Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Quảng Nam đề xuất miễn vé tham quan phố cổ Hội An và Mỹ Sơn

29/02/2020 | 09:28

Quảng Nam đề xuất miễn vé tham quan phố cổ Hội An và Mỹ Sơn; Khánh Hòa có thể giảm giá đến 50% cho khách lẻ để kích cầu du lịch; Bình Định và những kết quả ghi nhận trong thực hiện Đề án Kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam, giai đoạn 2017 - 2020 là những điểm tin văn hóa, du lịch nổi bật tại các tỉnh Quảng Nam, Khánh Hòa và Bình Định.

Quảng Nam đề xuất miễn vé tham quan phố cổ Hội An và Mỹ Sơn - Ảnh 1.

Vẻ đẹp Sông Hoài lung linh giữa Phố cổ Hội An. (Nguồn: austinvietmartyrs.org)

Quảng Nam: Đề xuất miễn vé tham quan phố cổ Hội An và Mỹ Sơn

Nhằm kích cầu du lịch trước những ảnh hưởng của dịch Covid- 19 , Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam đề xuất miễn vé tham quan tại phố cổ Hội An và Mỹ Sơn trong thời gian tháng 3 và tháng 4 năm 2020. Đây là một trong số nội dung được đưa ra tại cuộc họp của UBND tỉnh Quảng Nam tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch tháng 2/2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam ước đạt 340.000 lượt khách, giảm 42,9% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 273.000 lượt khách, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019; khách nội địa ước đạt 67.000 lượt khách, giảm 63,19% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu từ tham quan, lưu trú du lịch tháng 2/2020 ước đạt 294 tỉ đồng, giảm 30,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Trước tình hình này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ, kích cầu du lịch. Trong đó, sở đưa ra đề nghị miễn vé tham quan phố cổ Hội An, di tích Mỹ Sơn cho khách du lịch có lưu trú tại Quảng Nam thông qua các cơ sở lưu trú. Ngoài ra, sở cũng đề nghị có chính sách 5 khách giảm 1 vé tham quan đối với khách không lưu trú tại Quảng Nam. Thời gian thực hiện trong tháng 3 và tháng 4 năm 2020.

Khánh Hòa có thể giảm giá đến 50% cho khách lẻ để kích cầu du lịch

Tin từ Cổng thông tin điện từ tỉnh Khánh Hòa cho biết, Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa vừa ban hành quy chế tham gia chương trình kích cầu du lịch 2020. Theo đó, các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khu ẩm thực, dịch vụ vui chơi giải trí, đơn vị vận chuyển hàng không, đường bộ, đường thủy, các công ty lữ hành sẽ cùng tham gia chương trình kích cầu du lịch của ngành du lịch Khánh Hòa.

Quảng Nam đề xuất miễn vé tham quan phố cổ Hội An và Mỹ Sơn - Ảnh 2.

Lặn biển là một trong những dịch vụ sẽ được giảm giá để kích cầu du lịch. (Nguồn: Khanhhoa.gov.vn)

Các đơn vị cam kết giảm giá dịch vụ, sản phẩm dành cho khách lẻ (tự đặt dịch vụ) từ 10-50% trên giá công bố; giảm 10-30% so với giá đã giảm cho khách lẻ đối với các công ty lữ hành, công ty du lịch tham gia chương trình kích cầu. Các đơn vị tham gia kích cầu phải cam kết không được cắt giảm số lượng và chất lượng dịch vụ. Thời gian áp dụng kích cầu giai đoạn 1 từ nay đến hết ngày 31/8.

Hiện nay, Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa đang triển khai cho các doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình. Dự kiến, Hiệp hội sẽ tổ chức họp báo thông tin về chương trình kích cầu du lịch sau khi cơ quan chức năng công bố Khánh Hòa hết dịch khoảng 2 ngày. Các công ty lữ hành của Chi hội lữ hành (thuộc Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa) sẽ thực hiện bán tour ngay sau khi địa phương được công bố hết dịch.

Bình Định kết quả thực hiện Đề án Kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam, giai đoạn 2017 - 2020

Sở VHTTDL Bình Định vừa có văn bản gửi Bộ VHTTDL báo cáo kết quả thực hiện Đề án Kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số Việt Nam, giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh

Cụ thể, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh ở vùng dân tộc thiểu số: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 15 di tích nằm trong vùng các dân tộc thiểu số đã được xếp hạng, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia, một số di tích đã được đưa vào khai thác sử dụng phục vụ giáo dục truyền thống, tiêu biểu như: Di tích Gộp Nước Ló, di tích nơi thành lập Trung đoàn 96 ở huyện Vĩnh Thạnh, di tích chiến thắng An Lão, di tích Thuận Ninh huyện Tây Sơn, di tích Đồn Khố Xanh huyện Vân Canh…  cùng hàng trăm hiện vật, dụng cụ sinh hoạt và nhạc cụ truyền thống được bảo tồn và phát huy hiệu quả; nghề dệt vải, đan lát truyền thống đã được khôi phục và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của đồng bào dân tộc thiểu số; trang phục sinh hoạt truyền thống của dân tộc đã được lớp trẻ đón nhận.

Công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vật thể: Công tác hỗ trợ xây dựng, tôn tạo nhà rông luôn được các địa phương duy trì hàng năm từ nhiều nguồn vốn khác nhau; Công tác giới thiệu, quảng bá di sản nhà rông, nhạc cụ truyền thống luôn được thể hiện qua các lễ hội dân gian, ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc thiểu số miền núi cấp huyện, cấp tỉnh, cũng như các hoạt động văn hóa trên địa bàn…

Quảng Nam đề xuất miễn vé tham quan phố cổ Hội An và Mỹ Sơn - Ảnh 3.

Ảnh minh họa. (Nguồn: baobinhdinh.vn)

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm triển khai thực hiện trong cộng đồng. Chữ viết của 3 dân tộc Chăm H'roi, Bana Kriêm, Hrê đã được nghiên cứu, biên soạn, đưa vào giảng dạy trong các trường dân tộc nội trú. Hoàn thành các đề tài nghiên cứu về văn hóa như: "Nghiên cứu văn hóa làng của người Bana Kriêm ở Bình Định", "Nghiên cứu văn hóa cổ truyền người Chăm ở huyện Vân Canh", "Sưu tầm, nghiên cứu văn hóa làng người H'rê ở Bình Định". Nhiều lễ hội truyền thống điển hình đã được kiểm kê, bảo tồn và phát huy như "Đám cưới cổ truyền dân tộc H'rê ở xã An Vinh huyện An Lão", "Đám cưới cổ truyền của người Bana K'riêm ở huyện Vĩnh Thạnh", " Lề cầu mưa dân tộc Chăm H'roi huyện Vân Canh", "Lễ ăn mừng lúa mới dân tộc Bana Kriêm ở xã BókTới huyện Hoài Ân", "Sinh hoạt âm nhạc dân gian người H'rê ở xã An Trung huyện An Lão", " Lễ đổ đầu người Chăm H'roi làng Suối Mây, thị trấn Vân Canh", "Lễ ăn trâu tạ ơn của người Bana Kriêm làng Kon TơLok ở huyện Vĩnh Thạnh" đã được phát huy những nét đẹp trong quá trình sinh hoạt văn hóa làng, ngày hội văn hóa cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh và khu vực./.

Anh Vũ (t/h)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×