Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Văn Bá Sơn cho biết, việc tổ chức hội thảo này nhằm góp phần phản ánh nguyện vọng của doanh nghiệp du lịch tới các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương tới địa phương, để từng bước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Qua đó, khơi dậy và phát huy thế mạnh của du lịch Quảng Nam, khai thác tối ưu tài nguyên du lịch biển nói riêng và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động du lịch nói chung.
Tại hội thảo này, các đại biểu đã tập trung đánh giá thực trạng, những vấn đề tồn tại trong phát triển du lịch biển; đề xuất những giải pháp nhằm điều chỉnh những bất cập trong hoạt động du lịch biển.
Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều chủ trương liên quan đến việc khai thác tiềm năng và lợi thế của khu vực ven biển phục vụ phát triển du lịch.
Những chính sách này đã thu hút được nhiều nhà đầu tư đến Quảng Nam, phát triển nhiều dự án du lịch lớn ở khu vực phía đông của tỉnh như: Khu nghỉ dưỡng phức hợp Nam Hội An-Hoiana, Tui Blue Nam Hội An, Vinpearl Resort & Golf Nam Hội An… mang lại sự tiện nghi đẳng cấp quốc tế phục vụ khách du lịch đến tham quan và nghĩ dưỡng tại Quảng Nam.
Hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các khu nghĩ dưỡng ven biển với sân bay Chu Lai, sân bay quốc tế Đà Nẵng, với cảng Kỳ Hà và cảng biển du lịch Cửa Đại, các khu điểm du lịch biển như An Bàng (thành phố Hội An), Cửa Khe (huyện Thăng Bình), Tam Thanh (thành phố Tam Kỳ), Tam Tiến, Tam Hải (huyện Núi Thành) đã được xây dựng và khai thác thông qua tuyến đường ven biển Võ Chí Công và hệ thống đường thanh niên ven biển, góp phần thúc đẩy du lịch biển phát triển.
Một số đại biểu nhìn nhận, việc khai thác du lịch biển của Quảng Nam thời gian qua được đánh giá chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có. Hoạt động du lịch biển chủ yếu tập trung tại thành phố Hội An, việc phát huy, khai thác giá trị tài nguyên cho các hoạt động du lịch biển chỉ dừng ở khai thác ven bờ.
Công tác bảo tồn tài nguyên, bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch vùng ven biển chưa được thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa các ngành trong việc xây dựng các chính sách phát triển du lịch còn thiếu chặt chẽ, từ việc xây dựng quy hoạch, ban hành cơ chế, chính sách, đến hướng dẫn thực hiện pháp luật liên quan đến phát triển du lịch biển.
Hiện, hoạt động du lịch cơ bản phục hồi, nhưng doanh nghiệp du lịch vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc tổ chức hoạt động kinh doanh và phát triển sản phẩm do các quy định về lãi suất vay, bảo hiểm, thuế, các quy định về thuê đất, thủ tục đầu tư, quy định về phòng cháy, chữa cháy, quy định về hoạt động ban đêm...
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hồ Quang Bửu ghi nhận, đánh giá các những kết quả đạt được, đồng thời chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
Đồng chí đề nghị các sở, ngành, địa phương liên quan cần tích cực hỗ trợ, song hành cùng các doanh nghiệp, chia sẻ khó khăn, giúp doanh nghiệp từng bước khắc phục những tồn tại, vướng mắc để phát triển.
Các cơ quan chức năng và các địa phương tập trung triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ về lãi suất, vay, bảo hiểm; phối hợp tháo gỡ vướng mắc, xử lý khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai.
Đối với phát triển du lịch biển, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hồ Quang Bửu đề nghị các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu theo hướng: Bổ sung quy hoạch sử dụng bờ biển, mặt biển vào quy hoạch của tỉnh, tổ chức không gian, phân vùng sử dụng phù hợp đối với từng loại sản phẩm du lịch biển trên cơ sở đánh giá sức chứa và quản lý sức chứa các điểm đến.
Chú trọng vấn đề phân kỳ phát triển, không phát triển ồ ạt; phát triển các sản phẩm đa dạng cả về loại hình và chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu của các thị trường, phân khúc thị trường khác nhau góp phần giảm cạnh tranh trực tiếp.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hồ Quang Bửu giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, tham mưu cơ chế của tỉnh, trên cơ sở vận dụng hợp lý các quy định hiện hành của Chính phủ, của bộ, ngành liên quan, để xem xét cấp phép cho các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động thể thao, du lịch gắn với với biển, các hoạt động thể thao dưới nước.
Trước hết, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn đầu tư để tôn tạo các danh lam, thắng cảnh, phát triển làng nghề, phục dựng các lễ hội, xây dựng các công trình văn hóa, các khu vui chơi giải trí hiện đại.
Mặt khác, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tăng cường phối hợp, liên kết trong quản lý và phát triển du lịch, nhất là đẩy mạnh phát triển và khai thác các loại hình sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp, du lịch tham quan kết hợp hội thảo, mua sắm…
Nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ để khôi phục, phát triển du lịch do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai và các tác động tiêu cực khác, cũng như các chính sách liên quan đến hoạt động du lịch biển.
“Hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân ven biển chuyển đổi nghề từ các hoạt động có nguy cơ xâm hại, tác động tiêu cực đến biển sang bảo vệ, bảo tồn, tạo sinh kế bền vững, việc làm mới ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân gắn với hoạt động du lịch biển”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hồ Quang Bửu lưu ý.