Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Quà tặng sản phẩm du lịch: Góp phần định vị thương hiệu Cố đô

06/03/2024 | 09:33

Du khách đến với Ninh Bình ngày càng nhiều, đặt ra thách thức về sự đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ. Trong đó, thị trường quà tặng du lịch chưa được các doanh nghiệp chú trọng khai thác nhằm nâng cao hiệu quả tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương.

Quà tặng sản phẩm du lịch: Góp phần định vị thương hiệu Cố đô - Ảnh 1.

Tham quan phòng trưng bày sản phẩm của HTX Sinh Dược. Ảnh: Minh Đường

Loay hoay tìm hướng phát triển

Làng nghề thêu ren Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư là một trong những làng nghề trên địa bàn tỉnh đã chú trọng phát triển các sản phẩm lưu niệm phục vụ khách du lịch, gắn với bảo tồn các giá trị truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, các sản phẩm thêu ren do chính người dân Văn Lâm làm ra còn chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với khối lượng hàng hóa đang bày bán tại các cửa hàng lưu niệm. Việc tồn tại các mặt hàng đến từ địa phương khác là thực tế diễn ra từ nhiều năm nay ở làng nghề Văn Lâm.

Ông Vũ Thanh Luân, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề thêu ren Văn Lâm cho biết: Những người thợở làng nghề thêu Văn Lâm đã chú trọng đến việc đưa ra các sản phẩm phục vụ thị trường quà tặng, quà lưu niệm như: quần áo, khăn choàng, túi, ví, tranh, ảnh. Tuy nhiên, thực tế số lượng sản phẩm còn rất khiêm tốn, mẫu mã chưa đa dạng. Điều này bắt nguồn từ việc số nghệ nhân làng nghề ngày càng ít, người trẻ không mấy mặn mà với nghề thêu. Bên cạnh đó, các cơ sở mới tập trung vào việc sản xuất các đơn hàng xuất khẩu, chưa đầu tư cho thị trường quà tặng, quà lưu niệm bày bán tại chỗ.

Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh có 77 làng nghề được công nhận. Trong đó, một số làng nghề đã hướng đến việc khai thác tiềm năng phục vụ du lịch, tập trung tạo ra các sản phẩm lưu niệm, quà tặng cho khách du lịch, như làng nghề thêu ren Văn Lâm, làng nghề Sinh Dược. Tuy nhiên, hầu hết các làng nghề đang loay hoay tìm hướng khai thác tiềm năng này.

Ông Phạm Văn Vang, Giám đốc Công ty THHH Bảo tồn và Phát triển gốm Bồ Bát (huyện Yên Mô) cho rằng: Sản phẩm gốm Bồ Bát hầu hết là những sản phẩm có kích thước lớn, dễ vỡ, không dễ vận chuyển cho khách du lịch, nhất là số đông du khách nước ngoài thường du lịch với chuỗi hành trình qua nhiều quốc gia có thể mua làm quà tặng. Đây cũng chính là trở ngại khiến các sản phẩm gốm Bồ Bát của chúng tôi chưa được du khách lựa chọn nhiều. Việc tìm ra lời giải cho bài toán này là điều không dễ dàng.

Ninh Bình có tiềm năng rất lớn để sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm du lịch, bởi có sự đa dạng về điều kiện tự nhiên, văn hóa và có số lượng lớn khách du lịch hàng năm. Đặc biệt, thông qua chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" đã góp phần đa dạng thị trường quà tặng, quà lưu niệm ở Ninh Bình.

Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 183 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP. Trong đó, nhiều sản phẩm đặc sản được người tiêu dùng, khách du lịch yêu thích, như cơm cháy, thịt dê, mắm tép Gia Viễn, nem Yên Mạc, rượu Kim Sơn, trà hoa vàng, các loại trà thảo dược, mật ong…

Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Vũ Hương Lan, Khoa Du lịch, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, thông qua các cuộc khảo sát của bà và các cộng sự, tỷ lệ quà tặng, quà lưu niệm của Ninh Bình mới chỉ chiếm khoảng 40% so với tổng số mặt hàng lưu niệm được bày bán. Các sản phẩm bị trùng lặp, đơn điệu, khả năng cạnh tranh, tính ứng dụng còn thấp, chưa phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng, tính kết nối chưa cao. Một số sản phẩm chưa chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu, khai thác các giá trị cảnh quan, kiến trúc, văn hóa để sản phẩm trở nên độc đáo, ấn tượng. Đây là điều rất lãng phí, bởi các sản phẩm quà lưu niệm du lịch không những mang lại nguồn lợi nhuận mà còn góp phần không nhỏ trong việc quảng bá hình ảnh điểm đến, đất nước...

Phát triển các sản phẩm mang bản sắc Cố đô 

Đối với mỗi điểm đến, ngoài yếu tố tài nguyên du lịch, sản phẩm đặc trưng, dịch vụ chuyên nghiệp, thì sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm được xem là một yếu tố hấp dẫn du khách. Thời gian gần đây, tỉnh Ninh Bình rất chú trọng đến việc phát triển, xây dựng các sản phẩm lưu niệm mang tính chuyên nghiệp, độc đáo, bản sắc địa phương nhằm nâng tầm giá trị điểm đến.

Theo Tiến sỹ Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, giải pháp quan trọng nhất cho ngành quà tặng du lịch Ninh Bình là xây dựng sản phẩm mang theo thông điệp, câu chuyện văn hóa và mở rộng kênh tiếp thị, quảng bá sản phẩm đó tới du khách. Ở bất cứ điểm du lịch nào, du khách đều muốn nghe những câu chuyện gắn với sản phẩm hoặc từng điểm đến. Nếu các điểm du lịch xây dựng được một câu chuyện văn hóa, dẫn dắt du khách tìm hiểu về sản phẩm thì khi đến cửa hàng, họ sẽ có xu hướng chọn mua một món quà lưu niệm mà họ đã hiểu được ý nghĩa và giá trị của chúng.

Theo ông Vinh, các doanh nghiệp, nhà sản xuất, hợp tác xã, ngoài việc quan tâm đến chất lượng, nên chú trọng hơn đến việc thay đổi mẫu mã, tích cực quảng bá bằng nhiều hình thức để khách hàng có thể tiếp cận được sản phẩm. Bên cạnh đó cần có sự liên kết, hợp tác để tạo ra các gói sản phẩm quà tặng, giúp du khách được sử dụng sản phẩm có chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đặc sản vùng miền trong tỉnh và lựa chọn phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của mình.

"Một sản phẩm quà tặng cho khách du lịch nên mang nhiều ý nghĩa về văn hóa, tinh thần, đặc biệt cần thiết kế nhỏ gọn, dễ cầm, không nguy hại và nên sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường. Nếu đáp ứng đúng nhu cầu thì khách du lịch sẽ nhớ mãi về sản phẩm, về điểm đến chứ không chỉ dừng lại giữa việc mua và bán"- Tiến sỹ Trương Sỹ Vinh cho biết thêm.

Cho rằng làng nghề có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc sản xuất và tạo ra những sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm cho khách du lịch, Tiến sỹ Nguyễn Huy Chinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam nhấn mạnh, cần quan tâm đến việc hỗ trợ và phát triển làng nghề, từ việc quy hoạch phát triển, quy hoạch vùng nguyên liệu đến việc hỗ trợ quảng bá, xúc tiến sản phẩm làng nghề trên các kênh thương mại điện tử. Đặc biệt, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân làng nghề truyền thống.

"Làng nghề với các nghệ nhân, gia đình đơn lẻ thường chỉ biết cần cù với công việc chuyên môn. Họ không thể tự phát triển thương hiệu, phát triển ngôi làng thành điểm du lịch dù rất muốn như vậy. Không gian để giới thiệu sản phẩm, nơi cho khách trải nghiệm vẫn còn hạn chế. Vì vậy, họ cần sự giúp sức, định hướng của các cấp, các ngành chức năng"- ông Chinh cho biết.

Khai thác tối đa lợi thế để phát triển thị trường các sản phẩm quà lưu niệm, quà tặng du lịch phong phú, đặc sắc sẽ giúp Ninh Bình thúc đẩy ngành kinh tế xanh giàu tiềm năng phát triển theo hướng vừa chuyên nghiệp, hiện đại, vừa bảo tồn, phát huy, nâng tầm các di sản văn hóa của địa phương. Qua đó góp phần tạo nên thương hiệu và định vị du lịch vùng đất Cố đô trong lòng du khách trong nước và quốc tế.

Theo Báo Ninh Bình

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×