Quảng Nam: Phát triển phong trào Karatedo từ cơ sở
19/11/2021 | 14:20Hoạt động khá sôi nổi tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, nhưng để phong trào Karatedo phát triển mạnh hơn nữa và tương xứng với tiềm năng, cần có những giải pháp căn cơ từ cơ sở.
Phát triển sâu rộng
Ngay sau khi tái lập tỉnh năm 1997, cùng với các đội tuyển thể thao khác như Võ cổ truyền, Taekwondo, đội tuyển Karatedo được thành lập trên cơ sở tuyển chọn võ sinh có năng khiếu từ các võ đường, câu lạc bộ (CLB) ở các địa phương trong tỉnh để huấn luyện, đào tạo cho các cuộc tranh tài đỉnh cao.
Và trong chặng đường đã qua, Karatedo Quảng Nam đã xuất hiện nhiều gương mặt tài năng gặt hái được thành tích xuất sắc trong màu áo đội tuyển quốc gia như Bùi Thị Triều (2 HCV SEA Games, 3 HCV quốc gia), Bùi Thị Nhung (HCB trẻ châu Á), Bùi Như Mỹ (2 HCĐ SEA Games, 1 HCV quốc gia), Nguyễn Phi Tuấn (1 HCV Đông Nam Á, 5 HCV quốc gia).
Ngoài ra, còn có thể kể đến Huỳnh Thanh Chinh (1 HCV đại hội TD-TT toàn quốc), Phạm Thị Thư (3 HCV quốc gia), Võ Văn Mạnh (1 HCV đại hội TD-TT toàn quốc).
Ở góc độ phong trào, môn thể thao truyền thống Nhật Bản này cũng có sự phát triển và hoạt động khá sôi nổi trên đất Quảng Nam.
Ông Nguyễn Thành Tự - Chủ tịch Liên đoàn Karatedo Quảng Nam thông tin, kể từ khi liên đoàn được thành lập năm 2010 đến nay, phong trào đã có bước phát triển mạnh mẽ tại 14 huyện, thị xã, thành phố với hơn 1.000 võ sinh tập luyện ở 30 võ đường, CLB.
Ngoài ra, còn có 15 trường học tại Núi Thành, Tam Kỳ, Duy Xuyên, Điện Bàn, Tiên Phước, Nam Trà My tổ chức CLB duy trì tập luyện thường xuyên. Cạnh đó, qua các kỳ thi thăng đai, đẳng do liên đoàn phối hợp với bộ môn Karatedo Tổng cục TD-TT tổ chức, hiện toàn tỉnh có 28 huấn luyện viên đẳng cấp và khả năng huấn luyện khá tốt, trong đó 10 huấn luyện viên là trọng tài cấp quốc gia, 21 huấn luyện viên là trọng tài cấp tỉnh.
Có thể nói, Karatedo là một trong những môn thể thao đang có sự phát triển sâu rộng, từ thể thao phong trào đến thể thao thành tích cao. Đây cũng là môn khẳng định tiềm năng, thế mạnh của thể thao Quảng Nam tại đấu trường quốc gia, cung cấp nhiều vận động viên cho đội tuyển Việt Nam tranh tài tại các giải đấu khu vực, quốc tế.
Đẩy mạnh phong trào cơ sở
Ông Nguyễn Thành Tự cho biết thêm, hiện cả nước có 15 tỉnh thành đưa Karatedo vào giảng dạy trong trường học dưới nhiều hình thức; có đến 30 tỉnh thành đã đưa vào chương trình của Hội khỏe Phù Đổng và Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc cũng tổ chức thi đấu môn võ thuật này.
Với Quảng Nam, dù đã đưa vào giảng dạy trong trường học 5 năm qua nhưng đến nay vẫn chưa được mở rộng như kỳ vọng, cũng chưa đưa vào chương trình Hội khỏe Phù Đổng hoặc giải thể thao học sinh hàng năm.
"Karatedo là môn võ được nhiều người Việt Nam yêu thích tập luyện tại 45 tỉnh, thành phố và hiện đã trở thành môn thể thao Olympic. Vì vậy, rất mong các ngành chức năng của tỉnh, các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi để Karatedo được đưa vào nhà trường với vị trí là chương trình giảng dạy ngoại khóa dưới hình thức CLB mang tính xã hội hóa nhằm phát triển phong trào rộng rãi hơn. Đồng thời đưa vào chương trình thi đấu của thể thao học đường để có cơ sở tuyển chọn lực lượng tham gia các giải toàn quốc" - ông Tự đề nghị.
Theo ông Tào Viết Hải - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, thời gian qua phong trào Karatedo của tỉnh đã có bước phát triển mới, nhất là sự gắn kết giữa đội tuyển và phong trào ở các địa phương, cơ sở. Sự gắn kết giữa cơ quan quản lý nhà nước là Sở VH-TT&DL và các đơn vị sự nghiệp TD-TT từ tỉnh đến địa phương với Liên đoàn Karatedo Quảng Nam cũng thể hiện rõ trong công tác tổ chức, xây dựng phong trào, nhất là tổ chức các giải đấu.
Đặc biệt những năm gần đây, các giải trẻ tổ chức hàng năm với các nhóm tuổi 12, 12 - 14, 15 - 17 thu hút sự tham gia đông đảo của võ sinh trên địa bàn tỉnh, tạo được hiệu ứng phát triển phong trào tại các võ đường, CLB. Qua đó, giúp ban huấn luyện đội tuyển phát hiện những nhân tố trẻ để tuyển chọn, tiếp tục đào tạo trở thành vận động viên bổ sung vào đội tuyển tỉnh.
"Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục phối hợp với ngành GD-ĐT, các địa phương, đơn vị đẩy mạnh phát triển phong trào ở cơ sở, trường học nhằm thu hút nhiều người tham gia tập luyện, góp phần nâng cao chất lượng phong trào" - ông Hải nói.