Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Quảng Nam: Đưa du khách trở lại với tự nhiên

08/01/2024 | 15:30

Không còn là thông điệp hay chỉ là giải pháp đối phó, du lịch xanh đang dần trở thành thương hiệu cho du lịch Quảng Nam và được du khách đón nhận.

.

Quảng Nam: Đưa du khách trở lại với tự nhiên - Ảnh 1.

Ngày càng nhiều du khách sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường khi đến du lịch tại Hội An.

Du lịch xanh không phải là giải pháp đối phó

Việc đưa ra các sản phẩm, chương trình du lịch bền vững đang giúp một bộ phận doanh nghiệp du lịch, trong đó có các doanh nghiệp lưu trú lớn ở Quảng Nam tạo ra lợi ích kinh tế cho đơn vị lẫn mang lại giá trị và lợi ích cho xã hội, cộng đồng địa phương, góp phần giảm thiểu các tác động tiêu cực lên môi trường.

Tại Silk Sense Hoi An River Resort (phường Cẩm An, TP.Hội An), bên cạnh mật độ xây dựng chỉ 30%, doanh nghiệp còn sử dụng 4.000m2 đất để trồng rau hữu cơ và tạo ra chương trình trải nghiệm cho khách hàng. Điều này giúp doanh nghiệp tăng được giá trị thương hiệu cũng như thu hút khách hàng ở phân khúc cao cấp. Vừa qua, đơn vị này đã được Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cấp giấy khen về việc thực hiện tiêu chuẩn Khách sạn xanh ASEAN 2024.

Qua khảo sát khách hàng tại Silk Sense Hoi An River Resort, 100% khách hàng hài lòng và quan tâm đến các sản phẩm du lịch xanh, các chính sách về bảo vệ môi trường, cụ thể là chính sách thực hiện khách sạn không rác thải nhựa của khu nghỉ dưỡng.

Tại diễn đàn khởi nghiệp du lịch Quảng Nam diễn ra vào cuối năm 2023, đại diện Silk Sense Hoi An River Resort cho rằng, xanh nên là một ý tưởng khởi nghiệp du lịch hơn là một giải pháp đối phó. Doanh nghiệp cần thực hiện theo hướng này với tầm nhìn xa hơn và cam kết sâu sắc.

Du lịch xanh đòi hỏi sự thay đổi trong tư duy kinh doanh và tích hợp nguyên tắc bền vững vào mọi khía cạnh của hoạt động. Điều này không chỉ tạo ra giá trị cho doanh nghiệp mà còn đóng góp vào việc bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững và tạo cơ hội cho du lịch trở nên ý nghĩa tốt đẹp hơn.

Trong khi đó, TUI Blue Nam Hội An (xã Tam Tiến, Núi Thành) với những động thái tích cực về hành trình phát triển xanh, trong đó có việc sở hữu một chuyên viên riêng để sáng tạo, thực thi, thúc đẩy du lịch xanh vừa được Travelife trao tặng chứng chỉ vàng giai đoạn 2023 - 2025 về phát triển du lịch bền vững.

TUI Blue Nam Hội An đang tích cực lan tỏa năng lượng xanh trong du lịch bằng các hoạt động như trồng cây, nhặt rác, làm sạch biển biển; tham gia tour khám phá địa phương bằng phương tiện không xả khí carbon (như tour đi bộ đến chợ cá Tam Tiến hay tour xe đạp đến làng bích họa Tam Thanh), tái chế bọc nhựa để làm túi xách…

Trở lại với tự nhiên

Kết quả nghiên cứu của nền tảng du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới booking.com sau khi phỏng vấn 29 nghìn khách hàng ở 30 quốc gia cho thấy: 84% muốn giảm lượng rác thải chung, 83% muốn giảm mức tiêu thụ năng lượng (ví dụ tắt điều hòa và đèn khi họ không ở trong phòng) và 79% muốn sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường hơn như đi bộ, đi xe đạp hoặc phương tiện giao thông công cộng thay vì taxi hoặc xe cho thuê.

Tính tôn trọng cộng đồng địa phương của du khách cũng thể hiện rất cao khi có đến 73% du khách muốn có những trải nghiệm đích thực đại diện cho văn hóa địa phương, 84% tin rằng việc tăng cường hiểu biết văn hóa và bảo tồn di sản văn hóa là rất quan trọng và 76% muốn đảm bảo tác động kinh tế của ngành du lịch được trải đều trong mọi tầng lớp xã hội.

Quy hoạch ngành du lịch phát triển đều khắp trên 4 không gian là con đường tất yếu của du lịch Quảng Nam. Bao gồm: không gian du lịch di sản văn hóa - lịch sử; không gian phát triển du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe kết hợp hoạt động thương mại, vui chơi giải trí, thể thao tại các khu vực ven sông, ven biển, hải đảo; không gian phát triển du lịch sinh thái kết hợp tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc tại các huyện miền núi phía Tây của tỉnh; không gian phát triển du lịch nông thôn ở những khu vực có điều kiện, du lịch xanh gắn với tự nhiên.

Theo ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, đã đến lúc cần thúc đẩy nâng cao nhận thức chuyển đổi từ góc độ chọn con người làm trung tâm, sang nhận thức xác định sự vận hành vật lý của tự nhiên là trung tâm để vận dụng sáng tạo trong xây dựng sản phẩm du lịch thuận với tự nhiên.

“Nghĩa là sản phẩm du lịch - dịch vụ phải thỏa mãn nhu cầu trở về với vận hành của tự nhiên, môi trường sống vốn có trên nền tảng chất liệu núi - rừng - dòng sông - cánh đồng, thử nghiệm kỹ năng sinh tồn hay tiết giảm các nguyên liệu có nguồn gốc từ năng lượng hóa thạch.

Cũng có thể là thiết lập sản phẩm cung cấp sự trải nghiệm cho du khách trở lại tính nguyên bản của sự sống thông qua chất liệu văn minh nông nghiệp thuận nhiên - truyền thống, trồng trọt - thu hoạch, nuôi dưỡng - đánh bắt bền vững, trải nghiệm nghề thủ công truyền thống, trải nghiệm văn hóa cội nguồn và tính khác biệt văn hóa” - ông Thanh nói.

Theo Báo Quảng Nam

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×