Quảng Ninh: Hỗ trợ HDV du lịch bị ảnh hưởng bởi Covid-19
13/09/2021 | 09:00Nhằm đảm bảo chế độ hỗ trợ theo quy định của Chính phủ đến các đối tượng thụ hưởng một cách chính xác và kịp thời, Quảng Ninh đã quyết liệt triển khai thực hiện nhiều biện pháp, trong đó giao Sở Du lịch chủ trì tổ chức, triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ hướng dẫn viên (HDV) du lịch.
Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngay đầu tháng 7/2021, Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã được triển khai, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, "tiếp sức" người lao động, đặc biệt là đội ngũ HDV du lịch.
Để triển khai kịp thời và hiệu quả chính sách trên, sau khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố thủ tục hành chính hỗ trợ HDV bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Sở Du lịch đã trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2692/QĐ-UBND ngày 12/8/2021 công bố danh mục thủ tục hành chính “Hỗ trợ HDV du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19”, nội dung thủ tục hành chính nêu trên để giải quyết tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Trước đó, ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 137/KH-UBND (ngày 15/7/2021) triển khai chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Sở Du lịch đã có văn bản thông báo cụ thể tới các tổ chức, doanh nghiệp biết, nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
Theo đó, về thủ tục làm hồ sơ, cần phải có thẻ HDV còn có thời hạn sử dụng tại thời điểm nộp hồ sơ, không phân biệt vị trí chức vụ trong doanh nghiệp hoặc tổ chức quản lý khu, điểm du lịch; chưa được hưởng chính sách hỗ trợ khác quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. HDV phải có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch; hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch.
Một tổ công tác do Sở Du lịch chủ trì được thành lập, làm công tác thẩm định, chi trả hỗ trợ cho HDV. Theo trình tự sau khi nhận hồ sơ tại Hành chính công sẽ được chuyển thẩm định, tổng hợp rồi ra quyết định hỗ trợ ngay. Ngành Du lịch đã cố gắng giải quyết gọn hồ sơ trong vòng 1-2 ngày, nhanh hơn so với 4 ngày theo quy định.
Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh đã thông báo rộng rãi tới Chi hội HDV, doanh nghiệp, HDV và đồng thời tạo điều kiện tối đa để HDV được thụ hưởng chính sách, hỗ trợ của Nhà nước. Cùng với đó, Sở Du lịch đã phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát 1.700 HDV để hướng dẫn thủ tục, hồ sơ. Thống kê sơ bộ tới nay đã có trên 200 hồ sơ của HDV, trong đó đã có hơn 100 hồ sơ của HDV được phê duyệt, chi trả.
Như vậy, có thể khẳng định rằng gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, trong đó có hỗ trợ cho HDV là chính sách an sinh xã hội thiết thực, kịp thời đối với người lao động, đặc biệt là HDV. Như bao đồng nghiệp khác, anh Hoàng Đức Tiến, HDV tiếng Trung (Bãi Cháy, TP Hạ Long), thành viên Hội HDV Du lịch Việt Nam, chịu cảnh không có việc làm 1-2 năm nay. Anh Tiến chia sẻ: Khoản hỗ trợ dù ít nhiều thời điểm này rất cần thiết với chúng tôi. Đáng mừng là qua tìm hiểu thủ tục cũng tương đối đơn giản, nhanh gọn. Hỗ trợ này sẽ là nguồn động viên kịp thời để chúng tôi vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh.
Không chỉ với HDV, hỗ trợ này cũng “tiếp sức” đáng kể cho các đơn vị doanh nghiệp. Như nhiều doanh nghiệp khác, Lữ hành Halotour (TP Hạ Long) đã phải thích nghi, năng động mở rộng ngành nghề kinh doanh khác để duy trì lực lượng cơ bản, trong đó có số ít HDV cơ hữu cố định tại Công ty.
“Nguồn hỗ trợ này với các HDV, với công ty là rất đáng quý, góp phần tiếp sức, có thêm thu nhập, công việc… để duy trì hoạt động, giữ chân các nhân lực chủ chốt, để có thể trở lại khi tình hình ổn định”, ông Trần Đăng An, Giám đốc Halour, chia sẻ.
"Về phía Hiệp hội Du lịch sẽ linh hoạt trong các cách hiểu về hợp đồng lao động đối với HDV, bởi vì nếu mình hiểu cứng nhắc quá thì cũng thiệt thòi cho đội ngũ HDV. Thực tế, gần 2 năm nay, họ rất khó khăn mong được hỗ trợ" - ông Nguyễn Thế Huệ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, cho biết.
Trên thực tế, có không ít HDV đang gặp khó khăn trong việc hoàn thiện thủ tục nhận hỗ trợ. Bởi HDV, đặc biệt là HDV nội địa thường không phải là Hội viên Hội HDV Việt Nam. Trong khi số HDV cơ hữu (tức HDV có hợp đồng lao động ổn định ở các công ty) rất ít và thường có ở các công ty lớn và do đặc thù mùa vụ của du lịch nên phần nhiều HDV là lao động tự do. Đó là chưa kể từ năm 2020 trở lại đây, phần lớn doanh nghiệp du lịch ngừng hoạt động. Nhiều HDV mong muốn có sự cân nhắc, xem xét, "gỡ khó" để được hỗ trợ của Nhà nước.