Quảng Bình: Đua thuyền truyền thống ở "miền di sản"
18/07/2022 | 08:49Đua thuyền truyền thống là nét văn hóa dân gian đã ăn sâu vào tiềm thức người dân ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Không chỉ vậy, đây là hoạt động thể thao đoàn kết thể hiện khát vọng chinh phục sóng nước của cư dân ven sông, biển. Trải qua thời gian gìn giữ và trao truyền, lễ hội đua thuyền truyền thống ở một số địa phương tại “miền di sản” Quảng Bình đã được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Ngày hội đoàn kết
Quảng Bình là địa phương có phong trào đua thuyền truyền thống phát triển khá mạnh mẽ. Đến nay, hầu hết các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh đều tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống vào các dịp lễ, Tết.
Kể từ năm 2017 đến nay, cứ vào dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tại Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, huyện Bố Trạch đều tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Son. Tham gia lễ hội có các đội đua thuyền nam, nữ đến từ thị trấn Phong Nha, các xã Liên Trạch, Hưng Trạch, Nhân Trạch, Thanh Trạch, Hải Phú, Đức Trạch… Mỗi thuyền đua có 21 người, trong đó có 9 đôi chèo và người chèo lái, chèo mũi, gõ sanh.
Trong không khí tưng bừng của ngày hội thống nhất non sông, trên dòng Nhật Lệ cũng diễn ra lễ hội đua thuyền truyền thống do TP. Đồng Hới tổ chức. Lễ hội đua thuyền ở Đồng Hới bắt nguồn từ hội bơi trải “Lục niên cạnh độ” (6 năm tổ chức 1 lần) diễn ra trước đây trên dòng Nhật Lệ. Tiếp đó, vào dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9, trên dòng Nhật Lệ tại bến phà Quán Hàu, huyện Quảng Ninh tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống.
Lễ hội đua thuyền trên sông Nhật Lệ thể hiện tinh thần đoàn kết toàn dân, đồng thời góp phần duy trì, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của người bản địa. Với những nét văn hoá độc đáo được duy trì từ lâu, lễ hội đua thuyền trên sông Nhật Lệ ở huyện Quảng Ninh và TP. Đồng Hới đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia vào đầu năm 2022.
Nói đến đua thuyền truyền thống không thể không nhắc đến lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang. Đây là lễ hội diễn ra với quy mô lớn nhất ở vùng sông nước Lệ Thuỷ vào dịp Quốc khánh 2/9 với hàng chục đội đua thuyền nam, nữ tham gia. Trải qua thời gian, lễ hội đua thuyền ở Lệ Thuỷ đã được gìn giữ, bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hoá địa phương cũng như thể hiện tinh thần đoàn kết. Năm 2019, lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Không chỉ ở Quảng Ninh, Lệ Thuỷ, vào dịp lễ 2/9, trên dòng sông Gianh, huyện Tuyên Hoá và TX. Ba Đồn cũng tổ chức đua thuyền truyền thống với nhiều đội thuyền tham gia tạo nên ngày hội thể thao đoàn kết, cao thượng và tiến bộ. Bên cạnh các lễ hội đua thuyền cấp huyện, nhiều xã, phường trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cũng đã tổ chức lễ hội đua thuyền trên các dòng sông.
Đặc biệt, ở xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) theo chu kỳ 5 năm, địa phương sẽ tổ chức đua thuyền 2 lần trên biển. Theo người dân ở Cảnh Dương cho biết, từ bao đời nay cuộc sống của bà con phụ thuộc vào biển nên tổ chức lễ hội đua thuyền ở trên biển nhằm cầu mong thuận buồm xuôi gió, tàu thuyền ra khơi mang về những chuyến biển bội thu.
Mang thuyền "đi đánh" ở đất người
Để góp phần phát triển phong trào đua thuyền truyền thống trên địa bàn tỉnh, luân phiên 2 năm một lần, Sở Văn hóa và Thể thao đã tổ chức giải đua thuyền truyền thống để tạo sân chơi, nơi giao lưu đoàn kết; đồng thời gìn giữ nét văn hóa, hoạt động thể thao của người dân ở các địa phương. Thông qua việc tổ chức lễ hội đua thuyền ở các địa phương, tỉnh Quảng Bình đã tuyển chọn những đội thuyền xuất sắc tham gia thi đấu ở các giải quốc gia và giao hữu quốc tế.
Hai năm vừa qua do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên nhiều lễ hội, giải đua thuyền truyền thống ở tỉnh Quảng Bình phải tạm hoãn. Trước đó vào những ngày cuối tháng 6/2019, đội đua thuyền truyền thống tỉnh Quảng Bình đã “mang chuông đi đánh xứ người” khi tham gia giải đua thuyền truyền thống vô địch quốc gia diễn ra trên dòng Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị. Giải do Liên đoàn đua thuyền Việt Nam (Tổng cục Thể dục Thể thao Việt Nam) phối hợp với tỉnh Quảng Trị tổ chức, thu hút sự tham gia của 6 đội đua đến từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh An Giang, Bình Thuận, Quảng Bình, Hải Dương, Quảng Trị.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Huấn luyện viên môn đua thuyền, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Quảng Bình nhớ lại: Tham gia giải, ban huấn luyện đã tuyển chọn đội bơi thuyền nam xã Mỹ Thủy (Lệ Thuỷ) và đội đua thuyền nữ thôn An Xá (xã Lộc Thủy). Đây là hai đội thuyền đã giành được nhiều thành tích cao tại lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang. Kết quả, đội đua thuyền truyền thống tỉnh Quảng Bình đã giành được 2 HCV, 6 HCB và 7 HCĐ.
Cùng với sự nỗ lực thi đấu ở giải quốc gia, đội đua thuyền truyền thống tỉnh Quảng Bình đã ghi lại dấu ấn đẹp khi tham gia lễ hội đua thuyền truyền thống Thái Lan-Lào-Việt Nam tranh cúp Công chúa lần thứ XX. Lễ hội diễn ra trên sông Mê Kông do tỉnh Bưng Càn, Vương quốc Thái Lan tổ chức. Đội đua thuyền truyền thống xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) đại diện tỉnh Quảng Bình tham gia tranh tài và đã giành giải nhì nội dung đua thuyền giao lưu hữu nghị.
Các tay đua ra sức tranh tài trên dòng Nhật Lệ
Vừa qua, giải đua thuyền truyền thống Đại hội TDTT tỉnh Quảng Bình lần thứ IX năm 2022 đã diễn ra trên sông Nhật Lệ. Tham gia giải có 6 đội thuyền đến từ các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh. Các đội thi đấu bằng thuyền composite, tranh tài ở 2 cự ly 1km và 2km.
Sớm có mặt trên dòng Nhật Lệ, đội đua thuyền nam xã Tân Thuỷ, đại diện cho huyện Lệ Thuỷ đã tích cực tập luyện để làm quen với thuyền, với sóng nước. Tay đua Nguyễn Văn Nam (đội đua thuyền Lệ Thuỷ) chia sẻ: “Với mục tiêu giành chiến thắng, đội thuyền Lệ Thuỷ không chỉ có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các tay chèo mà còn có sự liên kết giữa người cầm lái ở cuối thuyền, người điều khiển cho thuyền đi đúng đường, đúng hướng. Có như vậy mới đưa thuyền lướt nhanh trên đường đua và về đích sớm nhất”.
So với lễ hội đua thuyền truyền thống ở các địa phương, tại giải đua thuyền truyền thống Đại hội TDTT tỉnh Quảng Bình lần thứ IX năm 2022 có nhiều nét mới. Nếu như đua thuyền ở các địa phương với đường đua dài (hơn 15km ở Lệ Thuỷ, Quảng Ninh; 12,5km ở Đồng Hới) thì tại giải đua thuyền Đại hội TDTT tỉnh lần thứ IX đường đua ngắn hơn (theo tiêu chuẩn thi đấu quốc gia, chỉ 1km và 2km).
Vì vậy, để nâng cao chất lượng thi đấu, các đội đua thuyền phải chọn lựa vận động viên (VĐV) có tốc độ đánh chầm bứt phá nhanh. Ngay cả việc sắp xếp người thuận tay trái, tay phải, người cầm lái, người gõ mõ cũng được các đội cân nhắc, chọn lựa kỹ càng. Nét mới thứ hai đó là việc làm quen với thuyền đua. Thay vì đua thuyền gỗ như ở một số địa phương Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, Bố Trạch thì tại giải đua thuyền truyền thống Đại hội TDTT lần này các đội đua đều sử dụng thuyền rồng bằng chất liệu composite.
Để giải đua thuyền truyền thống Đại hội TDTT tỉnh Quảng Bình lần thứ IX năm 2022 diễn ra thành công, ông Lê Phú Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết: Ban Tổ chức giải đã có sự chuẩn bị chu đáo như thành lập tiểu ban phục vụ, tổ trọng tài. Chúng tôi cũng đã thống nhất các phương án tổ chức từ điều lệ giải cho đến quy định dành cho các đội thuyền đua về số lượng, tư cách, sức khỏe VĐV để tránh những sai sót có thể xảy ra. Đồng thời, những phương án chuyên môn cho giải như bố trí đường đua, đích, tiêu cũng như công tác bảo đảm an ninh trật tự cho giải đã được chú trọng.
Với niềm đam mê, tinh thần đoàn kết, giải đua thuyền truyền thống Đại hội TDTT tỉnh Quảng Bình lần thứ IX năm 2022 là ngày hội văn hoá, thể thao thể hiện tinh thần đoàn kết, thượng võ của người dân ở các địa phương vùng sông nước. Thông qua giải nhằm động viên khích lệ nhân dân rèn luyện sức khoẻ, thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.