Quảng Nam đề xuất đăng cai Năm Du lịch Quốc gia 2021
19/03/2020 | 09:01Quảng Nam đề xuất đăng cai Năm Du lịch Quốc gia 2021; Bình Định tạm dừng đón khách tại các điểm tham quan, du lịch; Triển khai thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong ngành du lịch tỉnh Bình Định là những điểm tin du lịch nổi bật tại hai tỉnh Quảng Nam và Bình Định.
Quảng Nam đề xuất đăng cai Năm Du lịch Quốc gia 2021
UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản số 1370/UBND-KGVX gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2021.
Văn bản nêu rõ, thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa – du lịch quy mô quốc gia và quốc tế, với nhiều nội dung, hình thức phong phú và đa dạng.
Giai đoạn 2009 – 2019, ngành du lịch tỉnh Quảng Nam tốc độ tăng trưởng khá cao, đạt bình quân 13,55%/năm. Năm 2019, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch đạt 7.790.000 lượt khách, tăng 19,48% so với cùng kỳ năm 2018. Đến nay, toàn tỉnh có 731 cơ sở lưu trú du lịch với 13.860 phòng và 94 đơn vị hoạt động kinh doanh lữ hành. Khu phố cổ Hội An, một số khu nghỉ dưỡng, sân golf thường xuyên được bình chọn là điểm đến tốt nhất, an toàn và thân thiện từ các Tạp chí danh tiếng trong nước và quốc tế…
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng rất nặng nề đến ngành du lịch, nhằm tiếp tục quảng bá hình ảnh văn hóa – du lịch Quảng Nam, thực hiện đạt mục tiêu Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị và Nghị Quyết số 08-NQ/TU ngày 27/12/2016 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét trình Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương cho phép Quảng Nam đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2021, kết hợp với Lễ hội Quảng Nam – Hành trình di sản lần thứ VII và Hội thi hợp xướng quốc tế./.
Bình Định tạm dừng đón khách tại các điểm tham quan, du lịch
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, UBND tỉnh Bình Định vừa có Công văn gửi Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Du lịch; UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tạm dừng hoạt động đón tiếp khách tham quan, du lịch tại các điểm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, các khu, điểm, địa điểm du lịch trên địa bàn tỉnh kể từ ngày 17/3/2020 cho đến khi có thông báo hoạt động trở lại.
Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Y tế, Công an tỉnh và các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành việc tạm dừng các hoạt động nêu trên theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời đảm bảo các hoạt động an toàn phục vụ khách khi hoạt động trở lại.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị
Sở Du lịch tỉnh Bình Định đã ban hành Kế hoạch số 151/KH-SDL ngày 16/3 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư trong ngành du lịch tỉnh Bình Định.
Cụ thể, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025: 100% các phòng, đơn vị trực thuộc Sở cơ bản đáp ứng công tác tham mưu, quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch trong xu hướng phát triển của CMCN lần thứ tư (chuyển đổi số, dịch vụ công trực tuyến…); cơ bản hoàn thành một số sản phẩm du lịch thông minh trên nền tảng công nghệ (cổng thông tin du lịch, ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động…).
Đến năm 2030: Nguồn nhân lực ngành du lịch đáp ứng được nhu cầu quản lý, có sản phẩm, dịch vụ chất lượng, hàm lượng ứng dụng khoa học và công nghệ cao trong xu thế phát triển của CMCN lần thứ tư; tham gia Chính quyền điện tử, đô thị thông minh tỉnh Bình Định.
Tầm nhìn đến năm 2045: Chất lượng nguồn nhân lực du lịch của tỉnh đáp ứng được nhu cầu tiếp nhận các công nghệ thông minh, hiện đại; có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với hiệu quả cao.
Để đạt được các mục tiêu trên đây, một số nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra để triển khai thực hiện gồm: Đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và các doanh nghiệp du lịch; Thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu của ngành du lịch; Nâng cao hiệu quả quản lý điểm đến du lịch, phát triển điểm đến du lịch thông minh; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch; Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức về ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch./.