Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Quảng Ninh: Di sản văn hóa - tài nguyên quý để phát triển du lịch

23/11/2021 | 08:06

Di sản thiên nhiên và văn hóa được coi là nguồn tài nguyên vô giá tạo nên sức hút du lịch riêng cho mỗi quốc gia. Thực tế chứng minh, di sản văn hóa đã và đang tạo sức hấp dẫn cho mỗi điểm đến du lịch. Khai thác nguồn tài nguyên quý giá này, những năm qua, Quảng Ninh đã ưu tiên dành nhiều nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển du lịch.

Đánh thức giá trị di sản

Quảng Ninh có hệ thống di sản văn hóa phong phú và độc đáo. Toàn tỉnh hiện có 632 di tích lịch sử (DTLS) văn hóa và danh lam thắng cảnh (DLTC). Trong đó, có 5 khu di tích quốc gia đặc biệt (DLTC vịnh Hạ Long, DTLS Bạch Đằng, DTLS và DLTC Yên Tử, DTLS Khu di tích Nhà Trần tại Đông Triều và DTLS Đền Cửa Ông - Cặp Tiên).

Cùng với đó, có trên 360 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê với 6 di sản nằm trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Nghi lễ Then cổ của người Tày ở Bình Liêu, hát nhà tơ (hát, múa cửa đình), lễ hội đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả), lễ hội Tiên Công (TX Quảng Yên), lễ hội đình Trà Cổ (Móng Cái), lễ hội đình Quan Lạn (Vân Đồn). Riêng thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam mà Quảng Ninh có đại diện là Then của người Tày ở Bình Liêu đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây chính là nguồn tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn mạnh mẽ thu hút ngày càng nhiều khách tham quan trong và ngoài nước đến Quảng Ninh.

Quảng Ninh: Di sản văn hóa - tài nguyên quý để phát triển du lịch - Ảnh 1.

Khung cảnh Làng Nương tại Quần thể di tích - danh thắng Yên Tử. Ảnh: Phạm Học

Trung tuần tháng 11 vừa qua, tại Bình Liêu đã diễn ra Hội Mùa vàng Bình Liêu năm 2021 với nhiều hoạt động đặc sắc như: Trải nghiệm, check-in ruộng bậc thang, lễ mừng cơm mới, dù lượn bay trên mùa vàng, những tiết mục văn nghệ tái hiện hình ảnh lao động của bà con dân tộc vào ngày mùa... thu hút đông đảo du khách về dự hội. Đây là chương trình được huyện tổ chức thường niên, bắt đầu từ năm 2020 nhằm giới thiệu, quảng bá, đồng thời tạo ra những sản phẩm du lịch mới dựa trên khai thác nét đẹp cảnh sắc thiên nhiên, hình ảnh ruộng bậc thang nơi vốn gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa, tập quán canh tác, phong tục tín ngưỡng lâu đời của người dân Bình Liêu.

Đặc biệt, năm 2020, khi ruộng bậc thang Lục Hồn được công nhận là di tích - danh thắng cấp tỉnh, Bình Liêu được công nhận là Khu du lịch (KDL) cấp tỉnh đã trở thành cơ sở quan trọng để tiếp tục đánh thức giá trị di sản, mở ra những cơ hội mới cho Bình Liêu trong phát triển du lịch.

Quảng Ninh: Di sản văn hóa - tài nguyên quý để phát triển du lịch - Ảnh 2.

Ruộng bậc thang Lục Hồn (Bình Liêu) được công nhận là di tích - danh thắng cấp tỉnh góp phần mở ra nhiều cơ hội phát triển du lịch.

Cùng với Bình Liêu, toàn tỉnh còn có 4 khu du lịch cấp tỉnh khác gồm: KDL Quan Lạn - Minh Châu (Vân Đồn), KDL Cái Chiên (Hải Hà), KDL hồ Yên Trung (TP Uông Bí), KDL Cô Tô (Cô Tô) và 1 KDL quốc gia Trà Cổ (TP Móng Cái). Tất cả các KDL cấp tỉnh, cấp quốc gia đều là nơi có các DTLS, DLTC được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia. Giai đoạn trước năm 2020 khi chưa chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, trung bình mỗi năm, các khu DTLS văn hóa ở Quảng Ninh thu hút khoảng 4-5 triệu lượt khách du lịch, khu DLTC thu hút 7-8 triệu lượt, doanh thu từ thu phí tham quan đạt xấp xỉ 1.500 tỷ đồng/năm.

Theo báo cáo của Sở Du lịch, hiện khoảng 120 DTLS, DLTC đã nằm trong các điểm tour, tuyến du lịch cố định của Quảng Ninh, trong đó có những di tích được các đơn vị lữ hành lựa chọn để thiết kế nhiều sản phẩm riêng, trọn gói để đưa vào khai thác. Vào dịp Tết Nguyên đán mỗi năm (từ mồng 1-6/1 âm lịch), Quảng Ninh đón khoảng 70-100 vạn du khách, thì 70% trong đó là lượng du khách có mặt tại các di tích, di sản trên địa bàn. Điều này cho thấy, di sản văn hóa đã và đang là thành tố rất quan trọng tạo nên sức hút đặc biệt cho du lịch Quảng Ninh.

Quảng Ninh: Di sản văn hóa - tài nguyên quý để phát triển du lịch - Ảnh 3.

Đình Trà Cổ và lễ hội Trà Cổ (TP Móng Cái) được xếp hạng di tích cấp quốc gia và di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tạo động lực cho phát triển du lịch

Di sản văn hóa và du lịch có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Chính nhờ các di tích, danh thắng, di sản văn hóa khi được công nhận cấp tỉnh, quốc gia hay quốc tế đã được quan tâm trùng tu, tôn tạo tốt hơn, trở thành tiền đề quan trọng để du lịch phát triển. Ở chiều ngược lại, du lịch phát triển đã tạo nguồn lực đầu tư trở lại cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di sản cũng như mang đến lợi ích kinh tế, xã hội cho cộng đồng.

Quảng Ninh: Di sản văn hóa - tài nguyên quý để phát triển du lịch - Ảnh 4.

Tổng thể di tích chùa Quỳnh Lâm thuộc Di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều mới được đầu tư, tôn tạo. Ảnh: Việt Hoa

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, xác định “Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh” là một trong ba khâu đột phá và trong bốn nhiệm vụ trọng tâm có nhiệm vụ “Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh”.

Do đó, để đưa văn hóa thật sự trở thành động lực, là nguồn lực chính của sự phát triển du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung, trong những năm qua tỉnh đã quan tâm bố trí từ nguồn ngân sách và các nguồn xã hội hóa hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư tôn tạo, tu bổ các DTLS, DLTC trên địa bàn tỉnh.

Trong hai năm 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết các hoạt động văn hóa, lễ hội không được tổ chức, các di tích, thắng cảnh một thời gian dài không mở cửa đón khách. Tận dụng thời gian này, tỉnh và các địa phương đã đẩy mạnh công tác đầu tư tôn tạo các di tích, danh thắng, nhằm tạo nên những điểm nhấn, sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, đặc trưng cho Quảng Ninh khi hoạt động du lịch sôi động trở lại.

Quảng Ninh: Di sản văn hóa - tài nguyên quý để phát triển du lịch - Ảnh 5.

Chùa Hoa Yên ở Yên Tử. Ảnh: Phạm Học

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện lập hồ sơ khoa học quần thể di tích danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương) trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới; phối hợp với TP Hải Phòng tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề cử Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) - quần đảo Cát Bà (TP Hải Phòng) trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới; triển khai xây dựng hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với quần thể di tích thương cảng Vân Đồn (huyện Vân Đồn).

Tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp xây dựng những tour, tuyến du lịch hợp lý; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá; quan tâm thúc đẩy sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống, các sản vật quý của từng vùng để phục vụ nhu cầu tham quan du lịch của du khách; tăng cường đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch…

Với hoạch địch bài bản, cụ thể, tin tưởng Quảng Ninh đã, đang và sẽ khai thác, phát huy hiệu quả giá trị của di sản văn hóa cho phát triển du lịch bền vững.

Theo Cổng TTĐT Quảng Ninh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×