Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Quảng Nam: Triển khai bảo tồn, tôn tạo nhóm tháp E, F ở Mỹ Sơn

25/02/2025 | 16:15

Tỉnh Quảng Nam đang nỗ lực xúc tiến các công việc liên quan, đẩy nhanh tiến độ, cố gắng cuối tháng 02/2025 sẽ triển khai dự án bảo tồn, trùng tu nhóm tháp E, F Khu đền tháp Mỹ Sơn, đảm bảo đúng thời gian, chương trình, kế hoạch đề ra.

Quảng Nam: Triển khai bảo tồn, tôn tạo nhóm tháp E, F ở Mỹ Sơn - Ảnh 1.

Các đại biểu và chuyên gia khảo sát thực tế nhóm tháp E, F Mỹ Sơn.

Cuối tuần qua, tại Khu đền tháp Mỹ Sơn, đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cùng các đơn vị, địa phương liên quan đã có cuộc họp với các chuyên gia Ấn Độ, Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn (BQL Mỹ Sơn) về công tác triển khai bảo tồn các nhóm tháp Mỹ Sơn E và F theo tinh thần biên bản ghi nhớ về Bảo tồn, tôn tạo DSVHTG Khu di tích Mỹ Sơn của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Ấn Độ.

Tại cuộc họp, ông Shri Azmira Bhima, Giám đốc ASI đã báo cáo sơ lược khảo sát hiện trạng nhóm đền tháp E, F. Định hướng trùng tu di tích trong thời gian tới với phương pháp chủ yếu là gia cố, bảo tồn các yếu tố gốc một cách vững chắc, đảm bảo tính chân xác.

Được biết, trong giai đoạn từ 2020 đến nay, các đoàn chuyên gia của ASI đã nhiều lần làm việc với tỉnh Quảng Nam, khảo sát thu thập các dữ liệu cần thiết lập hồ sơ, xây dựng báo cáo, phương án để lên kế hoạch trùng tu, bảo tồn các nhóm tháp E, F trong những năm tiếp theo. Những nhận định sơ bộ được rút ra đợt khảo sát là hầu hết các di tích (trừ tháp E7 đã được Viện Bảo tồn di tích trùng tu năm 2011- 2013), các công trình còn lại ở E, F đang trong tình trạng hư hại nhiều.

Nhóm tháp E gồm 8 công trình kiến trúc ( E1, E2, E3, E4, E5, E6, E7, E8). Qua khảo sát thực trạng, tháp E1 có niên đại thế kỷ thứ VIII là di tích sớm nhất hiện tồn, là tháp chính của khu E.

Di tích hư hại khá nhiều nơi cao nhất đoạn tường góc Tây Nam cao 2,5m, bề mặt trên và bên ngoài đã hư vỡ nhiều, có một trụ đá tròn và chân trụ tròn ở tiền sảnh Tây, công trình này chưa có dấu vết trùng tu gia cố. Tháp E2 là tháp cổng, tình trạng hư hỏng khá nặng nề, thành phần kiến trúc hiện tồn bị nứt rạn nhiều đường ngang dọc, độ liên kết mạch vữa rất yếu, nhiều viên gạch rời rạc dễ rơi ra khỏi khối kiến trúc.

Tháp E3 bị sập đổ nhiều, chỉ còn một mảng tường phía Bắc cao 4m, bị hư hại nhiều, bề mặt tường gạch không còn liên kết, có nhiều khe nứt một vài chỗ có nguy cơ xô lệch khỏi khối kiến trúc bất cứ lúc nào. Tháp E4 là một đền thờ chính bị sập, phần gạch đổ vùi lấp thoai thoải như một ngọn đồi nhỏ chỉ nhìn thấy một phần mảng tường phía Bắc (cao khoảng 10m). Các tháp còn lại cũng trong tình trạng bị hư hại khá nhiều, chưa có dấu vết trùng tu,…

Khu tháp F gồm 3 công trình F1, F2 và F3. Trong đó tháp F1 là đền chính, có niên đại thế kỷ VIII-VIIII, di tích này đươc khai quật năm 2003, chưa có dấu vết trùng tu. Hiện vẫn trong tình trạng còn nhà bao che bề mặt tường nhiều rạn nứt, gạch nhạt màu có dấu hiệu hoàn thảo, các mảng tường có nguy cơ cao đổ sập đã được chống đỡ các thanh sắt, một số gờ góc chi tiết nhỏ có nguy cơ bóc tách khỏi khối lớn.

Tháp F2 là tháp cổng, đã bị sập chỉ còn mảng tường phía Nam và phía Bắc đang ở trạng thái nghiêng, vài khe nứt sâu đang được chống bằng những thanh sắt. Tháp F3 đã bị biến mất hoàn toàn do bom, chỉ được biết vị trí qua sơ đồ.

Ông Nguyễn Công Khiết, Giám đốc BQL Mỹ Sơn cho biết, đơn vị cũng đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam, huyện Duy Xuyên quan tâm, đôn đốc các cấp ngành triển khai các thủ tục pháp lý để đẩy nhanh tiến độ dự án. Cố gắng đảm bảo cuối tháng 2.2025 bắt đầu triển khai nhằm đảm bảo dự án đúng thời gian, chương trình, kế hoạch đề ra.

Quan tâm xem xét việc xây dựng Bảo tàng trưng bày các hiện vật khai quật thuộc Dự án hợp tác với Ấn Độ tại Khu di tích Mỹ Sơn theo đề xuất của Ấn Độ để ghi nhận những đóng góp từ dự án, đồng thời bảo quản, trưng bày các hiện vật sau trùng tu, thực hiện công tác thu hút khách.

Đề xuất tạo điều kiện cho phép ông Nguyễn Quá, là nghệ nhân về sản xuất gạch Chăm đã sử dụng trùng tu di tích nhiều năm qua được thuê mặt bằng tại khu vực bên ngoài Mỹ Sơn (thuộc thôn Mỹ Sơn, xã Duy Phú) để thực hiện công đoạn nung gạch phục vụ dự án cho đến khi kết thúc dự án.

Trước đó, xưởng sản xuất gạch của ông Nguyễn Quá đã phải đóng cửa, ngưng hoạt động do lò nung nằm trong khu dân cư, việc nung gạch thủ công ảnh hưởng đến môi trường. Được biết, gần 20 năm qua, nguồn gạch trùng tu di tích Mỹ Sơn bên cạnh tận dụng nguồn gạch gốc thu được trong quá trình khai quật, toàn bộ nguồn gạch còn lại lấy từ cơ sở sản xuất của ông Nguyễn Quá.

Bên cạnh đó còn các đề xuất các cấp ngành hướng dẫn và tạo cơ chế để việc chi trả lương cho công nhân theo hướng tăng hơn ngoài mức giá theo quy định hiện hành nhằm đảm bảo mức thu nhập tối thiểu cho công nhân để ổn định công việc, có thu nhập nuôi sống gia đình, bởi lực lượng này đa số là lao động chủ lực. Đây cũng là ngành nghề được học tập, đào tạo trong nhiều năm với các tổ chức quốc tế, được xem như là đội ngũ công nhân lành nghề, có tay nghề cao.

Trước đó, từ 2017-2022, Chính phủ Ấn Độ đã cử các chuyên gia ASI trực tiếp tham gia dự án bảo tồn, tôn tạo nhóm tháp K, H, A tại Khu di tích Mỹ Sơn cùng với đại diện phía Việt Nam. Dự án đã hoàn thành việc trùng tu, gia cố bảo tồn các khu tháp K, H, A, trong đó có kiến trúc A1 là kiệt tác Mỹ Sơn (cao 24m) được gia cố, chống xuống cấp và phục nguyên các mảng tường tháp, công trình kiến trúc được ổn định bền vững, trả lại dáng dấp ban đầu. 

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×