Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Quảng Bình: Đào tạo lại nhân lực du lịch trong tình hình mới

19/11/2021 | 15:14

Sau quãng thời gian tạm nghỉ dài do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trở lại với nhịp sống bình thường mới, ngành Du lịch Quảng Bình cũng như nhiều địa phương khác đang vướng phải nỗi lo nguồn nhân lực thiếu và yếu. Những kỹ năng nghiệp vụ bị “đóng băng” cộng thêm các yêu cầu mới trong bối cảnh phòng, chống dịch khiến không ít người lao động phục vụ trong ngành gặp nhiều khó khăn khi trở lại công việc. Nắm bắt thực tế này, Sở Du lịch Quảng Bình hiện đang tích cực triển khai các lớp đào tạo, tập huấn cho đội ngũ nhân lực, nhất là đối với những người phục vụ du lịch cộng đồng-vốn được xác định là “mỏ vàng” hậu Covid-19.

Anh Hồ Văn Sơn (SN 1990), Trưởng bản Khe Sung chăm chú say mê học và thử cách nấu các món ăn mới để phục vụ khách du lịch ngay tại lớp đào tạo 5 ngày được mở vào đầu tháng 11-2021 ngay tại xã Ngân Thủy (Lệ Thủy). Anh rất thích thú với những món ăn “tưởng quen mà lạ”, như: Thịt bò xào, trứng chiên… Chỉ cần một vài thao tác mới, đổi cách thức nêm nếm gia vị, các món ăn đã ngon và khác hẳn cách nấu thông thường của bà con.

Quảng Bình: Đào tạo lại nhân lực du lịch trong tình hình mới - Ảnh 1.

Các học viên tham gia lớp đào tạo nghiệp vụ dịch vụ du lịch cộng đồng tại xã Ngân Thủy.

Anh Sơn chia sẻ, dù đã được Công ty Netin Travel tập huấn sơ bộ khi tour “Khám phá thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Bru-Vân Kiều ở huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy” đi vào khai thác và cũng đã tận tay đón tiếp nhiều khách du lịch đến thăm nhà, nhưng những trải nghiệm có được tại lớp đào tạo này lại rất khác biệt. Lần đầu tiên, anh và các hộ dân làm du lịch cộng đồng của 2 bản Còi Đá và Khe Sung (xã Ngân Thủy) được tập huấn về cách giao tiếp với khách du lịch, cách sắp xếp đồ đạc, dụng cụ sinh hoạt trong gia đình…, rồi cả cách trải ga giường, dọn dẹp vệ sinh môi trường… Không chỉ được học lý thuyết, các học viên còn được “cầm tay chỉ việc”, thực hành trực tiếp, do đó, các kiến thức, kỹ năng được áp dụng dễ dàng, lớp học thân thiện, cởi mở, “trò hỏi, thầy trả lời”.

“Thời gian tới, tôi cũng như các hộ gia đình làm du lịch cộng đồng ở bản Khe Sung rất mong muốn tiếp tục được tham gia các lớp đào tạo, tập huấn chuyên sâu, dài hơi hơn về kỹ năng phục vụ du lịch, nhất là về chế biến món ăn, giao tiếp Tiếng Anh. Bởi đây là những kỹ năng, kiến thức cần thời gian học lâu dài, khó chỉ thành thục sau một vài buổi tập huấn. Đặc biệt, bản có nghề đan lát đã mai một từ lâu, nay chỉ có các già làng mới nhớ nghề, bà con rất mong được học về nghề đan lát, làm đồ thủ công mỹ nghệ, tiến tới tạo thành sản phẩm đặc trưng của bản, phục vụ đồ lưu niệm du lịch”, trưởng bản Khe Sung Hồ Văn Sơn bày tỏ.

Theo ông Trần Xuân Cương, Giám đốc Công ty Netin Travel, những ngày đầu tháng 11, Sở Du lịch phối hợp với Trường trung cấp Du lịch-Công nghệ số 9, Công ty Netin Travel khai giảng lớp đào tạo nghiệp vụ dịch vụ du lịch cộng đồng năm 2021 với 30 học viên tại các điểm du lịch cộng đồng ở bản Khe Sung, Còi Đá, xã Ngân Thủy. Thông qua lớp đào tạo, các kiến thức cơ bản về du lịch cộng đồng; tâm lý và kỹ năng giao tiếp trong du lịch; Tiếng Anh giao tiếp du lịch; nghiệp vụ du lịch, lễ tân, buồng-bàn, chế biến món ăn… sẽ được trang bị cho học viên một cách sinh động, cụ thể.

Quảng Bình: Đào tạo lại nhân lực du lịch trong tình hình mới - Ảnh 2.

Bà con ở các bản, làng triển khai du lịch cộng đồng rất mong chờ các khóa tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ du lịch (Ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, Netin Travel).

Lớp được tổ chức rất kịp thời, ngay trong bối cảnh ngành Du lịch Quảng Bình đang nỗ lực trở lại trạng thái bình thường mới. Bà con làm du lịch cộng đồng rất cần được tiếp cận các kỹ năng phục vụ du lịch bài bản, chuyên nghiệp, tránh sự bỡ ngỡ, lo lắng khi trở lại vận hành “guồng quay” sau một thời gian dài tạm nghỉ. Công ty cũng rất mong muốn được tạo điều kiện để bà con làm du lịch cộng đồng được tập huấn, đào tạo thêm về kỹ năng chế biến món ăn truyền thống địa phương, mây tre đan mỹ nghệ truyền thống…

Còn ông Lê Thế Lực, Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình cho hay, theo kế hoạch của Sở Du lịch, ngay sau lớp tại xã Ngân Thủy, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai các lớp tại xã Trường Sơn (Quảng Ninh) về du lịch cộng đồng và thị trấn Phong Nha (Bố Trạch) về Tiếng Anh giao tiếp. Đây là các hoạt động nằm trong kế hoạch triển khai Chương trình du lịch năm 2021 của Sở Du lịch nhằm từng bước tạo sự chuyển biến và chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhân lực du lịch theo tiêu chuẩn du lịch Việt Nam; đồng thời, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch, du lịch có trách nhiệm cho cộng đồng dân cư.

Thách thức lớn nhất hiện nay trong hoạt động đào tạo của ngành Du lịch chính là người lao động đã có một thời gian dài nghỉ việc do ảnh hưởng dịch, việc tập hợp nhân lực để tham gia khá gian nan; đồng thời, vẫn phải bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch trong quá trình đào tạo. Kỳ vọng thông qua các lớp tập huấn, đào tạo, đội ngũ nhân lực phục vụ du lịch của Quảng Bình sẽ được “tiếp sức” để trở lại công việc với kỹ năng, nghiệp vụ chuyên nghiệp.

Ngoài nỗ lực của Sở Du lịch, nhiều doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh, nhất là các đơn vị khai thác tour, tuyến khám phá mạo hiểm, mặc dù phải đương đầu với nhiều khó khăn trong đại dịch, nhưng vẫn duy trì số lượng nhân viên, đồng thời tranh thủ thời gian nghỉ dịch để đào tạo lại, tránh nhân viên mai một kỹ năng và giảm áp lực về chất lượng nguồn nhân lực khi du lịch quay lại “guồng” bình thường mới.

Theo Báo Quảng Bình

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×