Quảng Nam: Nhiều giải pháp thu hút và đón khách du lịch quốc tế
28/03/2023 | 15:27UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Kế hoạch 1713 với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm thu hút và đón khách du lịch quốc tế đến tỉnh này trong giai đoạn mới. Đặc biệt nhấn mạnh tăng cường về công tác quản lý nhà nước về du lịch, kiên quyết xử lý tình trạng tổ chức tour du lịch chui, cho mượn pháp nhân ăn chênh lệch, trốn thuế; tạo môi trường du lịch văn minh, lành mạnh.
Kế hoạch nhằm mục đích từng bước phục hồi ngành du lịch sau đại dịch Covid-19, tạo sự đột phá trong năm 2023 và các năm tiếp theo; góp phần gia tăng lượt khách quốc tế đến Quảng Nam nhằm đạt các mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 20.7.2021 của Tỉnh ủy về phát triển thương mại, du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030. Đồng thời hướng đến xây dựng, quảng bá hình ảnh và khẳng định thương hiệu "Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh". Đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thu hút, đón khách du lịch quốc tế nhằm phục hồi và phát triển du lịch Quảng Nam bền vững.
4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể được Kế hoạch đề ra triển khai thực hiện để thu hút, đón khách du lịch quốc tế đến Quảng Nam như sau:
Về công tác quản lý nhà nước về du lịch, chú trọng việc tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế thực hiện các thủ tục xuất, nhập cảnh theo quy định; hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch phát triển, cạnh tranh lành mạnh thu hút khách du lịch quốc tế; kiên quyết xử lý tình trạng tổ chức tour du lịch chui, cho mượn pháp nhân ăn chênh lệch, trốn thuế, tạo môi trường du lịch văn minh, lành mạnh. Khôi phục mạng lưới các đường bay thường lệ hoặc charter, tăng cường xúc tiến các đường bay nội địa đến Quảng Nam.
Tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho các hoạt động du lịch; chú trọng vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, nhất là các địa phương có nhiều khách du lịch quốc tế; Kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ và quản lý điểm đến; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về du lịch. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh tại Chỉ thị số 07 (ngày 22.3.2023) về đẩy mạnh công tác quản lý môi trường du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; Chỉ thị số 05 (ngày 24.3.2022) về tăng cường hưởng ứng và thực hiện Bộ Tiêu chí du lịch xanh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; Quyết định số 3285 (ngày 1.11.2018) về ban hành Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch tỉnh Quảng Nam…
Nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của phát triển du lịch, tạo sự đồng thuận trong nhân dân về đón khách du lịch quốc tế; xác định việc phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng; sự quản lý thống nhất của chính quyền; phát huy mạnh mẽ, tích cực, hiệu quả vai trò động lực của doanh nghiệp và nhân dân.
Về sản phẩm, thị trường du lịch, cần tập trung phát triển các sản phẩm mới đạt chất lượng cao, có sức cạnh tranh tốt nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch quốc tế, thay đổi lại phân khúc thị trường khách hướng tới, chất lượng hơn, hiệu quả hơn.
Rà soát, đánh giá và xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu và tính chất đặc thù riêng của các thị trường khách quốc tế. Tiếp tục mở rộng thị trường có khả năng tăng trưởng nhanh, nguồn khách lớn, mức chi tiêu cao và lưu trú dài ngày. Tăng cường nghiên cứu thị trường, nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch quốc tế, trên cở đó tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường khách du lịch quốc tế.
Hình thành các sản phẩm đa dạng, hấp dẫn từ giá rẻ đến cao cấp, giảm thiểu cạnh tranh không lành mạnh. Nghiên cứu tổ chức các hoạt động thu hút khách du lịch quốc tế như: festival biển, festival ẩm thực, các lễ hội, hoạt động đường phố...; phối hợp xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đêm. Tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, có giá trị gia tăng cao và tăng trải nghiệm cho du khách phù hợp với nhu cầu các thị trường khách quốc tế và nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Quảng Nam.
Xây dựng các mô hình sản phẩm du lịch mới trên nền tảng các giá trị văn hóa dân tộc, tài nguyên tự nhiên từng vùng, từng địa phương; bên cạnh đó, cần bổ sung thêm giá trị mang tính sáng tạo, độc đáo để hình thành các sản phẩm du lịch có tính chất đặc thù riêng của từng vùng, từng địa phương nhằm thu hút khách du lịch quốc tế; đảm bảo cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch, kiên quyết không cạnh tranh phá giá.
Thu hút các nguồn lực xã hội để chỉnh trang, hoàn thiện, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch, ổn định lại nguồn nhân lực để sẵn sàng phục vụ khách quốc tế.
Về liên kết, quảng bá xúc tiến du lịch, các địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư, kết nối lại thị trường, đối tác tại các thị trường truyền thống và các thị trường tiềm năng.
Thúc đẩy hình thành các liên minh liên kết phát triển du lịch giữa các vùng, địa phương, điểm đến trong và ngoài tỉnh, tăng cường vai trò của khối tư nhân trong hệ sinh thái du lịch.
Tổ chức các chương trình gặp gỡ, khảo sát, giới thiệu sản phẩm, du lịch, đón các đoàn famtrip, KOL từ các thị trường quốc tế truyền thống của Quảng Nam và các thị trường tiềm năng.
Tham gia gian hàng quảng bá tại các Hội chợ du lịch quốc tế. Xây dựng các chương trình kích cầu du lịch. Hợp tác với các OTAs (các đại lý, đơn vị bán phòng khách sạn, tour du lịch, vé máy bay... trên nền tảng trực tuyến) để đẩy mạnh bán sản phẩm du lịch tỉnh Quảng Nam.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp cận thị trường du lịch. Tổ chức các chiến dịch marketing online trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến theo từng thị trường. Phát triển các website giới thiệu điểm đến, sản phẩm dịch vụ của địa phương, doanh nghiệp với phiên bản tiếng nước ngoài để tiếp thị tới thị trường mục tiêu.
Sản xuất các ấn phẩm quảng bá du lịch bằng các thứ tiếng theo từng thị trường mục tiêu. Nội dung, hình ảnh quảng bá phải ấn tượng, thể hiện các nét đặc trưng, nổi bật của địa phương, thực sự là điểm đến an toàn, thân thiện và thú vị đối với khách du lịch quốc tế.
Bên cạnh đó, Kế hoạch cũng đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong nội dung nguồn nhân lực du lịch. Theo đó, thời gian qua, dưới tác động của dịch Covid-19, lực lượng lao động trong ngành du lịch đã có sự dịch chuyển rất lớn, nhiều nhân lực trong ngành đã chuyển sang làm công việc khác do lượng khách trong nước và quốc tế sụt giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp du lịch giải thể, hoạt động cầm chừng... Vì vậy, cần thực hiện các giải pháp tích cực thu hút người lao động lành nghề trở lại doanh nghiệp làm việc đảm bảo số lượng và chất lượng. Trong đó, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 75 (ngày 05.01.2023) của UBND tỉnh về phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2025 đảm bảo đạt mục tiêu đề ra.
Chú trọng tăng cường tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn để nhân lực có thông tin, hiểu biết về đặc thù của các thị trường du lịch mới như: Ấn Độ, Trung Quốc… bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về ngoại ngữ và các kỹ năng liên quan khác để phục vụ khách du lịch quốc tế. Xây dựng phương án tuyển dụng, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ khách du lịch quốc tế.
Trong tháng 1/2023, tổng lượt khách lưu trú trên địa bàn tỉnh Quảng Nam ước đạt 198.000 lượt khách (tăng 9,6% so với tháng trước và tăng gấp 4,3 lần so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, khách quốc tế ước đạt 77.000 lượt (tăng 16,4%). Tổng lượt khách tham quan do các đơn vị lữ hành phục vụ ước đạt 4.800 lượt (tăng 6,9% so với tháng trước và tăng gấp 4,4 lần so với cùng kỳ năm 2022). Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt trên 715 tỉ đồng (tăng 6,2% so với tháng trước và tăng 7,8% so với cùng kỳ)