Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Quảng Nam: Phát huy sáng tạo giá trị bản địa để phát triển du lịch bền vững

23/07/2022 | 10:20

Với mong muốn tái kết nối doanh nghiệp- hội viên để cùng đồng hành trong phục hồi, phát triển du lịch theo tiêu chí du lịch xanh, thúc đẩy du lịch bền vững, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam (QTA) và UNESCO đã phối hợp tổ chức buổi tọa đàm tại TP Hội An để tham vấn doanh nghiệp xoay quanh chủ đề "Phát huy sự sáng tạo giá trị bản địa trong hoạt động du lịch ở Quảng Nam". Có hơn 30 doanh nghiệp địa phương tham dự tọa đàm.

Quảng Nam: Phát huy sáng tạo giá trị bản địa để phát triển du lịch bền vững - Ảnh 1.

Những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ-tu sẽ là dư địa tạo sản phẩm du lịch đặc trưng cho Làng Văn hoá du lịch cộng đồng Pơrning.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ hợp tác và hỗ trợ nguồn lực của UNESCO cho dự án "Thúc đẩy du lịch bền vững và sự tham gia của doanh nghiệp vì sự phát triển cộng đồng ứng phó với tác động bởi Covid-19".  Ông Võ Phùng, Phó Chủ tịch QTA chia sẻ: Trong mục tiêu phát triển du lịch bền vững ở Quảng Nam, những doanh nghiệp tiên phong, những người làm du lịch tử tế đã chọn nương tựa vào tự nhiên và văn hóa để làm chất liệu. Buổi tọa đàm này tạo diễn đàn kết nối, thảo luận, gợi ý các giải pháp để phát huy những yếu tố sáng tạo trong việc nương tựa giá trị bản địa cho hoạt động du lịch ở Quảng Nam trên nền tảng du lịch xanh- phát triển bền vững. Qua đó cũng chia sẻ về cách ứng xử với giá trị bản địa từ góc nhìn của sự sáng tạo, góp phần hình thành giá trị đặc trưng cho sản phẩm du lịch, xác lập nền tảng cho tăng trưởng xanh cho du lịch Quảng Nam.

Tại tọa đàm, những nhà nghiên cứu văn hóa, ứng dụng văn hóa- giá trị di sản trong hoạt động du lịch ở Quảng Nam đã chia sẻ 4 chủ đề chính gồm:  "Phát huy giá trị lễ hội Bả trạo miền biển trong du lịch Quảng Nam";  "Giá trị văn hóa bản địa tại Làng du lịch cộng đồng Pơ Ning, Tây Giang"; "Lễ hội Sâm Ngọc Linh- Điểm nhấn đánh thức du lịch đại ngàn Nam Trà My"; "Tour tham quan văn hóa tâm linh Đô thị cổ Hội An".

Những chủ đề trên đã đề cập hầu như bao quát những khía cạnh riêng biệt trong nội hàm giá trị bản địa của Quảng Nam, phân bổ hài hòa từ không gian miền núi đến miền biển, từ giá trị hiện hữu đến giá trị phi hiện hữu. Những yếu tố sáng tạo giá trị di sản trong hoạt hoạt động du lịch cũng sẽ chạm đến các xu thế - tâm lý du lịch mới hiện nay: cộng đồng- trải nghiệm- trách nhiệm; du lịch "chữa lành"… Đây là những nội dung quan trọng, mật thiết về tính sáng tạo giá trị bản địa trong hoạt động du lịch ở Quảng Nam, thông qua bức tranh đa sắc màu giá trị của văn hóa, với những phương diện tiếp cận khác nhau, như văn hóa tâm linh, văn hóa truyền thống miền biển, văn hóa đặc trưng của vùng núi Quảng Nam.

Ông Pơlong Plênh, Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Tây Giang đã dẫn chứng thực tế tại Làng Văn hóa - Du lịch cộng đồng Pơ Ning, qua đó, chia sẻ một góc nhìn mới, sáng tạo về một vấn đề cũ: giá trị văn hóa của tộc người Cơ Tu ở miền núi Quảng Nam và du lịch cộng đồng-bản địa miền núi trong phục hồi, hội nhập và phát triển du lịch xanh hậu Covid-19. Những giá trị văn hóa truyền thống, giá trị cộng đồng của miền núi Tây Bắc Quảng Nam sẽ là dư địa trong việc tạo sản phẩm du lịch đặc trưng miền núi Quảng Nam. 

Huyện Tây Giang xác định, "lấy văn hóa đoàn kết dân tộc, xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh, lấy văn hóa nuôi sống văn hóa bằng các sản phẩm du lịch xanh, du lịch sinh thái, cộng đồng, lấy văn hóa phát triển toàn diện và bền vững". Làng xác định rừng còn, văn hóa còn, du lịch phát triển, rừng mất văn hóa phôi phai- du lịch không còn môi trường để tồn tại. Đó là mối gắn kết biện chứng không tách rời nhau trong định hướng phát triển của làng Pơrning nói riêng, huyện Tây Giang nói chung.

Với Di sản văn hóa thế giới khu phố cổ Hội An, ông Nguyễn Đức Minh, nhà nghiên cứu văn hóa, đã gợi ý về sự sáng tạo, nương tựa vào giá trị văn hóa bản địa trong xây dựng sản phẩm du lịch xanh- đặc trưng hậu Covid-19. Với những gợi ý, chia sẻ về  "Tour tham quan văn hóa tâm linh Đô thị cổ Hội An", ông Minh nhấn mạnh đến việc phát huy, nhìn nhận giá trị yếu tố văn hóa tâm linh của Đô thị cổ Hội An một cách trân trọng hơn, đầy đủ hơn, sáng tạo hơn trong xây dựng sản phẩm du lịch. 

Từ những chủ đề gợi mở trên, ngay tại tọa đàm, nhiều ý kiến phản biện, tham vấn cũng được các đại biểu thẳng thắn trao đổi, thảo luận  với mong muốn có góc nhìn đa chiều, cởi mở cho cùng một vấn đề.  

Trong đó, nhiều ý kiến nhấn mạnh đến vấn đề cần làm sáng tỏ thêm những yếu tố đặc trưng- khác biệt cần khai thác trong xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của Quảng Nam như lễ hội Bả trạo miền biển;  Lễ hội Sâm Ngọc Linh của đại ngàn, Làng du lịch cộng đồng Pơ Ning,… Sự sáng tạo sẽ là một giải pháp để phát huy giá trị văn hóa bản địa như một sản phẩm du lịch đặc trưng và khan hiếm, tiếp cận mục tiêu du lịch xanh Quảng Nam, dành cho thị trường quốc tế.

Với nội dung "Tour tham quan văn hóa tâm linh Đô thị cổ Hội An", các ý kiến thảo luận cho rằng giá trị văn hóa tâm linh của Đô thị Cổ là giá trị đặc sắc và thu hút trong xu thế du lịch hậu Covid-19. Do đó, cần ứng dụng sáng tạo trong xây dựng sản phẩm du lịch, đảm bảo tính nhân văn, tôn trọng truyền thống và giảm áp lực đến di sản. 

Các đại biểu đã có sự đồng cảm, nhất trí cao với những đề xuất được đưa ra tại tọa đàm, trong đó nhấn mạnh các nội dung chính:  Du lịch bền vững, du lịch xanh là mục tiêu đồng thời là giải pháp căn cơ đối với du lịch Quảng Nam trong tương lai, đảm bảo khả năng cạnh tranh của điểm đến du lịch Quảng Nam và phù hợp với xu hướng phát triển của du lịch thế giới. 

Sử dụng chất liệu "giá trị di sản" một cách sáng tạo là vấn đề cần phát huy trong hoạt động du lịch ở Quảng Nam, nhằm thiết lập nền tảng cho sản phẩm du lịch đặc trưng, có chiều sâu và chạm đến sự tử tế trong dịch vụ du lịch.

Khủng hoảng Covid-19 đã đánh thức vấn đề sử dụng tài nguyên bền vững, giảm áp lực đến di sản. Nên cần thích ứng và sáng tạo, chú trọng phương thức tiếp cận du lịch mang lại giá trị cao.

Từ đó, cũng thống nhất, cần kiên định mục tiêu du lịch bền vững và thực hành tiêu chí du lịch xanh, nương tựa vào tự nhiên và giá trị văn hóa trong xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của Quảng Nam.

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×