Quảng Nam: Đề xuất tạm dừng tu bổ tháp Nam, nghiên cứu thêm giải pháp khắc phục
05/06/2024 | 15:04Liên quan đến báo cáo cùng các đề xuất, kiến nghị của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam (gọi tắt BQL) về hiện tượng nổi muối, mủn bề gạch sau tu bổ tại các tháp thuộc khu di tích tháp Chăm Khương Mỹ, UBND tỉnh này đã giao các Sở, ngành, đơn vị liên quan tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến để triển khai thực hiện.
Trước đó, BQL dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo về tình hình triển khai xây dựng các dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi khu di tích tháp Chăm Khương Mỹ. Cụ thể, BQL được UBND tỉnh Quảng Nam giao nhiệm vụ đầu tư thực hiện 2 dự án thuộc khu di tích tháp Chăm Khương Mỹ, trong đó, dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi tháp Bắc, tháp Giữa, hạng mục phần thân tháp và cửa hướng Đông đã hoàn thành bàn giao, đang thực hiện công tác quyết toán. Dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi tháp Nam, hạng mục phần thân tháp và cửa hướng Đông, đến nay đã thực hiện xong công tác phê duyệt thiết kế dự toán.
Theo ông Huỳnh Xuân Sơn, Giám đốc BQL, quá trình triển khai dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi tháp Bắc, tháp Giữa; hạng mục phần thân tháp và cửa hướng Đông đảm bảo đầy đủ các quy trình, quy định hiện hành. Tuy nhiên, sau thời gian hoàn thành trên bề mặt tháp xuất hiện hiện tượng nổi muối và mủn bề mặt gạch sau tu bổ. Liên quan vấn đề này, Viện Khoa học công nghệ Xây dựng (đơn vị thi công dự án) đã tiến hành khảo sát và lấy mẫu phân tích tháp Khương Mỹ, đồng thời kiểm tra hồ sơ, tài liệu đã nghiên cứu, khảo sát trước đây và hiện nay về các tháp khác có hiện tượng nổi muối và mủn bề mặt gạch giống tháp Khương Mỹ trên địa bàn miền Trung, Tây Nguyên (như tháp Podam, Po Sah Inu, Bình Thuận, Po Nagar, Khánh Hòa, tháp Nhạn, Phú Yên, tháp Cánh Tiên, tháp Đôi, Bình Định, nhóm tháp H Mỹ Sơn - Quảng Nam) để tìm nguyên nhân.
Sau thời gian tìm hiểu, phân tích, tính toán, so sánh Viện Khoa học công nghệ Xây dựng đã có báo cáo nguyên nhân xuất hiện các hiện tượng trên ở các tháp là do cơ chế ăn mòn hóa học, trong môi trường tồn tại hai yếu tố SO4-2 và CL-. Tuy nhiên hiện tượng này xuất hiện ở tháp Khương Mỹ xảy ra sớm hơn và thấy rõ hơn là do ở gần biển hơn và ảnh hưởng bởi mực nước ngầm kênh thủy lợi của hồ Phú Ninh chạy gần tháp. Từ đó, Viện Khoa học công nghệ Xây dựng đề xuất giải pháp khắc phục, cụ thể như: Tăng thời gian bảo hành công trình, định kỳ vệ sinh để loại bỏ muối bám trên bề mặt và rêu bám, thay thế các viên gạch ở vùng tiếp giáp giữa 2 khối xây cũ, mới bị mủn bằng các viên gạch được nung cường độ lớn hơn (nung già hơn, độ rắn chắc cao hơn), Tuy nhiên, các giải pháp trên cũng chỉ là giải pháp tạm thời, chỉ làm giảm tốc độ nổi muối và mủn bề mặt gạch sau tu bổ. Hiện tượng nổi muối và mủn bề mặt gạch sau tu bổ các tháp là hiện tượng khách quan và gần như không thể khắc phục nếu vẫn sử dụng giải pháp gia cường khối xây bằng gạch phục chế.
Ông Sơn cho biết thêm, BQL đã có văn bản đề nghị Trung tâm kỹ thuật công nghệ bảo tồn di tích; Viện bảo tồn di tích (Bộ VHTTDL) khẩn trương lập quy trình bảo trì, bảo quản cho dự án nói trên. Về dự án bảo tồn, tu bổ phục hồi tháp Nam; hạng mục phần thân tháp và cửa hướng Đông, BQL đã có văn bản đề nghị Công ty TNHH MTV thiết kế và xây dựng Mỹ Gia khẩn trương rà soát, khảo sát, đánh giá kỹ lại hiện trạng công trình. Nghiên cứu các giải pháp can thiệp tu bổ thích hợp để đề xuất bổ sung các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả dự án, khắc phục tình trạng sớm xảy ra các hiện tượng nổi muối và mủn gạch như đã xảy ra tại Tháp Bắc và Tháp Giữa, nhất là giải pháp bảo quản sau khi tu bổ.
Được biết, hiện nay tư vấn đang phối hợp triển khai thực hiện, tuy nhiên theo ý kiến tư vấn việc này cần phải có thời gian. BQL đã có văn bản đề nghị các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nội dung nêu trên. Theo ý kiến của Sở Xây dựng, việc thực hiện các nội dung trên cần rất nhiều thời gian. Xuất phát từ thực tế đó, BQL dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam kiến nghị UBND tỉnh cho phép tạm dừng việc triển khai thực hiện dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi tháp Nam, hạng mục phần thân tháp và cửa hướng Đông. Đồng thời giao cho các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất thêm các giải pháp khắc phục cơ bản hiện tượng nổi muối, mủn bề mặt gạch. Sau khi có kết quả khoa học chính xác sẽ tiếp tục tổ chức tiến hành tu bổ tại hiện trường. Tuy nhiên, khả năng tháp có nguy cơ sụp đổ rất cao cho nên việc nghiên cứu phải trong thời gian nhất định.
Trong trường hợp vẫn không tìm được các giải pháp khắc phục cơ bản hiện tượng nói trên thì tiếp tục thực hiện dự án và xác định các hiện tượng này là đương nhiên để có cơ sở thông tin rộng rãi với các cơ quan, nhân dân được biết trước khi triển khai dự án trở lại.
Đối với dự án tháp Bắc, tháp Giữa, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, địa phương có di tích, các cơ quan truyền thông để thông tin rộng rãi về nguyên nhân xuất hiện hiện tượng nổi muối và mủn bề mặt gạch sau tu bổ.