Quảng Bình: Nghiên cứu tôn tạo và mở rộng khu lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh
05/05/2022 | 19:00Ngày 5/5, tin từ UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, sẽ nghiên cứu, đánh giá mức độ xuống cấp của một số hạng mục công trình tại khu lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (Lệ Thủy – Quảng Bình) để từ đó có thể nâng cấp, tôn tạo và nghiên cứu mở rộng một số hạng mục công trình phụ trợ để phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, dâng hương tưởng niệm.
Khu lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh là di tích lịch sử cấp quốc gia đã được đầu tư xây dựng vào năm 2012 với tổng mức kinh phí trên 110 tỷ đồng bao gồm các hạng mục công trình tại khu lăng mộ ở xã Trường Thủy (Lệ Thủy – Quảng Bình).
Đến thời điểm hiện tại, một số hạng mục công trình đã xuống cấp, quy hoạch chưa phù hợp với việc phát triển du lịch trong thời gian tới do vậy tỉnh Quảng Bình đã có kế hoạch đầu tư tôn tạo trên cơ sở nâng cấp công trình và xây dựng khu nhà đón tiếp, quy hoạch bãi đỗ xe và trồng cây xanh trong khuôn viên nhằm tạo cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp ở khu lăng mộ này.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu các đơn vị liên quan nghiên cứu kỹ thực trạng di tích cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác giải tỏa mặt bằng; chuẩn bị kỹ các điều kiện cần thiết để cải tạo, nâng cấp di tích bảo đảm tính tôn nghiêm, nhằm tri ân công lao của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh và là điểm nhấn của tỉnh về du lịch tâm linh...
Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (SN 1650) tại thôn Phước Long, Chương Tín, huyện Phong Lộc (nay là xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình). Ông là người đóng góp công sức rất lớn trong công cuộc mở cõi phương Nam, không chỉ vùng đất Đồng Nai – Gia Định trên bản đồ Việt Nam mà cả các vùng Bình Thuận, Vĩnh Long và An Giang định hình lãnh thổ Việt Nam trong một quốc gia thống nhất.
Theo sử sách ghi lại, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh mở cương vực mới cho đất nước không phải bằng chiến tranh, bạo lực mà là bằng uy đức, diễn ra trong hòa bình, hòa hợp dân tộc, tôn giáo.
Ông được phong tước Lễ Thành Hầu, Khai Quốc Công Thần, liệt vào hạng Thượng Đẳng Công Thần và thờ ở Thái Miếu. Ông mất ngày 9 tháng 5 Canh Thìn (1770), an táng tại Cù Lao Phố cạnh dinh Trấn Biên, Đồng Nai. Đến năm 1802, di hài của Nguyễn Hữu Cảnh được hậu duệ cải về an táng tại xã Trường Thủy huyện Lệ Thủy bây giờ.
Khu lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã được xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia trở thành điểm đến ý nghĩa đối với du khách trong nước và quốc tế.