Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Quảng Nam thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao

30/10/2023 | 11:56

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của các thiết chế văn hóa, thể thao, trong những năm qua công tác quản lý và tổ chức hoạt động các thiết chế luôn được các cấp ủy, chính quyền tỉnh Quảng Nam đặc biệt quan tâm. Nhờ đó, việc nâng cao hiệu quả sử dụng và quản lý các thiết chế văn hóa, phát huy tốt vai trò kết nối cộng đồng, từng bước được xây dựng, hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết chế văn hóa, thể thao

Trong những năm qua, Quảng Nam đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc hình thành hệ thống thiết chết VHTT. Theo đó, tỉnh đã đưa mục tiêu xây dựng thiết chế VHTT cơ sở vào Nghị quyết của các cấp ủy Đảng, kế hoạch của các cấp chính quyền; dành quỹ đất và ưu tiên bố trí địa điểm cho việc xây dựng và mở rộng, phát triển hệ thống thiết chế VHTT cơ sở; tiếp tục xã hội hóa trong xây dựng phát triển hệ thống thiết chế; chủ động tổ chức các loại hình văn hóa phù hợp để thu hút mọi lứa tuổi và các tầng lớp xã hội tham gia…

Quảng Nam thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao - Ảnh 1.

Thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở được đầu tư khang trang đảm bảo về quy mô, diện tích và được trang bị tủ sách, âm thanh, ánh sáng.

Theo thống kê của ngành VHTTDL Quảng Nam, hiện trên địa bàn tỉnh có  233/241 xã, phường, thị trấn (đạt 96,7%) thành lập trung tâm VHTT; ở cấp thôn, 1.240 thôn, khối phố có nhà văn hóa, khu thể thao, trong đó có 1.127 nhà văn hóa - khu thể thao thôn đạt chuẩn (đạt tỷ lệ 90,8%). Ngoài việc chăm lo xây dựng các thiết chế VHTT ở cơ sở, Quảng Nam cũng luôn chú trọng việc xây dựng các thiết chế VHTT trong khu công nghiệp, khu chế xuất dành cho công nhân - lao động.

Cùng với đó, nhiều công trình phục vụ nhu cầu tập luyện TDTT của nhân dân cũng được đầu tư xây dựng. Hiện, toàn tỉnh có 182 sân bóng đá 11 người, trong đó 112 sân đạt chuẩn, 47 bể bơi, hồ bơi xây dựng và lắp ghép; 140 sân vận động 11 người, 215 điểm vui chơi trẻ em quy mô cấp xã được đầu tư xây dựng. Toàn tỉnh có 807 CLB TDTT hoạt động thường xuyên. Trong giai đoạn 2016 - 2023, Quảng Nam đã đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa 104 nhà văn hóa xã và 101 khu thể thao xã với kinh phí khoảng 32 tỷ đồng. 

Sự ra đời các nhà văn hóa - khu thể thao thôn, các trung tâm VH-TT cấp xã đã đưa chất lượng hoạt động của các lĩnh vực văn hóa, thể thao có bước phát triển. Theo đó, các mục tiêu của ngành VHTTDL đều đạt và vượt chỉ tiêu hàng năm. Trong đó, ở lĩnh vực TDTT, các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển sự nghiệp TDTT cơ bản đều đạt và vượt chỉ tiêu như: số người tập luyện TDTT thường xuyên hàng năm trung bình tăng 0.5-1% (đến năm 2022 Quảng Nam đạt gần 34% dân số tập luyện TDTT thường xuyên; Số gia đình tập luyện TDTT thường xuyên đạt 31,2%). 100% cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện đầy đủ chương trình GDTC nội khóa và gần 80% số cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện thường xuyên hoạt động thể thao ngoại khóa.... Thành tích của thể thao Quảng Nam đạt được tại các kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc cũng từng bước được khẳng định (nằm trong nhóm 30 tỉnh, thành mạnh của cả nước).

Các cấp công đoàn trong tỉnh phát triển 22 cụm VHTT công nhân lao động, nâng tổng số 40 cụm VHTT công nhân lao động toàn tỉnh hiện nay. Hoạt động các cụm VHTT đã tạo sự gắn kết trong CCVC-NLĐ các đơn vị, duy trì huy động từ 40-50% số người trong đơn vị luyện tập thường xuyên.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy hiện nay thiết chế VHTT ở Quảng Nam còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhất là công tác khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế VHTT vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập như: Quy mô diện tích cơ sở vật chất một số nơi chưa đảm bảo, còn chắp vá, thiếu đồng bộ; trang thiết bị, dụng cụ tập luyện còn sơ sài, cũ kỹ; đội ngũ cán bộ, công tác viên một số nơi chưa được kiện toàn, thiếu chuyên môn nên  lúng túng trong phương thức, tổ chức hoạt động....

Nhiều giải pháp sẽ được triển khai

Chính vì vậy, trong giai đoạn tiếp theo, Quảng Nam sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả khai thác, sử dụng các thiết chế VHTT. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm phát triển hệ thống thiết chế VHTT cơ sở, trong đó trọng tâm là đầu tư về cơ sở vật chất kỹ thuật và bố trí nguồn nhân lực, kinh phí phù hợp để tổ chức hiệu quả các hoạt động của hệ thống thiết chế VHTT cơ sở.

Đồng thời, tỉnh cũng ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp nhằm huy động, bố trí nguồn lực tài chính để phát triển thiết chế VHTT của tổ chức Công đoàn và Đoàn Thanh niên trên địa bàn. Không ngừng đổi mới phương thức tổ chức, quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực VHTTDL phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Bổ sung các chỉ tiêu cụ thể về xây dựng và phát triển hoạt động của thiết chế VHTT vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Rà soát, điều chỉnh theo nhiệm vụ, mục tiêu và giải pháp cho phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, trang thiết bị phương tiện chuyên dùng, đảm bảo kinh phí cho các hoạt động tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị; Ban hành kinh phí duy trì bộ máy và các hoạt động nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ đối với thiết chế cấp tỉnh, huyện, xã. Đối với cấp thôn, hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất và tổ chức hoạt động từ nguồn ngân sách của địa phương. Hướng dẫn, tổ chức các hoạt động tại thiết chế; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực và trách nhiệm đội ngũ cán bộ VHTT, cộng tác viên cơ sở.

Xây dựng và nhân rộng các mô hình tổ chức hoạt động VHTT tiêu biểu phù hợp với điều kiện sinh hoạt, phong tục tập quán, đặc điểm dân tộc, vùng miền, các nhóm đối tượng, lứa tuổi. Tổ chức nhiều loại hình CLB văn hóa văn nghệ, TDTT, vui chơi, giải trí để thu hút người dân tham gia hoạt động tại hệ thống thiết chế VHTT cơ sở, đặc biệt ở cấp xã và thôn trên địa bàn.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm chuyển biến và nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và người dân trong toàn xã hội về vai trò, vị trí, lợi ích của việc phát triển hệ thống thiết chế VHTT; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và tổ chức hoạt động của thiết chế VHTT cơ sở.

Xây dựng, ban hành cơ chế quản lý, tự chủ, định mức kinh tế kỹ thuật, cơ chế tính giá hoạt động của hệ thống Trung tâm VHTT các cấp; chế độ ưu đãi đào tạo hạt nhân năng khiếu về văn hóa, nghệ thuật, TDTT, trong đó ưu tiên đối tượng là con em đồng bào các dân tộc thiểu số, nghệ nhân dân gian.

Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội hóa đối với hệ thống thiết chế VHTT cơ sở, qua đó tạo sự đồng thuận và ủng hộ tích cực của đông đảo nhân dân.

Theo tdtt.gov.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×