm giữ 2 tài xế "taxi dù" có hành vi dàn hàng chèn ép xe taxi ngoại tỉnh trên QL18 về tội gây rối trật tự công cộng. Gần đây nhất, lực lượng này cũng đã vào cuộc nhanh chóng bắt được đối tượng cướp giật và trao trả lại đầy đủ tài sản cho 2 du khách Australia khi du lịch Hạ Long, đồng thời hoàn thiện hồ sơ để xử lý đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Cùng với các vụ việc cụ thể, thời gian qua, thành phố đã có nhiều giải pháp để chấn chỉnh môi trường kinh doanh du lịch trên địa bàn, như: Kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm các xe taxi dù, xe điện hoạt động chèo kéo, nâng ép giá; kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các cơ sở cố tình vi phạm về niêm yết giá hàng hóa, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ… Mục tiêu của địa phương là tăng cường quản lý địa bàn từ xa, từ sớm và cương quyết xử lý nghiêm tất cả các hành vi vi phạm trong hoạt động du lịch, “không có vùng cấm”; quyết tâm xây dựng môi trường du lịch Hạ Long văn minh, thân thiện, an toàn, mến khách.
Vào cuộc đồng bộ
Không chỉ là các địa phương trực tiếp liên quan tới các hoạt động du lịch, theo văn bản kể trên, tỉnh cũng giao cho các sở, ngành căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ của mình để tăng cường quản lý nhà nước, đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch.
Trong đó, Sở Du lịch chủ trì, phối hợp triển khai các biện pháp quản lý đối với môi trường kinh doanh du lịch trên toàn tỉnh, đặc biệt là TP Hạ Long và các địa phương trọng điểm về du lịch. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành để kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh du lịch, các khu, điểm du lịch nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm an toàn cho du khách; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không đảm bảo điều kiện kinh doanh du lịch, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ du lịch; ngăn chặn tình trạng kinh doanh du lịch, lữ hành trái phép, lừa đảo, chèo kéo, nài ép khách du lịch vào dịp cao điểm và các hành vi vi phạm khác…
Sở GT-VT chủ trì quản lý, giám sát, kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh vận tải khách du lịch của các đơn vị liên quan, xe taxi, xe điện, tàu du lịch, tàu chở khách… Tăng cường kiểm tra, xử lý và sẵn sàng tiếp nhận, giải quyết nhanh chóng các kiến nghị, phản ánh của du khách đối với trường hợp lái xe tự ý thay đổi hành trình, ép khách đến các địa điểm không theo yêu cầu, thu tiền không đúng quy định…
Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường quản lý về đăng ký giá, công bố, niêm yết giá, hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng… để xử lý các hành vi sai phạm. Công an tỉnh tăng cường quản lý về ANTT, PCCC, ATGT; phối hợp trong kiểm tra, điều tra, xử lý các vi phạm tại các điểm đến du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch; sẵn sàng phối hợp để giải quyết nhanh chóng các kiến nghị, phản ánh của du khách liên quan tới môi trường du lịch.
Ban Quản lý Vịnh Hạ Long tăng cường các giải pháp, cơ chế quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản thế giới Vịnh Hạ Long; phối hợp cơ quan chức năng, chính quyền địa phương quản lý, kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan tới hoạt động dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long. Chủ trì kiểm tra, giám sát, xử lý dứt điểm tình trạng đeo bám bán hàng rong trên vịnh (nếu có).
Cùng với đó, các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền, lan tỏa các thông tin, hình ảnh về môi trường du lịch và Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch Quảng Ninh. Bên cạnh việc đăng tải, công bố rộng rãi gương người tốt, việc tốt của tổ chức, cá nhân trong bảo vệ môi trường kinh doanh du lịch thì cũng đồng thời phản ánh các vi phạm trong hoạt động kinh doanh du lịch gây ảnh hưởng đến hình ảnh của du lịch Quảng Ninh.
Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh phát huy vai trò của tổ chức nghề nghiệp trong khâu tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức của cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ du lịch về trách nhiệm bảo vệ môi trường du lịch và uy tín, hình ảnh của du lịch Quảng Ninh. Khuyến khích các cá nhân, tổ chức hoạt động du lịch ký cam kết thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách hiện hành, Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch Quảng Ninh, nhất là việc công khai, minh bạch về chất lượng, giá cả dịch vụ, hàng hóa nhằm xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện, hấp dẫn…