Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Quảng Nam: Chú trọng bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa một cách bền vững

28/01/2020 | 15:34

Tỉnh Quảng Nam đã đạt được những thành quả đáng nghi nhận trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa nói chung, hai di sản văn hóa thế giới Khu di tích Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An, khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An nói riêng. Để hiểu hơn về lĩnh vực này, phóng viên có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam.

Quảng Nam: Chú trọng bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa một cách bền vững - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam.

Ông có thể điểm qua những hoạt động nổi bật trong lĩnh vực văn hóa của Ngành đã đạt được trong năm 2019?

- Năm 2019 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thành kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020) và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI. Đồng thời, cũng là năm toàn ngành đã tập trung kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ-/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả các đơn vị sự nghiệp công lập. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 03/12/2018 của Tỉnh ủy về phương hướng, nhiệm vụ năm 2019, Chương trình công tác năm 2019 của UBND tỉnh, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), toàn ngành đã tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao và đạt được những kết quả quan trọng trong lĩnh vực văn hóa như sau:

Tham mưu trình HĐND tỉnh thông qua: Đề án "Điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết 161/2015/NQ-HĐND ngày 07/7/2015 của HĐND tỉnh về đầu tư tu bổ di tích quốc gia và di tích cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016-2020; Đề án "Đặt tên, điều chỉnh giới hạn một số đường tại thành phố Tam Kỳ và thị trấn Tân An huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam"; Đề án "Đổi tên đường Võ Chí Công tại thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên và đặt tên đường ven biển 129, tỉnh Quảng Nam".

Sở VHTTDL phối hợp với Vụ Văn hóa dân tộc, Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ VHTTDL) tổ chức tập huấn tuyên truyền phổ biến pháp luật cho cán bộ văn hóa xã, nghệ nhân, già làng, trưởng thôn, bản thuộc các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo tại huyện Phước Sơ; tổ chức lớp truyền dạy hát Sắc bùa qua mô hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại huyện Duy Xuyên. Phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức trưng bày chuyên đề "Huyền thoại đội quân tóc dài"…

Trên lĩnh vực di sản, di tích: Đã trình và được cấp có thẩm quyền xếp hạng 15 di tích (trong đó có 13 di tích cấp tỉnh và 02 di tích cấp quốc gia). Phối hợp với huyện Thăng Bình tổ chức Lễ công bố quyết định và đón bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với Di tích Phật viện Đồng Dương; Phối hợp với huyện Tiên Phước tổ chức Lễ đón nhận bằng Di tích cấp quốc gia Địa điểm cuộc đấu tranh Cây Cốc và Làng cổ Lộc Yên. Đồng thời phối hợp với các huyện, thị xã liên quan tổ chức Lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích cấp tỉnh trong năm 2019.

Đặc biệt, tham mưu và tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 20 năm Đô thị cổ Hội An, Khu Đền tháp Mỹ Sơn được công nhận là Di sản văn hóa thế giới và 10 năm Cù Lao Chàm - Hội An được công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới với hơn 40 hoạt động do tỉnh và các huyện tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về giá trị của di sản mà còn góp phần thu hút khách tham quan, du lịch.

Quảng Nam: Chú trọng bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa một cách bền vững - Ảnh 2.

Đô thị cổ Hội An nhìn từ trên cao. Ảnh: Nam Nguyễn

Năm 2019, Quảng Nam đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 20 năm Đô thị cổ Hội An, Khu Đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới và 10 năm Cù Lao Chàm Hội An được công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới. Ông có thể cho biết công tác bảo tồn và phát huy các di sản này trong những năm qua?

- Để tiếp tục bảo tồn, phát huy một cách bền vững các di sản văn hóa nói chung, hai di sản văn hóa thế giới Khu di tích Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An, khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An nói riêng, trong những năm qua tỉnh Quảng Nam đã có những thành quả trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, như sau:

Đối với Khu Đền tháp Mỹ Sơn: Đã tiếp nhận, hợp tác với các tổ chức, đơn vị và cá nhân trong và ngoài nước như Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO), tổ chức Jica (Nhật Bản), Lerici Fondation (Italia),Trường đại học Milan, văn phòng UNESCO Hà Nội, Viện ASI (Ấn Độ)…, các cơ quan liên quan của TW như Viện Bảo tồn di tích, Viện Khảo cổ, Cục Di sản văn hóa thực hiện nhiều dự án trọng điểm như: Dự án của tổ chức Lerici Foundation thông qua tổ chức UNESCO tài trợ 200.000 USD (năm 1999 khoảng 1.950 triệu đồng) thực hiện chương trình thông tin địa lý (GIS) cho Khu di sản Mỹ Sơn; Dự án hợp tác với tổ chức America Express tài trợ thông qua Quỹ Di sản thế giới 75.000 USD (năm 2002) cùng với viện Khảo cổ học tiến hành khai quật 02 đợt (2002 và 2005) khơi thông dòng suối Khe Thẻ đoạn chảy qua giữa khu A và khu BCD, nhằm chống sạt lở nhóm tháp A; Dự án xây dựng Nhà Trưng bày Mỹ Sơn từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản thông qua tổ chức JICA, số tiền 299 triệu yên (tương đương 43 tỷ đồng Việt Nam năm 2005), nhằm cung cấp thông tin, giới thiệu tổng quan về Mỹ Sơn, góp phần quảng bá hình ảnh Mỹ Sơn, nâng cao nhận thức của người dân về di tích này; Dự án hợp tác ba bên UNESCO - Việt Nam - Italia về "Thuyết trình và đào tạo các tiêu chuẩn quốc tế về bảo tồn nhóm tháp G Mỹ Sơn" đã trải qua 03 giai đoạn trùng tu, tôn tạo từ năm 2003 đến năm 2013 với tổng kinh phí hơn 1,3 triệu USD. Dự án đã góp phần quan trọng vào việc gia cố chống xuống cấp và từng bước định hình lại nguyên trạng nhóm tháp G.

Ngoài ra, còn có các Dự án: Dự án Ấn Độ trùng tu nhóm tháp K,H,A khu di tích Mỹ Sơn, từ năm 2015 đến năm 2020 góp phần cứu vãn các nhóm tháp K,H, A có nguy cơ sụp đổ và định dạng lại các kiến trúc để tạo bền vững di tích và phát huy giá trị thu hút khách; Dự án đầu tư bảo tồn, tu bổ cấp thiết một số hạng mục thuộc khu tháp E, F Mỹ Sơn trong chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó hoàn thành việc trùng tu tháp E7 (khởi công từ tháng 6/2011 và đến tháng 5/2013 hoàn thành); Dự án "Trung tâm đào tạo, bảo tồn di tích văn hóa tỉnh Quảng Nam" trùng tu tháp G4 và khai quật khảo cổ nhóm tháp L.

Thực hiện đề tài khoa học cấp quốc gia "Đa dạng sinh thái rừng đặc dụng Mỹ Sơn" với nhiều hạng mục công việc liên quan như kè sinh thái suối Khe Thẻ, tái tạo hàng chục ha rừng tự nhiên, nghiên cứu thủy văn suối Thẻ…; Xác lập Đề án rừng cảnh quan di tích Mỹ Sơn tiến tới việc giao đất, giao rừng, cắm mốc bảo vệ 1.158ha diện tích rừng tự nhiên Mỹ Sơn theo Quyết định 1915 của Thủ tướng chính phủ; Dự án dịch thuật, chuyển ngữ văn bia Chăm được thực hiện với sự hợp tác của các chuyên gia Trung tâm văn hóa Newdeli (Ấn Độ); Đề án Quy hoạch tổng thể Mỹ Sơn giai đoạn 2008 - 2020 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt năm 2008; Kế hoạch Quản lý Khu Đền tháp Mỹ Sơn được tỉnh Quảng Nam thông qua năm 2019… đã góp phần rất lớn trong công tác bảo tồn và phát huy các di sản Khu đền tháp Mỹ Sơn trong những năm qua.

Quảng Nam: Chú trọng bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa một cách bền vững - Ảnh 3.

Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind tham quan Khu Đền tháp Mỹ Sơn. Ảnh: Phúc An

Đối với Đô thị cổ Hội An: Trong những năm qua, tỉnh Quảng Nam thực hiện tu bổ cho tổng cộng 424 công trình di tích nhà nước và di tích hỗ trợ tư nhân - tập thể với tổng số vốn đầu tư là 152.373.000.000đ. Việc thực hiện dự án "Đầu tư tu bổ khẩn cấp các di tích có nguy cơ sụp đổ trong Khu phố cổ" theo quyết định đầu tư của UBND Quảng Nam từ năm 2005 đến nay cho gần 100 di tích - nhà ở từ nguồn vốn ngân sách 40% của tỉnh, 60% của thành phố, cùng với nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, và tham gia đóng góp của các chủ nhà ở, di tích, đặc biệt với cơ chế chính sách nhà nước hỗ trợ từ 40% - 75% kinh phí khi người dân tham gia dự án, cho đến nay quần thể kiến trúc Khu phố cổ Hội An đã vượt qua được giai đoạn nguy cơ khẩn cấp về sự sụp đổ, mất di tích và liên quan đến tính mạng con người.

Trong quá trình quản lý, ngành văn hóa phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo tồn di tích. Công tác này được tập trung thực hiện thông qua nhiều hình thức in ấn, tổ chức tuyên truyền Luật di sản văn hóa, các văn bản dưới luật, các quy chế, và các ấn phẩm như cẩm nang hướng dẫn tu bổ di tích, sách danh mục di tích, Thông tin nghiên cứu bảo tồn di sản, các sách về kết quả nghiên cứu… phổ biến đến từng hộ dân, chủ di tích; tuyên truyền lồng ghép trong các buổi sinh hoạt ở xã /phường, khu dân cư, tại các hội thảo, lễ hội, sự kiện; Xây dựng bộ giáo trình về giáo dục di sản trong học đường cho học sinh từ khối lớp 1 và lớp 6, cùng với các chương trình chúng em khám phá Bảo tàng; thi tìm hiếu qua sách báo tại thư viện; các trường học nhận chăm sóc di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng,…

Trong nhiều năm qua, địa phương thành phố Hội An đã phối hợp với các Sở, ban ngành liên quan thường xuyên tổ chức buổi sinh hoạt báo cáo các chuyên đề: "Đô thị cổ Hội An - Những giá trị đặc trưng", "Xây dựng Hội An- Thành phố văn hóa", "Xây dựng Nếp sống văn minh trong kinh doanh dịch vụ, giao tiếp ứng xử" cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Từ năm 2015 đến nay, thành phố đã tổ chức cuộc thi "Tìm hiểu Di sản văn hóa Hội An qua internet","Chúng em với di sản và môi trường","Thanh niên Hội An với di sản Văn hóa Hội An"… nhằm nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới.

Công tác kiểm kê, nhận diện di sản văn hóa phi vật thể cũng được quan tâm chú trọng, trên cơ sở đó đã đề nghị Bộ đưa các Nghề mộc Kim Bồng và Nghề khai thác yến sào Thanh Châu, nghề gốm Thanh Hà là vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trên lĩnh vực phát huy di sản văn hóa nói chung, trong những năm qua, cùng với quần thể Di sản văn hóa kiến trúc Khu phố cổ Hội An, hàng loạt các sản phẩm du lịch độc đáo: "Đêm phố cổ", "phố đi bộ", "phố không có tiếng động cơ xe máy", các khu Chợ đêm; gắn với nhiều lễ lệ, lễ hội, hoạt động văn hóa truyền thống, diễn xướng dân gian được phục hồi, phát huy đúng hướng, vừa gắn với tín ngưỡng truyền thống, vừa phục vụ khách tham quan, nghiên cứu và với việc tổ chức nhiều sự kiện văn hóa. Hàng năm, một số lễ hội như: Hội Tết dân tộc, Hội đèn lồng, Tết Nguyên Tiêu, Tết Trung thu, các Giỗ Tổ nghề, cùng với nhiều hoạt động hợp tác, giao lưu văn hóa, kết nghĩa, lưu diễn nghệ thuật giữa Hội An với nhiều địa phương trong nước, và ở các nước: Hồng Kông – Trung Quốc, Ý, Thái Lan, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc... được tổ chức, mang lại nhiều kết quả.

Các sự kiện văn hóa như: Festival Di sản Quảng Nam (định kỳ 4 năm 1 lần), Liên hoan và Hội thi hợp xướng quốc tế, cuộc thi Hoa Hậu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn Vũ, Hoa hậu Trái Đất, hội nghị APec… đã góp phần làm cho hình ảnh Hội An ngày càng lan tỏa khắp nơi trên thế giới, thêm hấp dẫn, độc đáo thu hút đông đảo du khách tham quan, hưởng thụ.

Quảng Nam: Chú trọng bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa một cách bền vững - Ảnh 4.

Phố cổ Hội An. Ảnh: Nam Nguyễn

Ngành đề ra kế hoạch và giải pháp gì nhằm bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới?

- Do những tác động của thời kỳ hội nhập, biến đổi khí hậu, nhiều giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang dần bị mai một, rơi rụng; trong đó nguy cơ rõ nét nhất là sự suy giảm của nghệ nhân, những người được coi là "báu vật sống" - lưu giữ trong mình một kho tàng văn hóa phi vật thể quý báu. Thông qua các đợt kiểm kê văn hóa phi vật thể, chúng tôi nhận thấy, mặc dù các loại hình di sản vẫn đang được thực hành trong cộng đồng, nhưng hầu hết những nghệ nhân thực hành đều đã cao tuổi; nhiều loại hình di sản như hát sắc bùa, Tuồng, dân ca… rất khó khăn trong việc tìm kiếm lớp người kế cận; một số câu lạc bộ hoặc đội nghệ thuật truyền thống được thành lập tại các địa phương, nhưng do nhiều nguyên nhân, nên việc duy trì hoạt động thường xuyên còn khó khăn.

Từ thực tế nêu trên, trong thời gian tới ngành VHTTDL Quảng Nam sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ nhằm tăng cường hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh, như:

Thứ nhất, tiếp tục khảo sát, kiểm kê, đánh giá về thực trạng về các giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh; trong đó chú trọng kiểm kê, đánh giá về di sản phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số; xây dựng hồ sơ đề nghị xét tặng Danh hiệu "Nghệ nhân Ưu tú", "Nghệ nhân Nhân dân" cho các nghệ nhân có nhiều đóng góp trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Thứ hai, chú trọng công tác bảo tồn, phát huy hiệu quả hoạt động của các Câu lạc bộ/nhóm/đội nghệ thuật truyền thống ở cơ sở và của nghệ nhân dân gian, những người nắm giữ các di sản tại cộng đồng dân cư. Kiện toàn các Câu lạc bộ/nhóm/đội nghệ thuật truyền thống hiện có tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ các Câu lạc bộ/nhóm/đội nghệ thuật truyền thống và các nghệ nhân dân gian nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể.

Thứ ba, tạo điều kiện cho các Câu lạc bộ/nhóm/đội nghệ thuật truyền thống, các nghệ nhân dân gian tham gia trình diễn, biểu diễn phục vụ nhân dân; định kỳ tổ chức các Liên hoan/Hội diễn của các Câu lạc bộ/nhóm/đội nghệ thuật truyền thống.

Thứ tư, tiếp tục duy trì, tổ chức các lớp dạy đàn hát dân ca tại các xã, phường, thị trấn; duy trì hoạt động "Đưa dân ca vào trường học" tại một số trường Trung học cơ sở, trên cơ sở đó nhân rộng mô hình này tại các trường học trên địa bàn tỉnh.

Thứ năm, thực hiện tư liệu hóa toàn bộ hệ thống di sản phi vật thể, gắn với giới thiệu, quảng bá các di sản; nghiên cứu, xây dựng thêm một số di sản thành sản phẩm phục vụ hoạt động du lịch nhằm phát huy hiệu quả giá trị di sản; đưa các hoạt động biểu diễn, trình diễn di sản vào các tour/tuyến du lịch tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Quảng Nam: Chú trọng bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa một cách bền vững - Ảnh 5.

Quảng Nam sẽ đưa việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể vào quy hoạch văn hóa của từng địa phương. Ảnh minh họa (nguồn: Nam Nguyễn)

Thứ sáu, tùy tình hình thực tế của điều kiện kinh tế, xã hội, tùy cơ hội và diễn tiến cụ thể để xác định tuần tự ưu tiên, huy động mọi nguồn lực để bảo tồn các yếu tố, các hình thái dễ bị mai mọt nhất ở từng địa phương. Đưa việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể vào quy hoạch văn hóa của từng địa phương và coi đó là nhiệm vụ có tính bắt buộc phải thực hiện.

Thứ bảy, tiếp tục triển khai thực hiện các đề án nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể; nâng cao chất lượng biểu diễn, phát huy vai trò của Đoàn ca kịch Quảng Nam; khuyến khích các văn nghệ sĩ trong hoạt động sáng tạo, sáng tác và biểu diễn.

Thứ tám, tôn trọng tính cộng đồng, tính xã hội trong việc sáng tạo, truyền bá, linh hoạt và thụ hưởng các giá trị văn hóa trong Nhân dân, gắn với yêu cầu thực tế của địa phương. Vừa bảo tồn chọn lọc nhưng cũng gắn với việc tôn vinh bản sắc văn hóa Quảng Nam nhằm mục đích cuối cùng là tạo nên những sản phẩm đặc thù, bổ sung vào tính hấp dẫn chung của di sản văn hóa phi vật thể của cả nước.

Trân trọng cảm ơn ông!

Lan Anh

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×