Quảng Ninh: Bảo tồn và phát huy giá trị nền văn hóa giàu bản sắc
15/03/2021 | 10:13Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 9/3/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” (gọi tắt là Nghị quyết số 11-NQ/TU), tỉnh đã dành nhiều nguồn lực nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị nền văn hóa giàu bản sắc. Qua đó, tài nguyên văn hóa được khai thác đúng hướng, hiệu quả, không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội mà còn làm lan tỏa, quảng bá rộng rãi hình ảnh, những bản sắc độc đáo, riêng có của con người và vùng đất Quảng Ninh.
Động lực để phát triển
Trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh luôn quán triệt sâu sắc quan điểm: Phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; xác định văn hóa là thành tố hết sức quan trọng, là nền tảng, mục tiêu và động lực thúc đẩy phát triển bền vững của tỉnh. Và với việc ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU, Quảng Ninh là một trong số ít các tỉnh, thành có nghị quyết chuyên đề về xây dựng, phát triển văn hóa, con người.
Theo đó, tỉnh đã từng bước nghiên cứu, xác định và định vị rõ bản sắc riêng, đặc sắc của văn hóa vùng miền Quảng Ninh khác với văn hóa của các địa phương khác trong cả nước. Văn hóa Quảng Ninh được hình thành nên bởi sự kết hợp hài hòa giữa những tinh hoa văn hóa truyền thống được chắt lọc từ nhiều vùng miền trong cả nước và văn hóa hiện đại ra đời trong cuộc sống công nghiệp với truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của công nhân Vùng mỏ. Những vốn văn hóa quý giá, khác biệt, riêng có này luôn được tỉnh trân trọng, bảo tồn và phát huy.
Từ đây, nguồn lực dành cho phát triển văn hóa, con người được tỉnh bố trí thỏa đáng, tương xứng với mức thu ngân sách của tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút nguồn lực từ nhân dân, doanh nghiệp trong tu bổ, tôn tạo, và phát huy giá trị văn hóa của hơn 600 di tích lịch sử và danh thắng. Đặc biệt, các di sản vịnh Hạ Long, khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử, khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều, di tích đền Cửa Ông và nhiều di tích danh thắng khác, được đầu tư tôn tạo với nguồn kinh phí gần 3.000 tỷ đồng chủ yếu bằng nguồn vốn xã hội hóa. Hiện nay, tỉnh cũng đang phối hợp với các địa phương, ban, ngành, đơn vị liên quan thực hiện lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử là di sản thế giới; lập hồ sơ khoa học trình Chính phủ xếp hạng di tích Thương cảng Vân Đồn là di tích Quốc gia đặc biệt.
Thông qua việc quan tâm, đầu tư tôn tạo các di tích, danh thắng không chỉ góp phần gìn giữ văn hóa mà còn tác động trở lại mang đến lợi ích kinh tế cho địa phương. Hằng năm, các di tích văn hóa ở Quảng Ninh thu hút khoảng 4-5 triệu lượt khách du lịch, danh lam thắng cảnh thu hút 7-8 triệu lượt, doanh thu từ thu phí tham quan đạt xấp xỉ 1.500 tỷ đồng/năm.
Cùng với đó, tỉnh triển khai xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Đến nay, thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện của 12/13 địa phương được xây mới và sửa chữa, cải tạo nâng cấp với tổng mức đầu tư gần 675 tỷ đồng; hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao thôn, khu đạt trên 98%. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường.
Các sự kiện văn hóa, thể thao cấp khu vực, quốc tế được tổ chức ngày càng nhiều như Liên hoan Xiếc Thế giới, Festival âm nhạc, Tiếng hát Asean +3, Gala xiếc ba miền, Ngày hội Yoga Quốc tế, Giải chạy marathon Quốc tế Hạ Long, Giải bóng chuyền bãi biển quốc tế Tuần Châu... đã tạo nên những sản phẩm văn hóa, thể thao đặc sắc, riêng có để quảng bá văn hóa, con người, hình ảnh Quảng Ninh đến với bạn bè quốc tế.
Với mục tiêu xây dựng nền văn hóa của sự phát triển, xây dựng con người Quảng Ninh hướng tới chân - thiện - mỹ, với các đặc trưng “Năng động - sáng tạo - hào sảng - lành mạnh - văn minh - thân thiện”, tỉnh đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long”; Bộ Quy tắc ứng xử trên địa bàn; Bộ Tiêu chí Người Quảng Ninh. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh từ gia đình đến cộng đồng gắn với các phong trào thi đua nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở”.
Có thể thấy chính từ truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, cùng những nét đặc trưng văn hóa con người từng bước được hình thành rõ nét, đã và đang tạo nên một cộng đồng đoàn kết, sống luôn đề cao đạo đức, trách nhiệm, nghĩa tình. Đó cũng chính là sức mạnh nội sinh để Quảng Ninh vững vàng vượt qua đại dịch Covid-19 trong những ngày vừa qua. Minh chứng sinh động và thực tiễn ấy đã thể hiện ý thức, ý chí, tinh thần đoàn kết, đồng lòng vượt khó của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh khi đứng trước những khó khăn, thách thức mà xuất phát từ chính nền tảng văn hóa của con người Quảng Ninh.
Những mục tiêu mới
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV xác định “Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh” là một trong ba khâu đột phá và trong bốn nhiệm vụ trọng tâm có nhiệm vụ “Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh”.
Để thực hiện được những mục tiêu, nhiệm vụ đó, Quảng Ninh sẽ tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn văn hóa nói chung và văn hóa truyền thống, văn hóa vật thể và phi vật thể nói riêng; giữ gìn và phát huy đặc trưng tốt đẹp của các dân tộc thiểu số; các giá trị đặc sắc về văn hóa biển đảo, văn hóa công nhân Vùng mỏ; khắc sâu, nhân rộng những truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc.
Tỉnh chú trọng bảo tồn, tôn tạo các điểm di tích, danh thắng; bảo tồn, khôi phục các làng nghề truyền thống, đặc biệt là các di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số đang có nguy cơ mai một. Đồng thời, đề cao vai trò chủ thể của cộng đồng, sự vào cuộc của người dân địa phương - chủ nhân của các di sản văn hóa trong công tác bảo tồn và phát huy. Từ đây, đưa văn hóa thật sự trở thành động lực, là nguồn lực chính của sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đắc lực nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân.
Bên cạnh đó, tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; chăm lo xây dựng con người Quảng Ninh phát triển toàn diện về đạo đức, lối sống; có lý tưởng, trách nhiệm; trình độ, năng lực sáng tạo; có khả năng thưởng thức và sáng tạo ra cái đẹp.
Tỉnh cũng đang tập trung xây dựng chiến lược cụ thể về phát triển công nghiệp văn hóa, quyết tâm đưa văn hóa trở thành một thị trường tiềm năng, hướng tới “xuất khẩu văn hóa” góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững. Trước mắt, tiếp tục khai thác thế mạnh, tiềm năng văn hóa về cảnh quan, giá trị truyền thống, ẩm thực vùng miền thúc đẩy ngành du lịch phát triển hơn nữa để có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới. Xây dựng chiến lược lâu dài tập trung phát triển ngành công nghiệp văn hóa trên các lĩnh vực: Điện ảnh, trình diễn nghệ thuật, thời trang, âm nhạc, mỹ thuật, triển lãm, ẩm thực, dịch vụ vui chơi giải trí....
Cùng với đó, đẩy mạnh các loại hình, phương tiện truyền thông để quảng bá cho văn hóa bằng chiến lược cụ thể, dùng truyền thông để quảng bá về vùng đất, con người, các sản phẩm văn hóa của Quảng Ninh vươn ra thế giới đồng thời kêu gọi đầu tư vào bảo tồn và khai thác các dự án văn hóa.
Tin tưởng, trên cơ sở những kết quả đã đạt được từ Nghị quyết 11-NQ/TU sẽ tiếp tục tạo đà vững chắc để Quảng Ninh không ngừng khẳng định bản sắc văn hóa, giá trị tài nguyên văn hóa riêng có, quý báu để tiếp tục vươn xa trên con đường hội nhập và phát triển.