Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Quảng Ninh: Giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cho thế hệ trẻ

02/08/2021 | 08:23

Xác định giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, các cấp, ngành của tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Qua đó, không ngừng nâng cao nhận thức, ý thức gìn giữ di sản văn hóa, lịch sử của quê hương, dân tộc, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Quảng Ninh: Giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cho thế hệ trẻ - Ảnh 1.

Các em thiếu nhi tập viết thư pháp trong chương trình trải nghiệm "Ngày Tết quê em" dịp trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa

Là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, Quảng Ninh có hệ thống trên 600 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó có rất nhiều di tích, danh thắng đã được xếp hạng cấp quốc gia. Đây chính là nguồn “tư liệu” vô giá, thiết thực để các cấp, ngành, đơn vị trong tỉnh đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Theo đó, ngành Giáo dục đã phối hợp với các ngành tạo điều kiện và chỉ đạo các trường học tích cực tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh tham gia học tập, trải nghiệm thực tế tại các địa chỉ đỏ, di tích, danh thắng của địa phương.

Tiêu biểu, từ năm 2019, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cô Tô đã phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện duy trì định kỳ việc tổ chức cho học sinh các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông đến tham quan, tìm hiểu giá trị lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, thi hùng biện giới thiệu về Khu lưu niệm – Di tích Quốc gia trên địa bàn huyện này, thu hút đông đảo học sinh tham gia.

Không riêng ngành Giáo dục, các ngành, đơn vị của tỉnh cũng đẩy mạnh tổ chức các chương trình giáo dục truyền thống nhằm khai thác, phát huy hiệu quả giá trị các khu di tích, danh thắng tại địa phương. Trong đó phải kể đến hành trình “Con thuyền di sản”, “Trải nghiệm du lịch” do Tỉnh Đoàn xây dựng và triển khai từ nhiều năm nay.

Từ các hành trình này, rất nhiều các khu di tích trên địa bàn tỉnh như Đài tưởng niệm các hùng liệt sĩ Pò Hèn (TP Móng Cái), Công trình Cột cờ đảo Trần và nhà lưu niệm (huyện Cô Tô), Khu di tích Bạch Đằng Giang (TX Quảng Yên), Khu di tích nhà Trần (TX Đông Triều)... hằng năm đều đón hàng trăm lượt học sinh, đoàn viên, thanh thiếu nhi đến tham quan, tìm hiểu.

Tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, các cấp bộ Đoàn đã phối hợp tổ chức được 335 chuyến hành trình “Trải nghiệm du lịch” và “Con thuyền di sản” với sự tham gia của hàng nghìn thanh thiếu nhi.

Quảng Ninh: Giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cho thế hệ trẻ - Ảnh 2.

Học sinh Trường Tiểu học Quang Trung (TP Hạ Long) tham quan hang động trên Vịnh Hạ Long hưởng ứng hành trình “Con thuyền di sản” do Tỉnh Đoàn phát động trong năm 2020.

Đồng chí Hoàng Văn Hải, Bí thư Tỉnh Đoàn, chia sẻ: Hưởng ứng hành trình “Con thuyền di sản” của Tỉnh Đoàn phát động, các cấp bộ Đoàn, trường học trên địa bàn tỉnh đã tăng cường tổ chức các chương trình tham quan Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, các di tích lịch sử, danh thắng của địa phương. Đây không chỉ là cơ hội để các bạn thanh thiếu nhi được tham quan, vui chơi mà các chuyến đi còn tạo sự hứng khởi cho các em thông qua việc tiếp cận với các kiến thức lịch sử và hiểu về giá trị các di sản một cách trực quan, sinh động, giúp các em nhận thức sâu sắc hơn trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa, di tích lịch sử của quê hương.

Đa dạng về hình thức

Trong những năm qua, công tác giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cho thế hệ trẻ, học sinh, thanh thiếu nhi luôn được các cấp, ngành quan tâm, đổi mới phương thức đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện thực tế tại từng đơn vị, địa phương.

Theo đó, các trường học đã chủ động triển khai tổ chức các sân chơi hình thức sân khấu hóa các tác phẩm văn học. Thêm nữa, thông qua các buổi giao lưu, tọa đàm, nói chuyện truyền thống với các cựu chiến binh, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - những “nhân chứng sống" của lịch sử nhân dịp các ngày lễ, dịp kỷ niệm lớn của đất nước luôn nhận được sự hưởng ứng của học sinh.

Quảng Ninh: Giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cho thế hệ trẻ - Ảnh 3.

ĐVTN Đoàn Khối các cơ quan tỉnh tổ chức dâng hương tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ phường Hà Tu (TP Hạ Long) nhân dịp ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7. Ảnh: Đoàn Khối cung cấp.

Ngoài việc tích cực tổ chức cho ĐVTN tham gia các hành trình về nguồn đến với các “địa chỉ đỏ”, các cấp bộ Đoàn còn tổ chức kết nạp đoàn viên mới tại các di tích lịch sử nhằm giáo dục truyền thống, lòng tự hào cho ĐVTN.

Các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” cũng được tổ chức xuyên suốt trong năm đặc biệt vào dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, các cấp bộ Đoàn đều huy động ĐVTN tham gia dọn vệ sinh, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ, dâng hương tưởng nhớ, tri ân các thế hệ anh hùng đã hy sinh máu xương của mình để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Đồng thời, thăm hỏi động viên các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương bệnh binh, gia đình chính sách tại địa phương.

Quảng Ninh: Giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cho thế hệ trẻ - Ảnh 4.

Trường THCS thị trấn Bình Liêu (huyện Bình Liêu) xây dựng các mô hình, bảng thông tin giới thiệu các sự kiện lịch sử của đất nước, bố trí tại sân trường để học sinh tiện theo dõi, tìm đọc. Ảnh chụp năm 2020.

Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống thông qua hoạt động của hệ thống bảo tàng, nhà truyền thống trong tỉnh cũng đang mang lại những hiệu quả thiết thực. Sáng tạo với ý tưởng mới mẻ, hướng tới giáo dục những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc là điểm chung của những chương trình trải nghiệm mà Bảo tàng Quảng Ninh thực hiện trong những năm gần đây.

Vào các dịp hè, đơn vị đã tổ chức các chương trình với chủ đề như: “Sĩ tử xưa – nay”; “Ngày hè tuổi thơ”, “Em là nghệ nhân nhí”... với mục đích tạo cho các em thiếu nhi cơ hội tìm hiểu, trải nghiệm các trò chơi dân gian; nếp sống vùng nông thôn Bắc Bộ, các làng nghề truyền thống, các phong tục truyền thống của quê hương, đất nước.... Tính đến nay, đã có hàng nghìn em thanh, thiếu nhi tham gia các chương trình này.

Tương tự, Cung Văn hóa thanh thiếu nhi tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các chương trình giáo dục truyền thống văn hóa cho thanh thiếu nhi nhân dịp Tết Trung thu, Tết cổ truyền dân tộc bằng các hoạt động trải nghiệm tập gói bánh chưng, làm bánh nướng – bánh dẻo, tập viết thư pháp.... mang đến cho thanh thiếu nhi không gian “học mà chơi, chơi mà học” đầy thú vị và bổ ích.

Quảng Ninh: Giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cho thế hệ trẻ - Ảnh 5.

Đoàn khối các cơ quan tỉnh tổ chức Lễ công nhận đoàn viên mới “Lớp đoàn viên 90 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh” tại tượng đài đồng chí Vũ Văn Hiếu. Ảnh: Đào Linh

Sự đổi mới, sáng tạo trong hoạt động giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử đã “truyền lửa”, vun đắp tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Từ đó, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của thanh thiếu nhi trong học tập, rèn luyện, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp dựng xây và phát triển đất nước.

Theo quangninh.gov.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×