Quảng Bình: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động công tác gia đình
29/09/2020 | 15:50Trong những năm qua, công tác gia đình trên địa bàn tỉnh ngày càng nhận được sự quan tâm và phối hợp của các ngành, đoàn thể. Các cơ quan, đơn vị đã đẩy mạnh phối hợp hoạt động tuyên truyền, tập huấn nâng cao kỹ năng xây dựng, bảo vệ hạnh phúc gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, thực hiện bình đẳng giới, chăm sóc bảo vệ trẻ em, người cao tuổi, góp phần đưa chất lượng hoạt động công tác gia đình theo hướng đổi mới, nâng cao chất lượng.
Bên cạnh việc tích cực chỉ đạo, xây dựng văn bản thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 phù hợp với tình hình địa phương, các sở, ban, ngành đã chỉ đạo bổ sung một số tiêu chí xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc vào hương ước, quy ước, xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa; lồng ghép thực hiện Chiến lược với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ văn hóa thông tin xã, phường, thị trấn đảm bảo thực hiện nhiệm vụ quản lý, tổ chức công tác gia đình; đầu tư nguồn lực, chỉ đạo tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kỹ năng giáo dục đạo đức lối sống gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình vào các dịp như Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11).
Nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng về công tác gia đình và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, thời gian qua, bám sát kế hoạch đã đề ra, các cấp, ngành trong tỉnh đã triển khai toàn diện, đồng bộ nhiều mặt theo hướng từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng. Ban Chỉ đạo Công tác gia đình tỉnh đã tăng cường tập huấn để nâng cao kiến thức cho cán bộ làm công tác gia đình và cán bộ cơ sở. Trong năm 2019, các sở, ban, ngành trong tỉnh đã tổ chức 285 lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo truyền thông liên quan đến công tác gia đình. Sở Văn hóa và Thể thao đã chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở duy trì, phát triển các mô hình câu lạc bộ, nhóm, địa chỉ tin cậy. Hiện nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 12 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại 12 xã trong tỉnh theo chuẩn của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hoạt động độc lập phát triển mạnh mẽ. Tính đến thời điểm hiện tại có 246 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 343 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, 1.087 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Sự phát triển mạnh mẽ của các mô hình mang lại hiệu quả cao và thiết thực góp phần làm giảm số vụ bạo lực gia đình. Cụ thể, năm 2010 toàn tỉnh xảy ra 540 vụ bạo lực gia đình, năm 2013 xảy ra 576 vụ, năm 2015 xảy ra 191 vụ, năm 2017 xảy ra 161 vụ tới năm 2019 giảm còn 79 vụ với nạn nhân bạo lực gia đình chủ yếu là phụ nữ, những trường hợp có biểu hiện dễ dẫn đến bạo lực đã được tuyên truyền, vận động, giải thích và nhắc nhở kịp thời, các vụ bạo lực gia đình nghiêm trọng được xử lý và kịp thời ngăn chặn.
Mặt khác, phong trào xây dựng gia đình văn hóa được Nhân dân đồng tình hưởng ứng và tham gia thực hiện. Đa số các gia đình tham gia phong trào đều thực hiện tốt tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, nâng cao ý thức trong việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua triển khai thực hiện phong trào, xuất hiện ngày càng nhiều hộ gia đình văn hóa tiêu biểu trên các lĩnh vực sản xuất kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình hiếu học, ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền, nêu cao tinh thần tương thân tương ái. Năm 2013, trên địa bàn toàn tỉnh có 161.927/206.662 hộ gia đình đạt Danh hiệu Gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 74,9%; đến hết năm 2015, có 180.021/224.892 hộ được công nhận Gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 80%; năm 2019 có 20.4385/239.664 hộ được công nhận Gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 85,3%. Hiệu quả rõ nhất của phong trào là góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo; phát triển kinh tế ổn định và bền vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp; chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng nâng cao; đồng thời giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc được chú ý giữ gìn, phát huy; quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng chặt chẽ hơn, tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn bó.
Tuy nhiên, hoạt động của một số Ban Chỉ đạo công tác gia đình cấp huyện, xã còn chưa tích cực, sự phối hợp liên ngành còn thiếu chặt chẽ. Nhiều hoạt động còn mang tính hình thức chưa đi vào chiều sâu. Công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc chưa được thường xuyên nên kết quả chưa cao. Nguồn vốn cho việc triển khai thực hiện công tác gia đình từ cấp tỉnh đến cơ sở còn hạn chế; đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình từ cấp tỉnh đến cơ sở còn thiếu, chưa được đào tạo chuyên sâu; kinh phí chi cho hoạt động công tác gia đình còn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Công tác tuyên truyền hệ thống văn bản liên quan đến lĩnh vực gia đình trên hệ thống phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt trên hệ thống truyền thanh của xã/phường/thị trấn chưa được triển khai thường xuyên, còn mang tính thời vụ…
Để góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lược gia đình Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra việc thực thi và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân, gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới trong gia đình; đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tuyên truyền, chú ý vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, động viên toàn dân tự giác tham gia phòng, chống bạo lực gia đình; chú trọng kiểm tra, giám sát chuyên ngành, liên ngành về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị, địa phương sẽ nhân rộng mô hình tốt, tiếp tục xây dựng mô hình mới về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; tăng cường thông tin, tuyên truyền và chia sẻ bài học kinh nghiệm về phòng, chống bạo lực gia đình; đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước về công tác gia đình...