Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Qua miền di sản xứ Thanh

19/05/2021 | 11:14

Khi nói về xứ Thanh, dưới góc nhìn địa - văn hóa, đã có nhận định cho rằng “trong cả nước Việt Nam, không có nơi nào có nhiều cảnh đẹp như ở Thanh Hóa”; hay “xứ Thanh là cái nôi di sản của đất nước”. Điều này là có cơ sở của nó, khi mỗi tên đất tên người, thậm chí là mỗi dãy núi, dòng sông đều có những câu chuyện, những vẻ đẹp, đang hài hòa và chung đúc, để định danh xứ Thanh trên bản đồ quốc gia – dân tộc.

Qua miền di sản xứ Thanh - Ảnh 1.

Thắng tích Cửa Đạt (Thường Xuân).

Dù xét ở bề rộng về số lượng (khoảng 1.535 di tích, danh thắng); hay chiều sâu các giá trị lịch sử, văn hóa - kiến trúc nghệ thuật, Thanh Hóa đều có những cái tên nổi bật trên thang bảng xếp hạng, từ di tích cấp quốc gia, đến di tích quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa thế giới. Vậy nên, du xuân qua miền di sản xứ Thanh sẽ là hành trình thú vị, nhất là với những ai yêu thích khám phá lịch sử và trải nghiệm văn hóa. Bắt đầu từ TP Thanh Hóa - “trái tim” của cả xứ sở này - để đắm mình trong vẻ đẹp của thắng tích Hàm Rồng. Hàm Rồng được ví như nơi rồng ẩn mình mà thành núi, nước uốn khúc mà thành sông. “Lên cao, trông xa thấy nước trời một sắc, thật là giai cảnh”! Giữa bức họa sơn thủy ấy, làng cổ Đông Sơn điểm tô thêm một nét mực trầm mặc, như muốn gợi nhắc, gợi nhớ về những giá trị khởi nguồn mang tên truyền thống và văn hóa, mà nhờ đó hậu thế có nền tảng vững chắc để dưỡng nuôi những khát vọng cho tương lai. Thiền viện trúc lâm Hàm Rồng tọa lạc giữa ngút ngàn thông xanh trên đỉnh đồi C4, biệt lập và u tĩnh, mang đến cho khách tham quan cảm giác như lạc vào chốn vô ưu, vô phiền để cùng thư thái “nhập thiền”.

Tìm về mảnh đất mà đâu đâu cũng từng vang tiếng vó ngựa, tiếng gươm khua và những kinh kỳ, đền đài, miếu mạo, lăng tẩm từng một thời vang bóng, nhất định không thể không ghé qua Thành Nhà Hồ và Lam Kinh. Thành Nhà Hồ “là kinh đô điển hình của một vương triều quân chủ Việt Nam. Đó là một mô hình kinh đô vừa mang một số đặc trưng chung của phương Đông, vừa mang tính truyền thống của quy mô kinh đô Việt Nam, vừa có nét khác biệt của một vương triều đang đẩy mạnh công cuộc cách tân đất nước”. Thành Nhà Hồ là một minh chứng hùng hồn cho tinh hoa trí tuệ Đại Việt cuối thế kỷ 14, bởi nó sử dụng khối lượng vật liệu khổng lồ ước tính lên tới trên 25.000m3 đá và trên 100.000m3 đất. Song, điều gây ấn tượng đặc biệt lại nằm ở kỹ thuật xây dựng, với việc gắn kết các khối đá nặng hàng chục tấn. Đây là điều thu hút giới khoa học đang dày công tìm hiểu, khám phá và gây kinh ngạc cho du khách khi một lần về thăm di sản.

Nếu Thành Nhà Hồ là kinh đô – trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quân sự - của nước ta dưới triều Hồ; thì Lam Kinh lại là “kinh đô tưởng niệm” của nhà Lê, cũng đồng thời là nơi thực hành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của con dân Đại Việt suốt nhiều thế kỷ qua. Nằm ở “chỗ đẹp để xây dựng cơ nghiệp”, Lam Kinh là nơi an nghỉ nghìn thu của tổ tiên và các vua, thái hậu nhà Lê. Sải bước qua cầu Bạch bắc ngang sông Ngọc, du khách sẽ đi vào thế giới của sắc xanh và sự trang nghiêm, trầm mặc. Không bị ngăn cách với thế giới bên ngoài bởi thành cao hào sâu, Lam Kinh gần gũi mà trang nhã, với lối kiến trúc vừa tinh tế vừa mang đậm tính truyền thống.

Cùng với những di sản văn hóa giàu giá trị, xứ Thanh cũng nổi tiếng với nhiều cảnh sắc thiên nhiên đẹp đến nao lòng. Cửa Đạt là một trong những thắng tích kỳ thú như vậy. Về Cửa Đạt, đứng trên con đập chắn giữa một bên là hồ Cửa Đạt có sức chứa lên đến 1,45 tỷ m3 nước, với bên kia là thung lũng nơi có dòng sông Chu uốn mình giữa trùng điệp núi non, du khách có thể thu gọn trong tầm mắt cảnh sắc của một vùng non nước huyền thoại và hữu tình. Nắng càng lên cao, chiếu xuống thung lũng sắc vàng rực rỡ. Nép mình lặng lẽ trong thung lũng, Khu Di tích lịch sử văn hóa Cửa Đạt là một trong những địa danh có sức hấp dẫn đặc biệt đối với người hành hương, vãn cảnh. Nằm ở mảnh đất hội sơn tụ thủy, thắng tích này khoác lên mình nhiều huyền tích về những nhân vật được thờ cúng, ngưỡng vọng. Trước đây, quần thể di tích chỉ là hai cung thờ nhỏ, nằm tựa lưng vào núi, mặt hướng và nằm sát bờ sông Chu. Năm 2006, di tích được khởi công trùng tu, tôn tạo, nâng cấp bằng cách di dời lên nơi cao hơn, nhằm tránh sự bào mòn, hủy hoại của con nước, song vẫn giữ được lối kiến trúc truyền thống. Bên dòng Chu lặng tờ là khối kiến trúc trầm mặc. Điều đó dễ khiến người ta có liên tưởng như thời gian và mọi sự biến thiên bên ngoài không tác động gì nhiều đến vùng đất này.

Nếu chừng ấy địa danh vẫn chưa thỏa khao khát khám phá, thì du khách có thể quá chân lên với núi rừng. Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông dưới mắt nhìn của giới khoa học, được xem là một mẫu quan trọng, mang tính toàn cầu về hệ sinh thái đá Karst và là khu vực đất thấp lớn duy nhất còn lại, có rừng sinh cảnh đá vôi còn tồn tại nhiều loài động, thực vật. Pù Luông không chỉ có cảnh quan thiên nhiên còn tương đối nguyên vẹn, với núi non hùng vĩ, nhiều thác nước, hang động đẹp; mà ẩn hiện dưới tán rừng già là những bản làng người Thái, người Mường còn lưu giữ trong đời sống cộng đồng một đời sống văn hóa đậm đà bản sắc. Hơn thế nữa, nhờ bởi thiên nhiên ưu ái cho kiểu khí hậu mát mẻ đặc trưng của Sa Pa, Đà Lạt, nên Pù Luông đã trở thành điểm đến hấp dẫn khách trong nước và quốc tế của du lịch xứ Thanh.

...

Những vẻ đẹp tự nhiên vẫn đậm sắc màu huyền thoại; những di sản cha ông để lại không chỉ giàu giá trị lịch sử, mà còn là sự kết tinh của văn hóa và tầm cao trí tuệ con người. Đó là một phần của mảnh đất xứ Thanh giàu truyền thống, đang chờ được du khách khám phá và trải nghiệm.

Theo Báo Thanh Hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×