Quảng Nam: Tăng cường quản lý, tổ chức, thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội năm 2019
01/02/2019 | 13:47Sở VHTTDL Quảng Nam đã có văn bản gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh về việc tăng cường thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội đầu năm và năm 2018.
Ảnh minh họa. (Nguồn: dulichvietnam.com.vn)
Theo đó, Sở VHTTDL đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể sau đây:
Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội tại địa phương; tổ chức lễ hội, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao mừng Đảng, đón Xuân Kỷ Hợi 2019 và các ngày kỷ niệm thiết thực, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống văn hóa các dân tộc, thuần phong mỹ thục, tập quán tốt đẹp của địa phương.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc, nhận diện đúng giá trị của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; tuyên truyền những nét đẹp văn hóa truyền thống trong hoạt động lễ hội, gắn với bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống; vận động, thuyết phục nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng và lễ hội.
Hướng dẫn về trình tự đăng ký, thông báo tổ chức lễ hội theo thẩm quyền, đảm bảo đúng quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội. Việc thẩm định nội dung tổ chức lễ hội phải đảm bảo đúng quy định; không tổ chức lễ hội có nghi lễ mang tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam.
Chỉ đạo các địa phương, cơ sở tổ chức lễ hội xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể, thành lập Ban Tổ chức và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên. Có phương án, giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, bảo vệ an toàn cho di tích, người tham gia lễ hội. Sắp xếp, bố trí khu dịch vụ, nơi trông giữ phương tiện phù hợp với không gian lễ hội; quản lý chặt chẽ các hoạt động dịch vụ, niêm yết giá, bán đúng giá, không chèo kéo khách. Không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, bán hàng rong, ăn xin, lưu hành văn hóa phẩm trái phép, những hủ tục, hành vi phản cảm, bạo lực trong lễ hội.
Chỉ đạo Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội sắp xếp khu vực dịch vụ, nơi sắp lễ, đật hòm công đức đúng nơi quy định, có phương án quản lý tiền công đức công khai, minh bạch; hạn chế đốt vàng mã, thắp nhiều hương, nến tại di tích. Không đưa các linh vật ngoại lai vào các khu di tích, khu thờ tự, đảm bảo tính nguyên trạng của di tích theo đúng luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra hoạt động lễ hội trên địa bàn, tăng cường công tác thanh kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội.
Quán triệt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, kỷ luật lao động, không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội, trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ./.