Quảng Bình: Phát triển văn hóa - thể thao... nhìn từ những dấu ấn
29/10/2020 | 10:58Những năm gần đây, tỉnh Quảng Bình đã triển khai toàn diện, đồng bộ nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Nổi bật là công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể (VHPVT) và lĩnh vực thể thao thành tích cao (TTTTC). Qua đó tạo ra nhiều dấu ấn trong việc quảng bá, giới thiệu những tinh hoa văn hóa Quảng Bình đến với du khách trong, ngoài nước và từng bước khẳng định vị thế của thể thao tỉnh nhà trên các đấu trường trong nước, quốc tế.
Đánh thức văn hóa phi vật thể
Ông Nguyễn Mậu Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao (VH-TT) cho biết: Toàn tỉnh hiện có 104 di sản phi vật thể, trong đó có 52 lễ hội truyền thống dân gian, 27 nghề thủ công truyền thống, 12 nghệ thuật trình diễn dân gian và 12 tri thức văn hóa dân gian. Đặc biệt, có 5 di sản VHPVT đã được Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch đưa vào Danh mục di sản VHPVT quốc gia, gồm: Ca trù, hò khoan Lệ Thủy, lễ hội Cầu ngư của ngư dân miền biển Quảng Bình, lễ hội đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang (Lệ Thủy) và lễ hội Đập trống của người Ma-Coong (Thượng Trạch, Bố Trạch). Hiện tại, tỉnh ta đã hoàn thành hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch đưa lễ hội mừng cơm mới (trỉa lúa) của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh vào Danh mục di sản VHPVT quốc gia. Các di sản văn hóa trong Danh mục di sản VHPVT quốc gia trên địa bàn tỉnh đã được khai thác, phát huy giá trị, trở thành nguồn lực, sản phẩm du lịch, phục vụ phát triển du lịch của địa phương.
Nhằm phát huy các giá trị của di sản VHPVT trong cuộc sống hiện đại, nhiều địa phương đã có những cách làm hay, hiệu quả. Tiêu biểu là huyện Lệ Thủy với việc đưa các làn điệu hò khoan của quê hương vào trường học, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em học sinh, đồng thời nuôi dưỡng tình yêu đối với văn hóa dân gian trong thế hệ trẻ. Nhiều xã, phường, trường học, cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện đã thành lập được các câu lạc bộ (CLB) hò khoan, nổi bật nhất là CLB Yêu câu hò xứ Lệ với việc xây dựng nhiều chương trình biểu diễn ấn tượng.
Để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, Sở VH-TT còn triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, tiến hành biên soạn, xuất bản các ấn phẩm nghiên cứu về những DSVH cấp quốc gia của tỉnh và tổ chức nhiều lớp truyền dạy, thực hành di sản VHPVT ở các địa phương.
Công tác tôn vinh nghệ nhân lĩnh vực VHPVT được quan tâm, trong đó chú trọng hoạt động bình xét, phong tặng và đề nghị cấp có thẩm quyền phong tặng các danh hiệu nghệ nhân dân gian cho những người có công gìn giữ, trao truyền những tinh hoa văn hóa dân tộc ở các làng quê. Đến nay, toàn tỉnh có 1 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, 9 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng “Nghệ nhân ưu tú” và hàng chục nghệ nhân dân gian.
Ấn tượng từ thể thao thành tích cao
Phải nói rằng, từ năm 2016 đến nay, tỉnh ta đã tạo được nhiều dấu ấn trong lĩnh vực TTTTC. Tỉnh đã tập trung đầu tư trọng điểm 7 bộ môn, gồm: bơi, lặn, điền kinh, đua thuyền rowing, đua thuyền canoing, bi sắt và cờ vua với tổng số vận động viên (VĐV) năng khiếu tập luyện thường xuyên (kể cả VĐV tham gia đội tuyển quốc gia (ĐTQG) là khoảng 60-70 VĐV (không tính VĐV môn cờ vua).
Từ năm 2016 đến 2019, tỉnh ta đã gặt hái được 649 huy chương các loại, trong đó có 228 huy chương vàng (HCV). Năm 2020, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên nhiều giải thi đấu TTTTC không tổ chức được. Từ đầu năm đến nay, các đội tuyển TTTTC tỉnh ta đã tham gia 9 giải quốc gia và đã đạt được 81 huy chương các loại, trong đó có 17 HCV.
Gương mặt xuất sắc của TTTTC tỉnh nhà là VĐV Nguyễn Huy Hoàng với thành tích đạt 1 HCV, 1 huy chương bạc (HCB) môn bơi tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á (Seagames lần thứ 29) tổ chức ở Malaysia; HCV nội dung bơi 800m tự do nam, phá kỷ lục quốc gia do chính mình đang nắm giữ tại đấu trường Olympic Trẻ mùa hè Buenos Aires 2018 ở Argentina; đạt chuẩn A nội dung 800m tự do giành tấm vé chính thức đầu tiên của Việt Nam dự Olympic Tokyo 2020 tại giải Bơi vô địch thế giới năm 2019 tổ chức ở Hàn Quốc…
Ngoài ra, còn có các VĐV đạt các thành tích xuất sắc tại nhiều giải đấu như: Hoàng Thị Ngọc đạt HCV môn điền kinh Seagames lần thứ 29; VĐV Lường Thị Thảo đạt 1 HCB ở giải đua thuyền rowing vô địch châu Á năm 2019 tại Hàn Quốc và 2 HCV tại giải đua thuyền rowing vô địch Đông Nam Á năm 2019 tại Thái Lan…
Năm 2018 được xem là năm thành công rực rỡ của TTTTC tỉnh nhà. Tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII (2018), đoàn thể thao Quảng Bình đã thi đấu xuất sắc giành được 27 huy chương các loại (9 HCV, 11 HCB, 7 HCĐ); lập 6 kỷ lục tại Đại hội Thể thao toàn quốc (4 kỷ lục môn bơi và 2 kỷ lục môn lặn), xếp thứ 15/65 tỉnh, thành phố, ngành tham dự đại hội, tăng 5 bậc so với Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VII năm 2014, được Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch tặng bằng khen. TTTTC Quảng Bình còn đóng góp nhiều VĐV xuất sắc cho ĐTQG tham gia thi đấu quốc tế, trong đó có những VĐV đã ghi dấu mốc lịch sử cho thể thao nước nhà…
Để triển khai thực hiện hiệu quả đề án phát triển TTTTC đã được UBND tỉnh phê duyệt, ngành VH-TT tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyển chọn, đào tạo VĐV nhằm đóng góp nhiều VĐV cho các đội tuyển trẻ, ĐTQG tham dự các giải thi đấu quốc tế; đồng thời phát triển thêm một số môn thể thao mới phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của người dân.
Ngành cũng đề ra nhiều giải pháp cải thiện chế độ dinh dưỡng cho VĐV, tăng cường đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác đào tạo, huấn luyện nhằm tiếp tục lập thành tích cao tại các kỳ đại hội thể thao trong nước và quốc tế...
Sự nỗ lực của ngành VH-TT những năm qua đã mang lại nhiều thành tựu đáng tự hào, tạo tiền đề vững chắc cho sự đổi mới, phát triển của ngành trong giai đoạn mới, góp phần quản lý, khai thác hiệu quả nguồn lực văn hóa, thể thao phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng hình ảnh về đất và người Quảng Bình, tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách trong nước, quốc tế.