Quảng Bình: Để giáo dục di sản đi vào chiều sâu
31/12/2021 | 14:21Giáo dục di sản hiện không còn là khái niệm xa lạ với nhiều trường học trên địa bàn tỉnh và thực sự trở thành một kênh quan trọng để xây dựng nền tảng văn hóa, kiến thức lịch sử cho thế hệ trẻ, đặc biệt trong giai đoạn cách mạng công nghệ 4.0. Thế nhưng, để giáo dục di sản đi vào chiều sâu, tạo hiệu quả thiết thực, trở thành một phần không thể thiếu trong hành trang vào đời của các thế hệ học sinh vốn dĩ không hề đơn giản, đòi hỏi sự nỗ lực đổi mới từ nhiều phía.
Cô Trần Thị Hoa Lý, Hiệu trưởng Trường mầm non An Sinh (TP. Đồng Hới) cho biết, từ khi thành lập trường đến nay, bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc chương trình chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục do Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) ban hành, nhà trường cũng rất quan tâm lồng ghép giáo dục kỹ năng sống, giáo dục di sản thông qua các hoạt động ngoại khóa. Mục đích nhà trường hướng đến là trẻ được phát triển kỹ năng sống; mở rộng mối quan hệ với các bạn, với những người xung quanh; tăng khả năng sáng tạo; giáo dục truyền thống; trang bị hành trang cho trẻ trước khi bước vào cấp học tiếp theo.
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, theo thường lệ các năm, nhà trường đều tổ chức cho các cháu độ tuổi mẫu giáo tham quan Bảo tàng Tổng hợp tỉnh. Qua đó, góp phần giáo dục lịch sử địa phương để các em có cái nhìn đúng và trân trọng, phát huy những giá trị lịch sử của cha ông. Đến với bảo tàng, các em được tham quan hệ thống trưng bày theo tiến trình lịch sử, được tận mắt nhìn thấy những công cụ đá từ thuở sơ khai của loài người và những tiến bộ vượt bậc của xã hội hiện tại.
Các em rất thú vị khi được trực tiếp nhìn thấy những hiện vật, đặc biệt khi được các cô, các chú thuyết minh, cung cấp những thông tin quan trọng về lịch sử giá trị của chúng. Nhiều trẻ mẫu giáo lớn (5 tuổi) còn tương tác bằng cách đặt ra những câu hỏi cho hướng dẫn viên.
Nhà trường xem đây là một môi trường học tập mới, các em được lĩnh hội những kiến thức về giá trị lịch sử-văn hóa một cách hiệu quả nhất. Đồng thời, các hoạt động tại bảo tàng còn góp phần giáo dục truyền thống, lòng tự hào dân tộc, ý chí vươn lên trong cuộc sống cho thế hệ trẻ ngay từ lứa tuổi mầm non.
“Thời gian tới, sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhà trường sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động giáo dục di sản; đồng thời, mong muốn tăng cường công tác phối hợp để triển khai hoạt động giáo dục di sản hiệu quả hơn, có chiều sâu hơn. Ngoài Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, các cháu sẽ có cơ hội tham quan, tìm hiểu các điểm di tích lịch sử-văn hóa khác. Các cơ quan liên quan tiếp tục tích cực tạo điều kiện để nhà trường tổ chức cho các cháu đến tham quan; xây dựng các chương trình tham quan hấp dẫn, ấn tượng...”, cô Trần Thị Hoa Lý chia sẻ thêm.
Không chỉ Trường mầm non An Sinh, nhiều trường học khác trên địa bàn tỉnh cũng triển khai các hoạt động di sản theo nhiều hình thức khác nhau, phong phú, đa dạng, vừa lồng ghép trong các tiết học tại lớp, vừa tổ chức các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt CLB, cuộc thi tìm hiểu văn hóa-lịch sử địa phương… Trong đó, không ít trường học lựa chọn hình thức tham quan Bảo tàng Tổng hợp tỉnh hoặc các di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn mình.
Theo ông Mai Thế Trung, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, bảo tàng thường xuyên đón các đoàn khách tham quan là học sinh, sinh viên các trường trong những tiết học ngoại khóa. Bảo tàng tạo mọi điều kiện để các hoạt động giáo dục di sản được diễn ra thuận lợi, mang lại hiệu quả cao nhất. Đơn vị cũng tích cực quảng bá, giới thiệu hình ảnh của bảo tàng trên trang web của Sở Văn hóa-Thể thao, mạng xã hội…
Hiện nay, bảo tàng quản lý thêm mảng di tích, nên rất thuận lợi trong việc tổ chức các chuỗi hoạt động tham quan tìm hiểu, khám phá các di tích văn hóa-lịch sử trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, bảo tàng mong muốn tăng cường sự kết nối với các nhà trường, nhất là phòng GD-ĐT các địa phương để hoạt động giáo dục di sản được triển khai có hệ thống, khoa học, bài bản và đi vào chiều sâu.
Ngoài ra, bảo tàng cũng sẵn sàng phối hợp trong việc tập huấn giáo dục di sản cho đội ngũ giáo viên, hỗ trợ thiết kế bài giảng giáo dục di sản, nhất là trong thời điểm học tập trực tiếp kết hợp trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19 như hiện nay…
Trên thực tế, giáo dục di sản không đơn thuần là những tiết học khô cứng, thụ động được lồng ghép ở lớp, ở trường, mà còn là những hoạt động trải nghiệm ngoại khóa hấp dẫn, có chiều sâu, tạo hứng khởi và ấn tượng với học sinh.
Do đó, cần sự chung tay từ nhiều phía để xây dựng sự phối hợp chặt chẽ và có chủ trương nhất quán cũng như kế hoạch bài bản, dài hơi. Phía nhà trường cần linh động, tạo điều kiện để học sinh tham gia. Phía đơn vị quản lý di tích, bảo tàng cần đổi mới, sáng tạo, có thêm những chương trình, tour, tuyến hấp dẫn, lý thú, thu hút sự tham gia của học sinh.
Bên cạnh đó, cần chủ động, linh hoạt trong mọi tình huống, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp để có hình thức giáo dục di sản phù hợp, như: ứng dụng công nghệ thông tin, sân khấu hóa, sản phẩm lưu niệm ý nghĩa…
Hàng năm, nhà trường và các di tích, bảo tàng nên có sự tổng kết, trao đổi, chia sẻ nhằm rút kinh nghiệm cho hoạt động giáo dục di sản được nâng cao chất lượng, đổi mới nội dung, đa dạng hình thức. Qua đó, đủ sức hấp dẫn học sinh và tạo một không gian văn hóa-lịch sử ý nghĩa cho các em tìm hiểu, khám phá, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục truyền thống lịch sử và các giá trị văn hóa dân tộc.