Quảng Nam phát huy nguồn lực văn hóa từ lễ hội truyền thống
24/02/2025 | 15:05Theo suốt chiều dài lịch sử, Quảng Nam là vùng đất mở, nơi trung chuyển lớp lớp cư dân trên tiến trình mở cõi dân tộc.

Lễ hội Bà Chiêm Sơn ở thôn Chiêm Sơn (xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).
Chính yếu tố lịch sử cùng với sự hình thành cộng đồng làng, xã và quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa đã tạo nên mảnh đất xứ Quảng nhiều lễ hội truyền thống với những loại hình và sắc thái đặc trưng cho cả vùng miền.
Lễ hội ở Quảng Nam hết sức phong phú và đa dạng. Thời gian qua, các cấp chính quyền và người dân đã tổ chức lễ hội không chỉ như một sự kiện văn hóa đơn thuần, mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Bảo tồn giá trị di sản văn hóa độc đáo
Lễ hội mừng lúa mới của dân tộc Xơ Đăng ở xã Trà Linh (huyện Nam Trà My) có từ lâu đời, thường diễn ra sau khi kết thúc vụ mùa sản xuất nương rẫy, khi kho thóc đã đầy ắp, công việc ruộng nương đã xong xuôi. Đây là nghi thức văn hóa tâm linh quan trọng, tạ ơn đất trời đã ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu để dân làng no ấm quanh năm. Sau phần lễ, dân làng tổ chức phần hội với nhiều hoạt động: trình diễn cồng chiêng, hát đối đáp, trò chơi dân gian, thi nấu món ăn truyền thống... thu hút nhiều cộng đồng làng tham gia.
Già làng Hồ Văn Dũng, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My cho biết, theo luật tục, già làng sẽ định ngày, giờ tổ chức Lễ hội mừng lúa mới. Dân làng chọn những hạt lúa to nhất, đẹp nhất trong một vụ lúa để làm lễ vật cúng thần lúa, thể hiện tri ân thần lúa, tôn kính thần rừng đã mang lại sự ấm no cho dân làng.
Còn đối với đồng bào Cơ Tu ở huyện Tây Giang, Tạ ơn rừng là một trong những lễ hội quan trọng được tổ chức vào những ngày đầu năm mới. Lễ hội này thể hiện lòng cảm ơn những cánh rừng già đã che chở người dân đồng thời là lời hứa của đồng bào trong việc nâng cao ý thức bảo vệ rừng và gắn kết cộng đồng. Từ một nét văn hóa truyền thống lâu đời, gắn với đời sống tâm linh của đồng bào Cơ Tu, đến nay, nghi lễ Tạ ơn rừng đã phát triển thành lễ hội truyền thống, tổ chức hằng năm.
Già làng Pơloong Nấp (xã A Xan, huyện Tây Giang) cho biết: “Con người sống và lớn lên nhờ rừng, nhờ cây, nhờ suối. Rừng là tài nguyên vô giá, giúp người Cơ Tu tồn tại và phát triển. Do đó, chúng tôi luôn tổ chức lễ Tạ ơn rừng như một nghi lễ quan trọng nhất trong năm”.
Trong tín ngưỡng dân gian của các cư dân sống dọc dãy Trường Sơn, lễ hội không chỉ là không gian văn hóa đáp ứng nhu cầu tâm linh, mà còn thể hiện những điều tốt đẹp của cộng đồng. Tuy quy mô chỉ gói gọn trong cộng đồng làng, nhưng các lễ hội đã trở thành tài sản văn hóa vô giá mà các dân tộc thiểu số vùng cao xứ Quảng gìn giữ và phát huy từ bao đời.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức phục dựng hơn 10 lễ hội truyền thống như: Lễ Mừng lúa mới của dân tộc Xơ Đăng, Ca Dong, Cơ Tu tại các huyện Hiệp Đức, Nam Trà My, Nam Giang và Tây Giang; Lễ Cưới truyền thống của đồng bào Ve (nhóm địa phương thuộc dân tộc Giẻ Triêng) tại huyện Nam Giang. Qua đó, tỉnh trở thành điểm sáng về bảo tồn văn hóa cơ sở.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng cho biết, những năm qua, các cấp, ngành trong tỉnh đã vào cuộc quyết liệt giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao Quảng Nam khôi phục thành công nhiều lễ hội truyền thống. Tỉnh cũng vận động người dân loại bỏ các lễ hội không phù hợp, tốn kém thời gian và kinh phí. Với vai trò chủ thể, người dân các dân tộc thiểu số tiếp tục duy trì tổ chức lễ hội sau phục dựng, góp phần bảo tồn di sản văn hóa độc đáo và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội
Ở Quảng Nam, người dân thường tổ chức lễ hội vào đầu xuân, khi mùa vụ đã thu hoạch xong để người dân trẩy hội, du xuân đầu năm. Thông qua lễ hội, nhiều yếu tố văn hóa tinh thần được bảo lưu và trao truyền từ đời này sang đời khác, góp phần giáo dục sâu sắc về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, qua đó củng cố tinh thần đoàn kết, tình yêu quê hương đất nước cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Đồng thời, lễ hội cũng là dịp để người dân mong cầu những điều tốt đẹp, gửi gắm những ước nguyện bình an, hạnh phúc, may mắn đầu năm. Với những ý nghĩa đó, trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân xứ Quảng, lễ hội được duy trì tổ chức hằng năm, gắn bó chặt chẽ với cuộc sống của cộng đồng từ bao đời nay.
Theo thống kê, tỉnh Quảng Nam hiện có gần 100 lễ hội truyền thống. Trong đó, 5 lễ hội đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Lễ hội Bà Thu Bồn, Lễ hội Bà Phường Chào, Lễ rước Cộ Bà Chợ Được, Lễ hội Tết Nguyên tiêu Hội An và Lễ hội Tết Trung thu Hội An.
Tại các huyện miền núi, nổi bật là lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số như: Lễ Mừng lúa mới, Lễ Tạ ơn rừng của người Cơ Tu, Lễ cúng máng nước của người Xơ Đăng, Ca Dong và Lễ hội Cầu mưa của người Cor. Hầu hết các lễ hội trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đều được kiểm kê, phân loại, bảo tồn, gìn giữ theo đúng định hướng của Trung ương và quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Với mục tiêu bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống gắn với xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa của các hoạt động lễ hội, tỉnh Quảng Nam đã triển khai thực hiện các văn bản, chỉ thị, nghị định và quyết định của Trung ương. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng ra Quyết định số 2261/QĐ-UBND ngày 9/8/2021 về việc ban hành Quy chế quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng khẳng định: “Nhờ đầu tư đúng hướng và triển khai phù hợp, lễ hội truyền thống ở Quảng Nam được bảo tồn khá nguyên vẹn. Điều này đã thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường tính cố kết cộng đồng, củng cố tình làng nghĩa xóm, đồng thời góp phần xây dựng bản, làng, thôn văn hóa và nông thôn mới”.