Quảng Ngãi khai thác tiềm năng du lịch vùng cao
28/04/2022 | 11:35Miền núi phía Tây tỉnh Quảng Ngãi có tiềm năng du lịch phong phú. Cùng với du lịch biển đảo, tỉnh Quảng Ngãi đang kêu gọi thu hút đầu tư, khai thác thế mạnh du lịch khu vực miền núi phía Tây nhằm mang đến du khách những trải nghiệm mới mẻ và hấp dẫn.
Cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi về phía Tây Nam khoảng 23 km, thác Trắng nằm ở xã Thạch An, huyện miền núi Minh Long là điểm đến hấp dẫn giới trẻ. Nằm ẩn mình trong khung cảnh hùng vỹ, thác Trắng với dòng nước trắng xoá đổ từ độ cao hơn 40 mét tạo cho du khách cảm giác khoan khoái, xua tan mệt mỏi. Đến đây, du khách thoả thích tắm mình trong dòng nước trong vắt, mát lành, tổ chức cắm trại, tiệc ngoài trời và không quên đem về những tấm hình ghi lại những khoảnh khắc tuyệt vời với khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp.
Trong số các huyện miền núi ở Quảng Ngãi, huyện Ba Tơ là nơi có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, lịch sử, văn hoá truyền thống. Di tích lịch sử “Địa điểm về khởi nghĩa Ba Tơ” được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt. Nghề dệt thổ cẩm Làng Teng, xã Ba Thành và nghệ thuật trình diễn Chiêng Ba của người Hre được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia… là những cơ hội để địa phương phát triển du lịch. Tuy nhiên, thời gian qua việc đầu tư khai thác và kết nối các khu, điểm du lịch ở Ba Tơ vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Ông Lữ Đình Tích - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ cho biết, địa phương đang đầu tư hạ tầng giao thông, kết nối với các khu danh thắng, di tích lịch sử - văn hoá, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút du khách và các nhà đầu tư: “Huyện Ba Tơ có hệ thống giao thông tương đối tốt, đảm bảo việc lưu thông. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cơ bản để thu hút đầu tư. Hiện nay, huyện cũng đang tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư, tìm những nhà đầu tư có tiềm năng khai thác du lịch”.
Tỉnh Quảng Ngãi có 6 huyện miền núi và 3 xã miền núi thuộc các huyện đồng bằng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch trải nghiệm, cộng đồng. Vùng miền núi phía Tây tỉnh Quảng Ngãi có nhiều khu rừng nguyên sinh, nhiều thác, suối độ dốc cao, khung cảnh đẹp. Khu vực này cũng ẩn chứa kho tàng văn hoá truyền thống phong phú của các dân tộc Hre, Cor, Ca Dong…
Bà Huỳnh Thị Phương Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi cho biết, tỉnh tập trung kết nối, khai thác thế mạnh du lịch khu vực miền núi phía Tây nhằm mang đến du khách những sản phẩm mới khi đến Quảng Ngãi.
“Chúng tôi tiếp tục xây dựng các mô hình du lịch, đặc biệt tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển các loại hình du lịch sinh thái, mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm văn hoá, sản xuất nông nghiệp để tạo sự mới mẻ, hấp dẫn du khách đến với Quảng Ngãi” - bà Huỳnh Thị Phương Hoa nói.
Theo Đề án Phát triển du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Quảng Ngãi phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, là một trong những điểm đến hấp dẫn ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, từng bước tạo thương hiệu trên bản đồ du lịch của cả nước.
Ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết tỉnh này tiếp tục triển khai đồng bộ 3 dòng sản phẩm du lịch chủ đạo gồm du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái: “Chúng tôi đang rà soát lại toàn bộ các điểm di tích văn hoá, di tích lịch sử, các điểm danh lam thắng cảnh của tỉnh. Trên cơ sở đó, sẽ quy hoạch và kêu gọi đầu tư theo tour, tuyến; ngoài du lịch biển đảo còn có du lịch trải nghiệm khu vực đồng bào miền núi. Chúng tôi đang xây dựng đề án và kêu gọi các nhà đầu tư lớn để đầu tư phát triển du lịch, vì phát triển du lịch mà không có sự đầu tư thì cũng khó thu hút du khách”./.