Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Quảng Ninh: Du lịch thông minh

26/04/2021 | 10:49

Với việc ứng dụng ngày càng sâu rộng công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông, du lịch thông minh là xu hướng phát triển tất yếu của ngành Du lịch. Nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19, đây là cách để các đơn vị, doanh nghiệp Quảng Ninh thay đổi tư duy quản lý, tiếp cận với nhiều khách hàng, cách xây dựng sản phẩm du lịch thông minh.

Quảng Ninh: Du lịch thông minh - Ảnh 1.

Du khách có thể trải nghiệm bảo tàng ảo 3D trên website của Bảo tàng Quảng Ninh baotangquangninh.com.vn

Du lịch thông minh là mô hình được xây dựng trên nền tảng CNTT và truyền thông, trong đó, hạ tầng tích hợp dữ liệu được phát triển đồng bộ, đảm bảo sự tương tác kịp thời giữa 3 bên là nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch và du khách, nhằm tạo ra những giá trị, lợi ích và dịch vụ tốt nhất. Bên cạnh đó, với nền tảng về chính quyền số sẽ tạo điều kiện cho du lịch thông minh phát triển.

Quảng Ninh đã phát triển kho tích hợp dữ liệu du lịch và cổng thông tin điện tử về du lịch thông qua website halongtourism.com.vn, discoverhalong.com bằng cả 3 ngôn ngữ: Việt, Anh, Trung. Du khách cũng có thể truy cập fanpage Thông tin Du lịch Quảng Ninh trên mạng xã hội facebook để có những thông tin hữu ích về du lịch.

Các trang thông tin này sử dụng những bài viết, ảnh, video giới thiệu điểm đến, dịch vụ giải trí, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch… để quảng bá, giới thiệu du lịch Quảng Ninh. Bên cạnh đó, kết hợp hỗ trợ chỉ dẫn bản đồ, đặt phòng trực tuyến, đặt trước xe theo lịch trình, hệ thống bán, soát vé tự động, thông tin đường dây nóng hỗ trợ và phản ánh chất lượng du lịch.

Quảng Ninh: Du lịch thông minh - Ảnh 2.

Việc đầu tư ứng dụng CNTT thu hút lượng lớn du khách đến tham quan Bảo tàng Quảng Ninh.

Hạ tầng CNTT cũng được Quảng Ninh tập trung đầu tư để phát triển nền tảng cho du lịch thông minh. Du khách có thể dễ dàng truy cập internet qua hơn 100 điểm phát wifi công cộng miễn phí tại các khu vực sân bay, bến xe bus, những khu vực đông dân cư và khách du lịch. Tỉnh đã đầu tư mạnh hạ tầng công nghệ tại các điểm du lịch, như Bảo tàng Quảng Ninh: Từ video trình chiếu bằng nhiều ngôn ngữ, thuyết minh tự động, công nghệ trưng bày panorama tới bảo tàng ảo… Các doanh nghiệp trên địa bàn tích cực sử dụng mạng xã hội để quảng bá du lịch, sử dụng ứng dụng trực tuyến để hỗ trợ du khách đặt phòng, tour tuyến.

Các địa phương cấp huyện cũng chủ động đầu tư hạ tầng du lịch thông minh, coi đó là một trong những kênh tuyên truyền, quảng bá du lịch, tạo thuận tiện tối đa cho du khách. Tiêu biểu như ở huyện đảo Cô Tô. Từ năm 2016, Cô Tô được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh, lượng khách đến đây đạt 270.000 lượt, tăng 90.000 lượt so với năm 2015; doanh thu từ các hoạt động du lịch, dịch vụ đạt 450 tỷ đồng, tăng 150 tỷ đồng so với năm 2015.

Các cơ sở kinh doanh du lịch bước đầu đã thực hiện các phương thức quảng cáo, giao dịch trực tuyến thông qua một số ứng dụng trực tuyến, như booking.com, Agoda,... để quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên internet và có thể tiếp cận nhiều khách hàng hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng các nền tảng trực tuyến để làm du lịch vẫn còn một số bất cập.

Anh Trần Đức Mạnh, chủ Khách sạn Green Cô Tô, cho biết: Tôi đã sử dụng một số ứng dụng đặt phòng trực tuyến nổi tiếng để thu hút du khách. Nhưng do đặc thù của du lịch Cô Tô là du lịch mùa vụ, nhu cầu du lịch không đều giữa các tháng, nên không hiệu quả. Bên cạnh đó, việc quản lý giao dịch, tương tác với khách hàng trên các ứng dụng trực tuyến khác nhau cũng gây ra nhiều bất lợi cho chủ cơ sở.

Quảng Ninh: Du lịch thông minh - Ảnh 3.

Các cơ sở lưu trú tại Cô Tô thông tin dịch vụ trên ứng dụng đặt phòng khách sạn booking.com.

Mặc dù còn khó khăn, nhưng ứng dụng nền tảng trực tuyến trong hoạt động du lịch là xu hướng tất yếu, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đây cũng là định hướng mà huyện Cô Tô xác định, xây dựng lộ trình dài hạn với những nhiệm vụ cụ thể. Theo đó, huyện sẽ xây dựng cổng thông tin và ứng dụng du lịch thông minh phục vụ du khách trên thiết bị di động, tích hợp bản đồ số du lịch thông minh; cung cấp hệ thống wifi công cộng cho người dân, du khách tại các khu vực trọng điểm.

Bên cạnh đó, triển khai các tiện ích thực tại tăng cường, QR code, hệ thống dịch, thuyết minh tự động nâng cao trải nghiệm du lịch; hệ thống bán vé điện tử tại các điểm du lịch trọng điểm; hệ thống liên kết đặt dịch vụ du lịch trực tuyến; phân tích dữ liệu lớn trong ngành Du lịch theo từng giai đoạn.

TP Móng Cái cũng đã triển khai xây dựng hệ thống thông tin du lịch phục vụ công tác quản lý, điều hành du lịch thông minh và phục vụ doanh nghiệp, công dân và khách du lịch. Thành phố đang tiến hành hoàn thiện nội dung về hướng dẫn viên du lịch điểm... cập nhật trên phần mềm của Trung tâm Điều hành thành phố thông minh, trên Cổng thông tin điện tử thành phố và các trang mạng xã hội của thành phố. Lắp đặt hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn, điểm cung cấp thông tin phục vụ du khách bằng 3 thứ tiếng.

Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch và dịch vụ; khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngành Du lịch.

Theo ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch, năm 2021 Sở tiếp tục nghiên cứu mô hình chuyển đổi số cho ngành Du lịch nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh, thu hút du khách. Trong đó, tăng cường phối hợp sớm hoàn thiện Đề án ứng dụng CNTT, nâng cao hiệu quả hoạt động trong ngành Du lịch Quảng Ninh (giai đoạn I) để đưa vào sử dụng. Cùng với đó, tiếp tục nâng cao chất lượng về công tác TTHC của cấp sở và các TTHC về du lịch được ủy quyền phân cấp cho các địa phương; khuyến khích các doanh nghiệp truyền thông quảng bá về dịch vụ công trực tuyến đến với người dân, doanh nghiệp thông qua các trang thông tin điện tử của ngành Du lịch.



Theo quangninh.gov.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×