Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Quảng Ngãi: Di tích địa điểm Vụ thảm sát Khánh Lâm đón nhận Bằng di tích cấp tỉnh

22/02/2023 | 13:26

Sáng 21/2, tại thôn Khánh Lâm, xã Tịnh Thiện, TP Quảng Ngãi (Quảng Ngãi) đã diễn ra lễ công bố và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Di tích địa điểm Vụ thảm sát Khánh Lâm. Tham dự có đại diện lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh, TP Quảng Ngãi và cán bộ, nhân dân xã Tịnh Thiện.

Quảng Ngãi: Di tích địa điểm Vụ thảm sát Khánh Lâm đón nhận Bằng di tích cấp tỉnh - Ảnh 1.

Đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Di tích địa điểm Vụ thảm sát Khánh Lâm.

Tại buổi lễ, các đại biểu và nhân dân trong xã đã cùng nhau ôn lại lịch sử Vụ thảm sát Khánh Lâm. Di tích địa điểm Vụ thảm sát Khánh Lâm nằm ở đám ruộng thuộc cánh đồng Xứ Bá, nơi giáp ranh giữa xóm Đồng và xóm Nho Lâm, thôn Khánh Lâm, xã Tịnh Thiện (Sơn Tịnh), nay là TP Quảng Ngãi, cách trung tâm thành phố khoảng 13km về hướng đông bắc. 

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thôn Khánh Lâm, xã Tịnh Thiện được biết đến là cái nôi của cách mạng. Nơi đây có rất nhiều người con trung dũng, kiên cường, một lòng sắt son với Đảng, với cách mạng dù phải chịu nhiều hy sinh, mất mát. 

Để thực hiện chiến lược hai gọng kìm "tìm diệt và bình định" trong cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ 2 (1966 – 1967), tháng 8/1966, đế quốc Mỹ đã đưa lữ đoàn Rồng Xanh – lính đánh thuê Nam Triều Tiên khét tiếng tàn bạo từ Phú Yên ra, thay cho các đơn vị lính thủy đánh bộ Mỹ ở Bắc Quảng Ngãi, chia nhau chiếm đóng 17 cứ điểm ở hai huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh và tổ chức các cuộc càn quét, khủng bố tàn sát nhân dân ta một cách dã man. 

Chiều 26/9/1966, lính Nam Triều Tiên xuất hiện ở khắp các ngã đường thôn Khánh Lâm. Sáng sớm 27/9/1966, từ núi Hầm một đại đội lính Nam Triều Tiên chia thành nhiều toán, súng càn quét vào xóm Đồng và xóm Nho Lâm, thôn Khánh Lâm. Chúng lùng sục khắp nơi, trong nhà, ngoài sân, dưới hầm tìm bắt toàn bộ người già, phụ nữ và trẻ em. Đến 9 giờ sáng cùng ngày, chúng bắt được 87 người đưa đến tập trung tại đám ruộng đồng Xứ Bá, sau đó, chúng dùng đại liên, tiểu liên giết hại một lúc 84 người, trong đó phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em, có gia đình 4 – 5 người bị sát hại. 

Vụ thảm sát Khánh Lâm là vụ giết dân thường hàng loạt, đầu tiên do lính Nam Triều Tiên gây ra sau khi có mặt ở Quảng Ngãi chưa đầy 1 tháng. Đây là vụ giết người điển hình cho những tội ác dã man của lính Nam Triều Tiên đối với đồng bào, gây ra nỗi đau thương tột cùng mà nhân dân xã Tịnh Thiện phải gánh chịu trong chiến tranh.

Trong cuộc thảm sát 84 đồng bào ở thôn Khánh Lâm, xã Tịnh Thiện ngày 27/9/1966 có 3 người sống sót là ông Ngô Văn Kiệt, lúc đó mới 12 tuổi, Ngô Văn Ngọ (em ruột Ngô Văn Kiệt) mới sinh được 30 ngày, Đỗ Quy 9 tuổi. Họ là những nhân chứng lịch sử về vụ tàn sát thảm khốc ngày ấy. 

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Anh – Phó Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi chia sẻ, Di tích này là nơi tưởng niệm, tri ân đồng bào ta đã ngã xuống trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Di tích vụ thảm sát Khánh Lâm còn góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ và nhân dân địa phương, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Để bảo tồn, phát huy giá trị của Di tích lịch sử này và mục tiêu xây dựng khu di tích xứng đáng với tầm vóc là một di tích lịch sử cấp tỉnh, Phó Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi đề nghị các cấp, các ngành, đặc biệt là Sở VHTTDL tỉnh, UBND TP Quảng Ngãi quan tâm đầu tư các hạng mục nhà thờ chung 84 đồng bào theo thiết kế nhà 3 gian truyền thống, xây dựng mái che nhà bia, hệ thống điện, nước, cây xanh và nâng cấp tường rào, cổng ngõ của di tích; đối với các ngôi mộ của đồng bào bên ngoài di tích đã cũ cần hỗ trợ nâng cấp, xây sửa mới nhằm động viên với nỗi mất mát, đau thương của đồng bào Khánh Lâm.

"Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ cho xã Tịnh Thiện giữ gìn, bảo quản và quảng bá nhằm phát huy tốt giá trị của Di tích cấp tỉnh; đồng thời nghiên cứu, hướng dẫn UBND xã Tịnh Thiện hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị công nhận di tích cấp cao hơn", ông Anh bày tỏ.

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×