Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Quảng Ninh: Gỡ khó cho sản phẩm du lịch mới trên Vịnh Hạ Long

01/07/2024 | 08:22

Năm nay, các đơn vị, doanh nghiệp dự kiến phát triển 10 sản phẩm du lịch mới trên Vịnh Hạ Long. Trong đó, có sản phẩm lần đầu tiên kết nối giữa 2 Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long, có những sản phẩm từng tồn tại, nay được đề xuất mở lại phục vụ nhu cầu du khách, cũng có sản phẩm đặc thù với những vùng biển đảo như Hạ Long. Tuy nhiên, để hiện thực hóa chúng đòi hỏi phải tháo gỡ nhiều vướng mắc…

Chú trọng khai thác sản phẩm ở khu vực xa bờ

Theo Kế hoạch số 39/KH-UBND ngày 7/2/2024 của UBND tỉnh thì trong số 10 sản phẩm du lịch định hướng đưa vào khai thác, phục vụ khách tham quan trên Vịnh Hạ Long trong năm nay, có 2 sản phẩm do Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đề xuất và hiện đang triển khai. Đó là tổ chức các dịch vụ vui chơi, giải trí dưới nước tại 4 khu vực Ba Hang, Tùng Sâu, Vông Viêng, Hang Cỏ trên Vịnh Hạ Long; sản phẩm du lịch văn hóa nghiên cứu, tham quan các di chỉ khảo cổ học, trải nghiệm nét văn hóa độc đáo của cộng đồng ngư dân trên Vịnh Hạ Long.

Quảng Ninh: Gỡ khó cho sản phẩm du lịch mới trên Vịnh Hạ Long - Ảnh 1.

Du khách trải nghiệm dịch vụ chèo đò tại khu vực Ba Hang trên Vịnh Hạ Long.

8 sản phẩm, dịch vụ du lịch còn lại do doanh nghiệp đề xuất phát triển. Trong đó, Công ty TNHH Vận tải Việt Thuận lần đầu tiên đề xuất dịch vụ tàu tham quan, lưu trú du lịch hành trình qua 2 Vịnh Hạ Long - Bái Tử Long. Sản phẩm này đã được đơn vị hiện thực hóa với việc đưa vào khai thác du thuyền Grand Pioneers 2, dự kiến tháng 7 này sẽ khởi động “Hành trình di sản” đầu tiên với những điểm đến, như: Hòn Trống Mái, hòn Bình Hương, Công viên đá xếp, Vườn quốc gia Bái Tử Long, các đảo Bản Sen, Quan Lạn, Minh Châu của huyện Vân Đồn…

Công ty CP Du thuyền Đông Dương đề xuất 2 sản phẩm, dịch vụ: Tham quan tuyến 4 trên Vịnh Hạ Long bằng xuồng cao tốc và trải nghiệm nuôi cấy, khai thác, chế tác ngọc trai Hạ Long tại vụng Tùng Sâu, Vông Viêng.

HTX dịch vụ Vạn Chài Hạ Long đề xuất 4 sản phẩm: Trải nghiệm câu cá, đánh cá cùng ngư dân tại khu vực Vụng Hà, Ba Cát, vụng đền bà Phơi Lưới, vụng Hang Thầy, tùng Cống Đỏ, tùng Cặp La (5 điểm); chèo đua thuyền rồng truyền thống tại khu vực Cửa Vạn; sản phẩm một ngày ở làng chài Vông Viêng và thư giãn tắm biển, tổ chức dịch vụ trên các bãi cát tự nhiên tại khu vực bãi cát Hòn Bọ Hung và bãi cát Thiên Cảnh Sơn (hang Cỏ). Còn lại, sản phẩm du thuyền nhà hàng kết hợp đám cưới trên Vịnh Hạ Long do các doanh nghiệp kinh doanh du thuyền đề xuất.

Quảng Ninh: Gỡ khó cho sản phẩm du lịch mới trên Vịnh Hạ Long - Ảnh 2.

“Hành trình di sản” trên du thuyền Grand Pioneers 2 sẽ nối dài qua vịnh Hạ Long và Bái Tử Long. Ảnh chụp bãi tắm Chương Nẹp trên xã đảo Minh Châu (huyện Vân Đồn) nằm trong hải trình này.

Không ít sản phẩm trong số này từng được doanh nghiệp tự nghĩ ra, đưa vào khai thác thử nghiệm trước đây, như sản phẩm Một ngày làm ngư dân hay tổ chức dịch vụ trên bãi biển… Cho đến nay, việc khai thác trở lại đòi hỏi phải làm theo một quy trình mới.

Điều đáng nói hơn là, hầu hết các sản phẩm này đều khai thác mở rộng ra khu vực tương đối xa bờ của Vịnh Hạ Long, thuộc tuyến tham quan số 4 hiện nay. Đây là tuyến tham quan trước nay chủ yếu thu hút dòng khách nước ngoài, khách nghỉ đêm cao cấp. Các sản phẩm mới cũng hướng mạnh tới dòng khách này vốn là dòng khách có sức chi tiêu cao, sẵn sàng dành thời gian trải nghiệm dài với xu hướng tự do khám phá những cảnh điểm mới lạ, những khu vực không quá đông đúc trên Vịnh Hạ Long.

Lý giải phần nào cho điều này cũng như bày tỏ mong muốn của doanh nghiệp được phát triển thêm những sản phẩm trải nghiệm tại đây, ông Đoàn Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, phân tích: Một trong những cái chúng ta đang bị hạn chế là trong vùng lõi của di sản Vịnh Hạ Long, chúng ta mới chỉ đang khai thác được 1/3 không gian, cụ thể là chủ yếu dựa vào tuyến 1, tuyến 2 với những cảnh điểm chính như hang Sửng Sốt, Thiên Cung - Đầu Gỗ… dẫn đến cảm giác di sản đang bị quá tải rất mạnh. Nhưng từ tuyến 3, tuyến 4 chiếm 2/3 không gian của Vịnh Hạ Long thì số lượng tàu đưa khách tới rất ít.

Một trong những lý do là doanh nghiệp chưa phát triển được nhiều sản phẩm trải nghiệm ở khu vực này, khách tới không biết làm gì, nên hiện chỉ có một số ít tàu nghỉ đêm chạy theo tuyến đó. Vì vậy, nếu chúng ta phát triển sản phẩm trải nghiệm nhiều hơn, dựa trên các tài nguyên như là những bãi biển, hang động, làng chài thì chúng ta sẽ có dư địa rất lớn khi đưa khách ra đó.

Quảng Ninh: Gỡ khó cho sản phẩm du lịch mới trên Vịnh Hạ Long - Ảnh 3.

Hang Thiên Cung - Đầu Gỗ là một trong những điểm thu hút rất đông du khách tham quan hằng năm.

Gỡ khó khăn, vướng mắc thế nào?

Như vậy là nhu cầu, mong muốn của doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong việc khai thác thêm các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới xuất phát từ thực tế khai thác du lịch trên Vịnh Hạ Long. Nếu các sản phẩm này được hoàn thiện, đủ điều kiện đưa vào phục vụ du khách cũng hứa hẹn gia tăng sức hấp dẫn cho Vịnh Hạ Long, nhất là đối với dòng khách nước ngoài, có sức chi tiêu cao. Đồng thời giúp kéo giãn lượng khách ra khu vực xa hơn của di sản, cũng là khu vực chưa bị áp lực về sức tải mùa cao điểm du lịch trên Vịnh Hạ Long.

Tuy nhiên, các quy định hiện hành vẫn còn nhiều vướng mắc. Theo đánh giá của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, việc triển khai 8 sản phẩm dịch vụ du lịch do các doanh nghiệp đề xuất đưa vào khai thác trong năm 2024, sẽ gặp khó khăn về thủ tục. Đó là do hầu hết khu vực dự kiến triển khai các dịch vụ du lịch nêu trên chưa được giao khu vực biển. Dịch vụ xuồng cao tốc, du thuyền nhà hàng chưa được đề cập trong Quy hoạch chi tiết bảo tồn và phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long đến năm 2020 (gọi tắt là Quy hoạch 1139) và chưa được UBND tỉnh công bố tuyến hành trình giao thông và tuyến hành trình tham quan du lịch. 6 dịch vụ còn lại đều nằm trong Quy hoạch 1139 nhưng đã hết thời hạn.

Theo kế hoạch của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long thì việc hoàn thiện và triển khai Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh Vịnh Hạ Long giai đoạn 2025-2035, tầm nhìn đến năm 2050 được đơn vị xác định là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung triển khai, góp phần đảm bảo yêu cầu bảo tồn và phát triển bền vững di sản. Có Quy hoạch cũng đồng nghĩa với tháo gỡ được một số vướng mắc kể trên, tuy nhiên về lộ trình triển khai xây dựng Quy hoạch còn kéo dài, ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện các sản phẩm kể trên.

Quảng Ninh: Gỡ khó cho sản phẩm du lịch mới trên Vịnh Hạ Long - Ảnh 4.

Khu vực Trà Sản - Cống Đỏ có cảnh quan đẹp, nhiều bãi cát nhỏ ven chân núi đá là tiềm năng cho khai thác các dịch vụ tắm biển, tiệc nhẹ...

Để có cơ sở triển khai đưa các điểm, dịch vụ trên sớm đi vào hoạt động, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã có văn bản đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh các nội dung cụ thể, như: Giao Sở GT-VT khẩn trương tham mưu công bố các tuyến hành trình giao thông mới trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long đối với xuồng cao tốc, tàu lưu trú, du thuyền nhà hàng. Sở Du lịch tham mưu UBND tỉnh công bố tuyến hành trình tham quan du lịch trên Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, trong đó có tuyến hành trình tham quan du lịch Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà để làm cơ sở đề xuất thu phí các tuyến mới trên Vịnh Hạ Long…

Đối với khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy hoạch, đặc biệt đối với các dịch vụ như tắm biển, tiệc nhẹ trên bãi cát, câu cá thư giãn, khám phá hệ sinh thái tùng - áng, hang động tại một số khu vực đã có trong Quy hoạch 1139, như đảo Ti Tốp, đảo Lờm Bò, hang Trinh Nữ, hòn Trà Giời, hòn Lưỡi Liềm, hòn Trà Sản, đảo Cống Đỏ, hang Hồ Động Tiên, hang Cống Đầm, đơn vị đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của tỉnh căn cứ các quy định pháp luật hiện hành và các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tham mưu UBND tỉnh báo cáo cấp có thẩm quyền liên quan cho ý kiến bằng văn bản trước khi xem xét chấp thuận chủ trương phát triển các dịch vụ này.

Tại cuộc họp của UBND tỉnh vào đầu tháng 6 vừa qua, lãnh đạo tỉnh đã có những chỉ đạo đối với các đề xuất, kiến nghị của đơn vị, giao các sở, ngành, đơn vị phối hợp triển khai các phần việc liên quan. Trong đó, giao các ngành, đơn vị phối hợp sớm công bố hành trình tham quan, du lịch Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và các hành trình kết nối 2 vịnh, đảm bảo đủ điều kiện hoạt động để phát triển các sản phẩm, mở rộng không gian du lịch, thu hút đầu tư. Phê duyệt công bố các điểm nghỉ đêm, các khu neo đậu, các vùng hoạt động vui chơi giải trí dưới nước làm cơ sở cho việc tổ chức các hoạt động du lịch, dịch vụ. Rà soát, hoàn thiện các điều kiện để triển khai dịch vụ câu cá, mực ở các khu vực phù hợp, để sớm thực hiện trong mùa hè này. Rà soát, tham mưu cho tỉnh về việc giao khu vực biển Vịnh Hạ Long để thực hiện công tác quản lý thuận lợi, hiệu quả…

Theo Báo Quảng Ninh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×