Quảng Nam đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia mộ cụ Đỗ Đăng Tuyển
17/05/2024 | 07:29Sáng 14/5, tại xã Đại Cường, UBND huyện Đại Lộc tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia mộ cụ Đỗ Đăng Tuyển.
Tham dự lễ có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh, lãnh đạo Sở VHTTDL cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh, huyện Đại Lộc, các tướng lĩnh là người con Đại Lộc qua các thời kỳ, đại diện gia tộc cụ Đỗ Đăng Tuyển.
Chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển (1856 - 1911) sinh ra và lớn lên ở làng Ô Gia, xã Đại Cường. Ông từng giữ một chức quan nhỏ ở triều đình nhà Nguyễn. Khi thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, ông từ quan về quê. Năm 1885, vua Hàm Nghi phát động phong trào Cần Vương, Đỗ Đăng Tuyển tham gia Nghĩa hội Quảng Nam - một phong trào hưởng ứng chiếu Cần Vương tại Quảng Nam. Ông được giao chức Tán tương quân vụ chuyên phụ trách vận động lương thực, tiền bạc cho các hoạt động của Nghĩa hội. Năm 1904, ông là một trong 5 thành viên tham gia sáng lập Duy Tân hội.
Năm 1910, ông bị chính quyền tay sai và thực dân Pháp bắt giữ và đưa tới nhà lao Lao Bảo (Quảng Trị) giam cầm. Tại đây, ông đã tuyệt thực hơn 1 tuần và hy sinh vào ngày 2/5/1911.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh cho biết, Đại Lộc là nơi khởi xướng nhiều phong trào đấu tranh cách mạng, là căn cứ địa của phong trào Nghĩa hội, là ngọn cờ đầu của phong trào chống sưu thuế 1908, và là mảnh đất khởi phát nhiều chiến thắng nổi tiếng trong lịch sử. Việc Bộ VH-TT&DL công nhận xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia đối với mộ chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển là sự trân trọng và tôn vinh xứng đáng đối với những cống hiến to lớn của chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển đối với phong trào cách mạng giải phóng dân tộc. Đây là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh, huyện Đại Lộc, xã Đại Cường và gia tộc cụ Đỗ Đăng Tuyển.
Dịp này, Huyện ủy Đại Lộc cũng phát hành tập sách Chí sĩ yêu nước Đỗ Đăng Tuyển - Cuộc đời và sự nghiệp. Tập sách là những bài phát biểu, bài viết của các nhà nghiên cứu lịch sử, các cơ quan, đơn vị, địa phương về cuộc đời, những đóng góp to lớn của chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển đối với các phong trào cách mạng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.