Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Quảng Nam: Vị thế du lịch di sản

07/08/2023 | 16:45

Du lịch di sản là loại hình du lịch truyền thống và thế mạnh của du lịch Quảng Nam. Các thống kê chỉ ra du lịch di sản vẫn là phân khúc rất quan trọng trong ngành du lịch nên cần tiếp tục có sự quan tâm đúng mức cho loại hình này.

Quảng Nam: Vị thế du lịch di sản - Ảnh 1.

Cùng với Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn là điểm đến yêu thích hàng đầu của khách quốc tế khi đến Quảng Nam.

Theo Insider Exclusive, du lịch di sản hiện được coi là một trong những loại hình phát triển nhanh nhất trong ngành du lịch. Theo đó, khách du lịch di sản thường tiêu dùng nhiều hơn 60% so với các hình thức du lịch khác nói chung (khoảng 1.319 USD/chuyến đi). Khách du lịch di sản cũng thực hiện nhiều lượt du lịch hơn so với trung bình các hình thức du lịch khác (3,6 chuyến/năm so với 3,4 chuyến/năm).

Thống kê của UNESCO cũng chỉ ra ở những nơi có di sản thế giới được công nhận đã thu hút đông đảo du khách đến du lịch hơn và ở lại lâu hơn đến 2,5 lần so với nơi khác có đặc điểm tương đương.

Theo thống kê, năm 2019 tổng doanh thu từ bán vé tham quan, dịch vụ của Khu phố cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn đạt khoảng 360 tỷ đồng (chiếm hơn 15% tổng doanh thu của các khu di sản thế giới trên toàn quốc).

Tại hội thảo bảo tồn và phát huy giá trị các khu di sản thế giới tại Việt Nam diễn ra ở TP.Hội An, thông tin từ các khu di sản thế giới cho thấy các điểm đến này đều đang có nhiều động thái hướng đến việc nâng tầm thương hiệu du lịch di sản tùy theo đặc trưng của mình với giá trị gia tăng cao tạo ra từ du lịch. Do đó, Hội An và Mỹ Sơn cũng cần phải tiếp tục cải tiến sản phẩm, cách thức quản lý, qua đó định vị giá trị thương hiệu của điểm đến trong phân khúc du lịch di sản.

Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, giá trị mà du lịch di sản ở Quảng Nam, nhất là Hội An mang lại sẽ rất lớn nếu thay đổi tư duy tiếp cận. Thực tế lâu nay chúng ta đã đạt được một số thành tựu trong khai thác du lịch di sản nhưng vẫn còn nhiều “vỉa tầng” di sản đặc sắc nếu biết cách khai thác theo chiều sâu thì giá trị gia tăng sẽ rất lớn.

Không chỉ chú trọng bảo tồn giá trị vật thể, gần đây những giá trị truyền thống ở Hội An đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như nghề gốm Thanh Hà, nghề trồng rau Trà Quế hay mới nhất là lễ hội Tết Nguyên tiêu. Cơ chế đặc thù để phát huy giá trị di sản cho Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn nếu được chấp thuận cũng sẽ góp phần nâng tầm du lịch di sản.

Theo Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, ở cơ sở cũng còn nhiều câu chuyện trăn trở liên quan đến phát huy giá trị di sản gắn với du lịch cần được quan tâm như chính sách hỗ trợ sản xuất vật liệu ngói, gạch truyền thống phục vụ tu bổ di tích; chính sách, cơ chế ưu đãi đối với cán bộ chuyên ngành bảo tồn di sản văn hóa, văn hóa nghệ thuật…

Theo Báo Quảng Nam

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×