Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Quảng Nam khắc phục tình trạng thiếu nhân lực ngành Du lịch

28/05/2022 | 16:55

Tại tỉnh Quảng Nam, địa phương đăng cai Năm Du lịch quốc gia năm 2022, lượng du khách đến ngày càng tăng. Tuy nhiên, nguồn nhân lực trong ngành du lịch đang thiếu hụt sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát.

Quảng Nam khắc phục tình trạng thiếu nhân lực ngành Du lịch - Ảnh 1.

Sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hàng chục ngàn lao động ngành du lịch mất việc phải chuyển đổi nghề nghiệp.

Từ cuối tháng 3 đến nay, du khách trong và ngoài nước đến tỉnh Quảng Nam tăng cao, riêng tại đô thị cổ Hội An, trung bình mỗi ngày đón gần 10.000 lượt khách.

Với hàng loạt chuỗi sự kiện đặc sắc trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia 2022, cùng các chính sách kích cầu, Quảng Nam đứng trước cơ hội vàng để khôi phục ngành Du lịch.

Tuy nhiên, sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, khoảng 90% doanh nghiệp lĩnh vực du lịch tại tỉnh này tạm dừng hoạt động, chỉ còn 90 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng và khoảng 14 ngàn lao động mất việc.

Ông Nguyễn Quang, Chủ tịch Hiệp hội Buồng phòng Việt Nam cho biết, đa số người lao động trong ngành Du lịch đã chuyển đổi nghề nghiệp.

"Mỗi nhân viên phải cán đáng khối lượng công việc không chỉ là 100% như bình thường mà mà thậm chí làm việc đến 200%, 300% khối lượng công việc. Do thiếu hụt nhân lực có chất lượng dẫn đến việc các khách sạn nhiều khi phải lấy người của nhau. Đây là một thách thức lớn cho ngành. Thực tế này là yêu cầu rất lớn đối với một người quản lý khách sạn trong tình hình mới hiện nay", ông Quang bộc bạch.

Những ngày qua, Câu lạc bộ Quản lý Buồng phòng Việt Nam thuộc Hiệp hội Khách sạn Việt Nam, tổ chức chương trình đào tạo nghiệp vụ cho nhân viên, quản lý các cơ sở lưu trú là hội viên câu lạc bộ.

Quảng Nam khắc phục tình trạng thiếu nhân lực ngành Du lịch - Ảnh 2.

Mỗi ngày có khoảng 10.000 lượt khách đến đô thị cổ Hội An.

Ông Đỗ Bá Công, Giám đốc Buồng phòng khu nghỉ dưỡng phức hợp Citidines Peal Hội An tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, khoá đào tạo này dù ngắn hạn, nhưng vừa bổ sung kiến thức, kỹ năng mềm trong dịch vụ, vừa cập nhật xu hướng và những thay đổi của du khách.

"Hiện tại sự cạnh tranh giữa các khách sạn rất lớn, các đối thủ cạnh tranh luôn thu hút nguồn nhân lực. Chúng tôi sàng lọc những chương trình đào tạo thiết thực dành cho thế hệ trưởng bộ phận để đạt kết quả tốt nhất và đào tạo lại lao động cho doanh nghiệp của mình, để trong định hương mở cửa các khách sạn thì sẽ không thiếu nguồn nhân lực", ông Bá Công cho hay.

Trong giai đoạn phục hồi du lịch, các địa phương và doanh nghiệp hoạt động trong ngành Du lịch rất cần những chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, ngoài việc xây dựng các sản phẩm du lịch mới, xúc tiến quảng bá sản phẩm, kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch, các địa phương cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng nguồn nhân lực trong thời kỳ khôi phục du lịch.       

"Chúng ta cần phải phát triển nguồn nhân lực để làm sao đáp ứng được đủ số lượng, đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực, thông qua nhiều cơ chế, chính sách để thu hút người lao động quay lại làm việc. Cần đào tạo và đào tạo lại kỹ năng, nghiệp vụ người lao động, đáp ứng được yêu cầu trong bối cảnh mới", ông Nguyễn Trùng Khánh nói. 

Dịch Covid-19 đã tác động và làm thay đổi toàn diện Ngành Du lịch Việt Nam. Cũng như các địa phương trong cả nước, tỉnh Quảng Nam đang rất quan tâm chính sách thu hút nhân lực du lịch từng thôi việc, chuyển đổi nghề nghiệp quay trở lại.

Theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, thời gian qua, tỉnh đã chủ động trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm bù đắp nhân lực du lịch thiếu hụt tại địa phương. Tỉnh Quảng Nam đồng thời xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ để thu hút thêm nhân lực từ các lĩnh vực khác sang phục vụ ngành Du lịch.

"Phải đối mặt với nhiều thách thức từ sự "đóng băng" của ngành du lịch, nhưng tỉnh Quảng Nam luôn luôn tìm mọi cơ hội, từng bước đào tạo nhân lực củng cố lại tổ chức, củng cố lại cơ sở vật chất để sẵn sàng cho ngày hôm nay - khi Việt Nam chính thức mở cửa đón các dòng khách quốc tế, cũng như chính thức mở cửa, phát triển du lịch", ông Lê Trí Thanh nói./.

Theo VOV

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×