Quảng Nam đầu tư hơn 90,94 tỉ đồng tu bổ các di tích được xếp hạng
12/05/2022 | 16:06Quảng Nam vừa có quyết định triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh này quy định cơ chế hỗ trợ đầu tư, tu bổ các di tích được xếp hạng trên địa bàn giai đoạn 2022-2025.
Theo đó, sẽ dành hơn 90,94 tỉ đồng để tu bổ, tôn tạo di tích nhằm đưa các di tích đang bị xuống cấp, có nguy cơ hư hại về trạng thái an toàn, trên cơ sở tôn trọng yếu tố gốc và đảm bảo tính chân xác trong công tác bảo tồn di tích góp phần phát huy giá trị di tích.
Tổng nguồn kinh phí triển khai thực hiện 90.940.000.000 đồng, trong đó phân bổ hỗ trợ đầu tư, tu bổ các di tích quốc gia đặc biệt 19,8 tỉ đồng; các di tích quốc gia 43,3 tỉ đồng, nguồn vốn thực hiện các di tích này sẽ từ nguồn kinh phí ngân sách tỉnh; các di tích cấp tỉnh 27,84 tỉ đồng, nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, nguồn đối ứng từ ngân sách địa phương và nguồn vốn xã hội hóa. Theo Nghị quyết, danh mục các di tích được hỗ trợ đầu tư, tu bổ gồm: 2 di tích quốc gia đặc biệt là Phật viện Đồng Dương ( xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình); đèo Bù Lạch, di tích thành phần thuộc di tích quốc gia đặc biệt Đường Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh ( xã A Nông, huyện Tây Giang).
8 di tích quốc gia: Địa đạo Kỳ Anh (xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ); Tháp Chăm Bằng An (xã Điện An, thị xã Điện Bàn); Khu di tích căn cứ Phước Trà (xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức); Tháp Chăm Chiên Đàn (xã Tam An, huyện Phú Ninh); Địa đạo Phú An - Phú Xuân (xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc); Địa điểm chiến thắng Cấm Dơi (xã Đông Phú, huyện Quế Sơn); mộ Tổng đốc Hoàng Diệu (xã Điện Quang, TX Điện Bàn), Làng cổ Lộc Yên (xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước). Xây dựng nhà bia tại 3 di tích: Địa điểm Khởi phát phong trào chống thuế ở Quảng Nam và các tỉnh Trung Kỳ năm 1908 (xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc); Di chỉ Bãi Ông (xã Tân Hiệp, TP Hội An); Nhà thờ Ngũ xã Trà Kiệu (xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên); Đầu tư tu bổ 28 di tích cấp tỉnh; Dựng bia tại 39 di tích cấp tỉnh;
Thời gian thực hiện từ năm 2022 đến hết năm 2025 theo các phân kỳ đầu tư cụ thể, năm 2023 đầu tư 31,14 tỉ đồng; năm 2024 đầu tư 28,8 tỉ đồng; năm 2025 đầu tư 31 tỉ đồng. Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở VHTTDL tỉnh căn cứ định mức kinh phí và danh mục di tích cần được tu bổ theo Nghị quyết, hằng năm chủ trì, phối hợp với Sở KH&ĐT, các địa phương đánh giá cụ thể tình hình, mức độ xuống cấp của di tích, xây dựng kế hoạch tu bổ di tích, trình UBND tỉnh phê duyệt. Tùy tình hình thực tế và khả năng cân đối của ngân sách, có thể điều chỉnh số lượng di tích được tu bổ hằng năm cho phù hợp, đảm bảo không vượt tổng mức đầu tư tu bổ di tích đã được phê duyệt tại Nghị quyết. Đối với những nội dung phát sinh trong quá trình thực hiện Nghị quyết, báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định.
Đồng thời giao Sở VHTTDL chủ trì, phối hợp với Sở, ngành, đơn vị liên quan hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố về quy trình, thủ tục lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư tu bổ di tích theo quy định. Đôn đốc, kiểm tra, thỏa thuận Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư tu bổ di tích cấp tỉnh; kiểm tra, rà soát trình UBND tỉnh báo cáo Bộ VHTTDL thoả thuận Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư tu bổ di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia theo quy định… Được biết, vào đầu tháng 4.2022, UBND tỉnh Quảng Nam cũng ban hành công văn yêu cầu các Sở, Ban, ngành, địa phương tăng cường quản lý hoạt động bảo quản, tu bổ phục hồi di tích lịch sử- văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Công văn số 1083 của Bộ VHTTDL.