Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Quảng Ngãi: Đề nghị lập hồ sơ đề nghị xếp hạng Di tích Quốc gia Đặc biệt Trường Lũy

06/11/2018 | 09:00

Ngày 5/11, UBND tỉnh Quảng Ngãi có Tờ trình số 114/TTr-UBND về việc đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thỏa thuận chủ trương lập hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia Đặc biệt Trường Lũy Quảng Ngãi.

Nhiều lũy qua Nghĩa Hành vẫn còn nguyên hiện trạng. Ảnh: Báo Quảng Ngãi

Theo nội dung Tờ trình, sau khi được xếp hạng di tích Trường Lũy được địa phương bảo vệ và xây dựng kế hoạch đầu tư và tôn tạo. Với những giá trị về lịch sử, văn hóa và tiềm năng phát triển du lịch cũng như để thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy và quảng bá giá trị di tích, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, di tích Trường Lũy cần được trình Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt.

Căn cứ khoản 2, Điều 31 Luật Sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật Di sản văn hóa quy định “Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo lập hồ sơ khoa học trình Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt…”. Vì vậy, để tiến hành lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Quốc gia đặc biệt Trường Lũy Quảng Ngãi trong năm 2019, UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét và thống nhất chủ trương giao tỉnh Quảng Ngãi tiến hành lập hồ sơ theo quy định.

Trường Lũy được xây dựng từ năm 1750 và hoàn thành vào năm 1819, kéo dài từ huyện Hà Đông (tỉnh Quảng Nam) đến huyện Bồng Sơn (tỉnh Bình định), dài 117 dặm, gồm 115 bảo (đồn). Hiện nay, các nhà nghiên cứu đã xác định được trên 127 km Trường Lũy, trong đó, đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi có 113km, băng qua 8 huyện, với 31 xã, bao gồm hơn 70 bảo.

Tại nhiều điểm lũy vắt lên cả sườn đồi, chỗ bằng phẳng lũy được xây dựng bằng đất, chỗ dốc được gia cố thêm bằng đá, nhưng hầu hết lũy, bảo đều xây bằng đá. Độ cao trung bình của lũy là 2m, đáy trung bình là 4m, bề mặt trung bình 1m. Các đồn có hình chữ nhật, chiều dài mỗi cạnh từ 25- 30m. Dọc theo các lũy còn có các đường cổ, hào và chợ phiên nằm lân cận. Vì vậy, theo các nhà khoa học, Trường lũy không chỉ có chức năng bảo vệ mà còn có chức năng giao thương kinh tế, trao đổi văn hóa giữa miền xuôi và miền ngược.

Theo đánh giá, Trường lũy là công trình kiến trúc dài nhất Đông Nam Á, đa dạng về chất liệu và cấu trúc độc đáo. Với giá trị văn hóa, lịch sử và tiềm năng khai thác du lịch, ngày 9/3/2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Trường Lũy Quảng Ngãi xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Lan Anh (t/h)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×