Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Quảng Nam: Phục hồi du lịch bằng giá trị bản địa

29/11/2021 | 15:28

Một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vừa "bắt tay" nhằm tạo thêm chất xúc tác trong tiến trình phục hồi du lịch. Cảm hứng phát triển mới lồng ghép cùng nền tảng các giá trị bản địa mang lại nhiều kỳ vọng về việc tạo ra "làn gió mới" du lịch địa phương.

Quảng Nam: Phục hồi du lịch bằng giá trị bản địa - Ảnh 1.

Hồ Phú Ninh có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch.

Vì sự phát triển bền vững

Cuối tuần qua, Câu lạc bộ "Điểm đến Quảng Nam - gìn giữ giá trị bản địa" chính thức ra mắt, gồm 6 thành viên: Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang, Khu du lịch sinh thái hồ Phú Ninh, đảo Ký ức Hội An, Hợp tác xã Du lịch làng chài Tân Thành, Tập đoàn Thiên Minh và Silk Group.

Sáu doanh nghiệp đã bắt tay nhau để tạo ra một "làn gió mới" trong chiến lược phát triển du lịch địa phương. Một minh chứng nữa cho thấy du lịch Quảng Nam đã và đang chuyển động mạnh mẽ hơn trước tác động của dịch bệnh Covid-19.

Quảng Nam: Phục hồi du lịch bằng giá trị bản địa - Ảnh 2.

Đại diện 6 doanh nghiệp tham gia câu lạc bộ cùng các bên liên quan kết nối hứa hẹn tạo ra làn gió mới cho du lịch Quảng Nam thời gian tới.

Ông Lê Quốc Việt - thành viên sáng lập Hợp tác xã Du lịch làng chài Tân Thành cho biết: "Đây là sự kiện đi từ ý tưởng đến hiện thực trong thời gian siêu ngắn, vỏn vẹn chỉ khoảng 10 ngày, bởi tính thiết thực, hấp dẫn cũng như sự nhiệt tình của các bên liên quan".

Dù chỉ 6 thành viên nhưng câu lạc bộ bước đầu hứa hẹn tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm trải dài "từ nguồn xuống biển". Ở đó hiện diện các giá trị văn hóa đặc sắc của phố cổ Hội An, có làng chài ven biển, có thắng cảnh hồ nước, đại ngàn hùng vĩ, hữu tình và có cả những đơn vị tầm vóc đủ khả năng kiến tạo các sản phẩm du lịch hấp dẫn từ các giá trị đặc trưng bản địa của xứ Quảng.

Càng thú vị hơn khi danh sách thành viên quy tụ được nhiều đầu mối, từ nơi du lịch đã phát triển mạnh mẽ (Hội An) lan tỏa cho đến vùng phía nam (Phú Ninh), vùng cao phía tây (Đông Giang) theo đúng định hướng, mục tiêu phát triển du lịch của Quảng Nam hiện nay.

Không gói gọn trong phạm vi của tỉnh, một khi du lịch phục hồi và có tín hiệu kết nối từ các thành viên tâm huyết, câu lạc bộ sẵn sàng mở rộng để thành lập những liên minh bền vững thúc đẩy du lịch lan tỏa.

Quảng Nam: Phục hồi du lịch bằng giá trị bản địa - Ảnh 3.

Một cánh đồng quê vào mùa hoa lục bình ở Quảng Nam.

Tham gia câu lạc bộ nghĩa là các thành viên đã cam kết bắt tay tạo dựng các gói sản phẩm dịch vụ du lịch độc đáo, góp phần tạo lợi thế cạnh tranh cho du lịch Quảng Nam, đồng thời chung một tôn chỉ là phải tôn trọng, gìn giữ giá trị bản địa để phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Tổng Giám đốc Gami Theme Park cho hay: "Chúng tôi đặt tên câu lạc bộ như vậy là bởi giá trị bản địa bao hàm rất rộng gồm cả thiên nhiên, văn hóa, con người… Chúng tôi muốn đưa các giá trị bản địa ở địa phương vào đầu tư, vận hành khai thác du lịch. Tất nhiên là sẽ sinh lợi cho các đơn vị tham gia nhưng trên hết là đảm bảo, duy trì, phát huy được các giá trị tự nhiên, văn hóa, con người bằng việc gắn những giá trị này vào các điểm đến du lịch một cách bền vững".

Chú trọng chiều sâu

Quảng Nam là vùng đất đậm đặc giá trị bản địa. Bên cạnh "kho báu" trầm tích văn hóa, còn đó những nét đặc trưng tự nhiên, con người vô cùng đặc sắc cần được phát huy. Nhiều không gian có phạm vi diện tích không lớn nhưng lại tổng hợp được nhiều giá trị bản địa đặc trưng.

Đơn cử như Cù Lao Chàm, khu vực nam Hội An hay một số làng cổ ở vùng trung du, những câu chuyện, giá trị độc đáo về hệ sinh thái, lễ hội, tiếng nói, chữ viết, tri thức sản xuất, trình diễn dân gian… rất cần sự sáng tạo để khai thác du lịch bền vững.

Thời gian qua việc khai thác giá trị văn hóa, tự nhiên gắn với phát triển du lịch của địa phương khá tốt, nhưng thực tế dư địa chiều sâu tài nguyên du lịch bản địa của Quảng Nam còn rất rộng mở và cần khai thác theo hướng này.

Theo các chuyên gia, khai thác giá trị văn hóa bản địa để phát triển du lịch không phải là những gì quá hàn lâm mà chính từ những điều bình thường nhất như lối sống, lễ lạt, buổi họp chợ, thậm chí là những buổi sinh hoạt cộng đồng. Đây là điều mà du khách, nhất là thị trường khách phương Tây - thị trường khách truyền thống của Quảng Nam mong muốn được khám phá bởi từ lâu các giá trị này đã phai nhạt ở đất nước họ.

Trong danh mục tài nguyên du lịch tự nhiên trên địa bàn Quảng Nam được phê duyệt, nhóm địa phương sở hữu nhiều nhất bao gồm: Núi Thành, Đông Giang, Nông Sơn, Nam Trà My… Trên thực tế, hoạt động du lịch ở đây vẫn còn ít phát triển.

Quảng Nam: Phục hồi du lịch bằng giá trị bản địa - Ảnh 4.

Gánh hàng rong phố Hội.

Chưa nói đến tại từng thắng cảnh, phần lớn việc khai thác du lịch chỉ dừng ở mức thăm thú, vãn cảnh chứ chưa đi sâu vào khảo sát toàn diện hệ sinh thái có tiềm năng lớn chứa đựng hàm lượng giá trị độc đáo để phát triển du lịch chất lượng cao.

Ông Võ Phùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, việc Câu lạc bộ "Điểm đến Quảng Nam - gìn giữ giá trị bản địa" dừng lại ở 6 thành viên ban đầu theo tôi là hợp lý. Đây là một tổ chức có nhiều ràng buộc chặt chẽ về tôn chỉ hoạt động buộc các thành viên tham gia phải là đơn vị tâm huyết.

"Khách du lịch luôn mong muốn tìm đến những điểm cho họ sự tò mò và khám phá, tìm hiểu để thỏa mãn sự tò mò đó. Giá trị bản địa chính là thứ mà du khách khát khao trải nghiệm nhất. Khi chúng ta có được những sản phẩm bản địa thực chất, chắc chắn sẽ là một điểm đến mà du khách không thể bỏ qua" - ông Phùng nói.

Theo Báo Quảng Nam

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×