Quảng Bình: Phấn đấu đến năm 2025, đưa Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành khu du lịch trọng điểm Quốc gia
10/08/2022 | 16:47Đó là thông tin tại Công văn số 1425/UBND-KT tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TU ngày 07/01/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình về đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quán triệt và thực thi quy định của pháp luật về quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Di sản; đẩy mạnh hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là các huyện, xã, thị trấn vùng đệm Vườn Quốc gia; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về bảo vệ tài nguyên rừng, đa dạng sinh học, giá trị Di sản, bảo vệ môi trường, tài nguyên du lịch và quy định khác của pháp luật; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành tại khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo phù hợp với định hướng, phương án phát triển tại Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, quy hoạch cấp Quốc gia theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
Cùng với đó, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng tiếp tục chủ động, tích cực tham mưu nội dung liên quan đến công tác quản lý, bảo tồn Di sản; chủ động và phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, Quân sự, Bộ đội Biên phòng phát hiện, ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, không để xảy ra hoạt động khai thác gỗ, lâm sản ngoài gỗ, săn bắt, bẫy bắt động vật rừng trái phép; thực hiện nghiêm túc yêu cầu, khuyến nghị của Ủy ban Di sản Thế giới trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong việc bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm, có giá trị cao; hạn chế sự xâm hại của các loài sinh vật ngoại lai nhằm bảo tồn bền vững hệ sinh thái đa dạng của Vườn Quốc gia; đa phương và đa dạng hóa trong hợp tác nghiên cứu bảo tồn, nhất là các khu vực thiếu dữ liệu về tài nguyên di sản để phục vụ cho quản lý bảo tồn, phát huy giá trị Di sản; có kế hoạch, giải pháp cụ thể để làm tốt công tác bảo vệ môi trường tại các tuyến, điểm du lịch; quan trắc khí tượng thủy văn, kịp thời ứng phó với rủi ro thiên tai và Di sản thế giới.
Mặt khác, các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; tiếp tục triển khai xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái gắn với chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch đặc trưng của khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng địa bàn để chuyển giao, nhân rộng, tạo việc làm, cải thiện sinh kế và nâng cao đời sống người dân vùng đệm Vườn Quốc gia; tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có và đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch, dịch vụ, trong đó ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, chuyên biệt, có tính cạnh tranh cao trong nước, có tầm quốc tế cao trong khu vực; đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn với sản xuất hàng hóa, OCOP đặc trưng của khu vực các xã vùng đệm Phong Nha - Kẻ Bàng nhằm phục vụ du lịch.
Ngoài ra, UBND các huyện Bố Trạch, Minh Hóa, Quảng Ninh tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý Vườn thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị Di sản; phối hợp rà soát, xử lý dứt điểm các diện tích đất, rừng bị chồng lấn giữa Ban Quản lý Vườn với người dân địa phương và các tổ chức liên quan; tập trung huy động nguồn lực trong nước và quốc tế để đầu tư phát triển kinh tế, xã hội vùng đệm; lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nhằm nâng cao hiệu quả các chương trình đầu tư; tiếp tục triển khai các kế hoạch, giải pháp đột phá phát triển kinh tế, xã hội; tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên Vườn Quốc gia. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương các xã vùng đệm xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để làm tốt công tác bảo vệ môi trường tại nơi công cộng và các khu du lịch, đặc biệt là trung tâm thị trấn Phong Nha; chú trọng công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại các nhà hàng, quán ăn; tăng cường quản lý chặt chẽ giá cả dịch vụ và công tác an ninh trật tự trên địa bàn, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách…