Quảng Ninh: Để có một mùa lễ hội vui tươi, an toàn
15/02/2022 | 09:04Hiện nhiều di tích trên địa bàn tỉnh đã vào mùa lễ hội 2022. Các nghi thức dâng hương, tế lễ, tri ân các bậc tiền nhân có công với nước được thực hiện theo quy mô nhỏ, bảo đảm thành kính, trang nghiêm. Các hoạt động phần hội tạm dừng, hạn chế tối đa tập trung đông người, nhằm thích ứng an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
Duy trì các nghi lễ, không tổ chức phần hội
Theo thông lệ hằng năm, Hội Xuân Yên Tử được khai mạc mùng 10 tháng Giêng, kéo dài khoảng 3 tháng. Mọi năm, thường lễ khai hội Yên Tử có sự tham gia của hàng vạn tăng, ni, phật tử và nhân dân mọi miền; năm nay nghi lễ được tổ chức đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, hạn chế tối đa số người tham gia. Dù tổ chức ngắn gọn, đảm bảo công tác phòng chống dịch, nhưng lễ hội đầu xuân Yên Tử năm nay vẫn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống. Từ đầu năm đến nay, nhiều lễ hội trên địa bàn tỉnh cũng được tổ chức thu gọn quy mô và thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho nhân dân về dự lễ.
Như lễ hội Tiên Công (TX Quảng Yên) được tổ chức từ mùng 5-7 tháng Giêng, lượng khách tham gia cũng rất ít, khác với không khí đông đúc, tấp nập hằng năm trước đây. Con cháu ở các dòng họ về miếu Tiên Công làm lễ theo khung giờ đăng ký từ trước với Ban Tổ chức, vì vậy không có tình trạng tập trung đông người cùng lúc ở miếu.
Gia đình cụ bà Vũ Thị Phái (khu phố 7, phường Phong Cốc, TX Quảng Yên) có trên 50 người, tuy nhiên gia đình chỉ lựa chọn đại diện để đưa cụ lên miếu. Cụ Phái chia sẻ: Tình hình dịch còn phức tạp, nên gia đình tôi chỉ đi khoảng 30 người. Các cháu đều nghiêm túc chấp hành quy định phòng chống dịch, đeo khẩu trang, khai báo y tế đầy đủ. Mọi nghi thức cúng lễ được thực hiện nhanh chóng. Tôi cầu mong gia đình ai cũng mạnh khỏe và bình an.
Chủ tịch UBND xã Cẩm La Dương Thị Dung cho biết: Để đảm bảo an toàn cho nhân dân về làm lễ, xã thành lập Ban Tổ chức lễ hội; tuyên truyền cho nhân dân, gia đình có Cụ thượng thực hiện đúng các quy định phòng, chống dịch. 172 đoàn đăng ký, được chia khung giờ về làm lễ cho các Cụ thượng. Mỗi người dân về dự lễ hội Tiên Công đều tuân thủ nghiêm túc các quy định, từ quét mã QR, sát khuẩn tay, giãn cách, đeo khẩu trang. Từ đó góp phần tổ chức thành công lễ hội Tiên Công truyền thống, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho người dân dự lễ.
Để tổ chức các hoạt động đón khách tại các di tích, khu, điểm du lịch phù hợp với diễn biến tình hình dịch Covid-19, năm nay các điểm đều không tổ chức khai hội thường niên. Tại chùa Ngọa Vân (TX Đông Triều), theo thông lệ, Hội Xuân Ngọa Vân được khai hội vào mùng 9 tháng Giêng. Tuy nhiên, đây là năm thứ 3, chùa không mở hội theo truyền thống, chỉ thực hiện các hoạt động nghi lễ tâm linh cầu cho quốc thái dân an vào ngày chính hội, bảo đảm nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng, hạn chế thấp nhất những nguy cơ về dịch. Các nghi lễ được tổ chức hạn chế lượng người tham gia, thực hiện theo quy mô nhỏ, bảo đảm trang nghiêm, thành kính, tuân thủ đầy đủ yêu cầu về phòng, chống dịch.
Lễ hội truyền thống Đình Làng Dạ (xã Thanh Lâm, huyện Ba Chẽ) vào mùng 10 tháng Giêng, năm nay được tổ chức thu gọn với các nghi thức: Lễ dâng hương các vị tiền nhân của các đại biểu và nhân dân; lễ cúng cây nêu và lễ cuốc hố tra hạt, cầu cho năm mới thắng lợi mới và mùa màng bội thu.Tại một số điểm di tích, cơ sở thờ tự trong tỉnh đã có một số cách làm sáng tạo, như: Tổ chức lễ cầu an trực tuyến, khai ấn trực tuyến… Đây là những giải pháp cần tiếp tục phát huy, nhân rộng, bởi vừa giúp người dân thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng lành mạnh, vừa bảo đảm phòng, chống dịch.
Sẵn sàng các phương án phòng, chống dịch
Trên địa bàn tỉnh tập trung hàng trăm lễ hội truyền thống hằng năm, trong đó phần lớn là lễ hội xuân. Từ trước Tết Nguyên đán, tỉnh đã chủ động xây dựng phương án quản lý hoạt động lễ hội, vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân, vừa bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19. Các địa phương có lễ hội, nhất là các lễ hội lớn, thời gian kéo dài, thu hút đông người… cũng xây dựng kế hoạch siết chặt phòng dịch mùa lễ hội, phân công cụ thể các đơn vị triển khai nhiệm vụ đúng với chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương, của tỉnh.
Các cơ sở thờ tự, điểm di tích đều dán mã QR tại cổng vào, chuẩn bị nước sát khuẩn, khẩu trang phục vụ người dân và du khách; trang bị bảng biển hướng dẫn, nội dung khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng, chống dịch; thông báo số điện thoại đường dây nóng cần hỗ trợ, báo cáo tình hình dịch về Sở Y tế. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân, du khách nâng cao ý thức, trách nhiệm trong phòng, chống dịch. BQL di tích, các cơ sở thờ tự thường xuyên thực hiện vệ sinh, khử khuẩn bề mặt các khu vực trưng bày, khu làm việc và dịch vụ theo đúng quy định; tổ chức phân luồng, đón tiếp, hướng dẫn khách tham quan, bảo đảm giãn cách an toàn khi tiếp xúc…
Với lượng người tăng cao trong dịp Tết, BQL Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử tăng cường tuyên truyền phòng, chống dịch, như treo pano, đặt các màn hình lớn với thông điệp phòng chống dịch tại các địa điểm công cộng trong toàn khu vực; trang bị hơn 10 máy đo nhiệt độ để kiểm soát tất cả du khách; kiểm tra thân nhiệt từ xa; sát khuẩn tay, bổ sung tủ thuốc đặt tại các điểm thường trực trên dọc tuyến hành hương; các trạm sơ cấp cứu được tăng cường y, bác sĩ, bổ sung thuốc, dụng cụ y tế, nhằm đảm bảo điều kiện để phòng chống dịch. Các điểm chùa, bến xe, nhà ga, hệ thống cabin cáp treo, nơi ở và làm việc của người lao động các đơn vị, nhà hàng, cơ sở kinh doanh tại di tích được phun thuốc...
Từ mùng 1 Tết đến nay, Đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả) đón trên 76.000 lượt khách đến tham quan, chiêm bái. Để đảm bảo an toàn cho du khách, từ trước Tết, BQL Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông - Cặp Tiên đã xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội mừng Đảng, mừng Xuân và lễ hội đền Cửa Ông năm 2022. Ông Nguyễn Duy Thanh, Phó trưởng BQL, cho biết: BQL đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch và các phương án xử trí khi có trường hợp mắc Covid-19. Trong đó, đề ra các giải pháp ứng phó với tình huống xảy ra, chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm trường hợp có nguy cơ; đồng thời chủ động phương án hậu cần, cách ly, xét nghiệm, điều trị, để kịp thời ứng phó theo nguyên tắc "3 trước, 4 tại chỗ, 3 sẵn sàng".
Đặc biệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân và du khách trên 6 cụm loa truyền thanh. Tại các vị trí trong khuôn viên của Đền, bố trí nhân viên thường xuyên nhắc nhở du khách đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn, tuân thủ quy định 5K trong phòng, chống dịch. Mặc dù các cơ sở đã thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch, tuy nhiên một số thời điểm lượng khách tăng vọt, khiến các địa điểm này tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao. Bên cạnh đó, vẫn có một bộ phận người dân chủ quan, chưa tự giác chấp hành đeo khẩu trang, khai báo y tế...
Ông Ninh Văn Thương, Phó Giám đốc Sở VH&TT, cho biết: Thời gian tới, Sở tiếp tục chỉ đạo các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng và phòng văn hóa các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức tự giác, chấp hành các biện pháp phòng chống dịch đến người dân. Đặc biệt, Sở tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội, đảm bảo phù hợp với nếp sống văn minh, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc và tình hình phòng, chống dịch của từng địa phương.
Đi lễ là để cầu bình an, bên cạnh sự nỗ lực phòng, chống dịch của các cơ sở thờ tự, mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức giữ an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Cần thay đổi hành vi, điều chỉnh thói quen của mỗi người một cách linh hoạt để thích ứng với tình hình mới. Bảo đảm an toàn phòng chống dịch cũng chính là thể hiện ý thức, trách nhiệm của công dân đối với toàn xã hội.