Quảng Nam: Đón Bằng công nhận Di tích cấp tỉnh nhà thờ Tiền hiền làng Hiền Lương
19/05/2018 | 15:49Sáng 19/5, UBND xã Bình Giang (Thăng Bình) tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đối với nhà thờ Tiền hiền làng Hiền Lương.
Theo tài liệu lưu trữ tại các nhà thờ tộc trong làng, xưa làng có tên gọi Đăng Lương, thuộc tổng An Thạnh Hạ, huyện Lễ Dương; qua vài lần thay đổi, đến thời vua Thành Thái, làng mang tên là Hiền Lương, tên gọi đó tồn tại đến bây giờ.
Buổi đầu thành lập, làng gồm 5 tộc tiền hiền là Nguyễn Đình, Phan Văn, Hồ, Lê và Nguyễn Chiếm. Những người trong các tộc này theo vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, sau đó ở lại lập làng khai xứ. Nơi vùng đất mới, các tiền hiền tộc, họ chiêu mộ người thân, bà con hàng xóm vào cùng khai phá vùng đất.
Dần dà, dân cư đông đúc, các tộc họ xây dựng đình làng, lăng miếu thờ thần hoàng, thổ địa như lăng Mục Đồng, lăng Tam Dị, miếu Bà Vàng, lăng Bà; huy động dân đinh đắp đập ngăn sông Ly Ly dẫn nước về tưới tiêu đồng ruộng Hiền Lương, đồng Tràm, Trà Đình, Bông Lãnh, An Lạc… Năm Tự Đức thứ 7 (1854), cả 5 vị Tiền hiền được vua ban sắc phong là Dực Bảo Trung Hưng Linh/Binh Phò/Phù Chi thần.
Ngày nay, nhà thờ Tiền hiền làng Hiền Lương tọa lạc trên khuôn viên rộng 5.500m2. Dù qua nhiều lần trùng tu, kiến trúc không còn nguyên vẹn nhưng vẫn thể hiện vẻ trang nghiêm, cân xứng. Nội điện gian thờ chính trưng bày 3 bức hoành phi gồm “Tiền hiền khai cơ” (bức giữa), “Tiền nhân khai khẩn công tiền liệt” (bức trái) và “Hương địa triệu hồi đức hậu thâm” (bức phải). Sát tường phải lưu giữ một tấm bia bằng chất liệu xi măng khắc chữ Hán ghi lại quá trình trùng tu nhà thờ và tên tuổi những người đứng ra vận động, quyên góp tiền để tu bổ, tôn tạo nhà thờ.
Mùng 7 tháng Giêng hàng năm, người dân làng Hiền Lương sinh sống làm việc khắp nơi lại tập trung về nhà thờ thành kính dâng hương, lễ vật nhằm tri ân công đức tiền nhân đã có công lập làng khai xứ.
Việc công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh nhà thờ Tiền hiền làng Hiền Lương không chỉ giúp tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng cư dân làng, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để địa phương huy động các nguồn lực để tu bổ, phục dựng lại kiến trúc nhà thờ cũng như các di tích xung quanh trong quần thể trước đây. Qua đó biến nơi đây trở thành điểm đến sinh hoạt tâm linh để bà con nhân dân cùng hướng về cội nguồn tiên tổ.
Theo Báo Quảng Nam