Quảng Nam: Phấn đấu trở thành điểm đến hàng đầu khu vực về du lịch di sản văn hóa vào năm 2030
22/10/2024 | 09:59Theo kế hoạch, giai đoạn 2025 – 2030 tỉnh Quảng Nam sẽ tập trung phát triển 3 nhóm sản phẩm du lịch đặc trưng, mang đậm bản sắc văn hoá truyền thống, chất lượng và có giá trị tăng cao.
UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành kế hoạch số 7966/KH-UBND phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2030 với mục tiêu đặt ra xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch Quảng Nam đặc trưng, đa dạng, mang đậm bản sắc văn hoá truyền thống, chất lượng và có giá trị tăng cao theo hướng xanh, bền vững.
Nâng tầm thương hiệu “Quảng Nam - điểm đến hàng đầu về du lịch di sản văn hóa”, khẳng định thương hiệu “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”.
Nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch Quảng Nam trong nước, khu vực và quốc tế trên cơ sở khai thác phát huy tối đa, hiệu quả giá trị các di sản văn hóa thế giới: Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, tài nguyên biển, đảo, sông hồ, núi rừng, các di tích lịch sử văn hóa và đặc trưng con người xứ Quảng.
Các mục tiêu cụ thể đặt ra như: Giai đoạn 2025-2027, phấn đấu 60% sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh được tiếp cận Bộ tiêu chí du lịch xanh.
Hoàn thành đề án phát triển sản phẩm du lịch đêm và mời gọi đầu tư sản phẩm du lịch đêm tại TP Hội An,…
Giai đoạn 2028 – 2030, phấn đấu xây dựng Quảng Nam trở thành điểm đến hàng đầu khu vực về du lịch nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng; tạo dựng thương hiệu về du lịch thể thao, mạo hiểm, giải trí, du lịch chăm sóc sức khỏe theo hướng xanh, bền vững.
Phấn đấu tất cả các sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh được tiếp cận Bộ tiêu chí du lịch xanh, trong đó, 30% sản phẩm du lịch đáp ứng theo Bộ tiêu chí du lịch xanh,…
Trong giai đoạn tới định hướng phát triển hệ thống sản phẩm du lịch Quảng Nam tập trung theo 3 nhóm sản phẩm: sản phẩm du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch chính, sản phẩm du lịch bổ trợ.
Theo đó, sản phẩm du lịch đặc thù như phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch: Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An với thương hiệu “Một điểm đến xanh - 3 trải nghiệm đẳng cấp quốc tế” trên cơ sở khai thác thế mạnh về du lịch văn hoá tham quan di tích, du lịch nghiên cứu văn hóa kết hợp với du lịch trải nghiệm.
Xây dựng và phát triển Hội An thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch, giao lưu quốc tế với các sản phẩm đặc sắc có chiều sâu văn hóa.
Xây dựng Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An trở thành khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia phục vụ khách du lịch.
Phát triển du lịch biển theo hướng đa dạng, đáp ứng nhiều phân khúc thị trường khách.
Sản phẩm du lịch chính của Quảng Nam: Phát triển du lịch biển (nghỉ dưỡng, thể thao biển…), du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch sinh thái.
Trong đó, phát triển sản phẩm du lịch sinh thái gắn với bảo tồn đa dạng sinh học. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản, di tích, lễ hội, làng nghề truyền thống thành sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh.
Xây dựng mới các chương trình nghệ thuật tổng hợp quy mô tầm quốc tế; đầu tư nâng cấp, nâng tầm thương hiệu các chương trình hiện có như show thực cảnh Ký ức Hội An, À ố show...
Trên cơ sở mục tiêu, định hướng đề ra, tập trung triển khai theo 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đến năm 2030 như sau: Thực hiện tốt công tác định hướng, quy hoạch du lịch; ban hành cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển du lịch.
Công tác đầu tư, huy động nguồn vốn, nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch và phát triển thị trường khách du lịch; Tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm; Liên kết hợp tác phát triển sản phẩm du lịch.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; Ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng phát triển sản phẩm du lịch.
Theo Báo Văn Hóa