Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Phục hồi và phát triển du lịch tại các làng nghề truyền thống

24/05/2022 | 16:00

Festival Nghề truyền thống vùng miền lần thứ nhất - Quảng Nam 2022 với chủ đề "Sản phẩm nghề truyền thống hướng tới du lịch xanh" diễn ra từ 19 - 22/5, tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống.

Phục hồi và phát triển du lịch tại các làng nghề truyền thống - Ảnh 1.

Festival Nghề truyền thống vùng miền quy tụ 16 làng nghề, 45 nghệ nhân tham gia.

Festival Nghề truyền thống vùng miền đang diễn ra ở Quảng Nam quy tụ 16 làng nghề, 45 nghệ nhân tham gia. Trong không gian lý tưởng tại bờ sông Hoài nơi đô thị cổ Hội An, 10 nhà gỗ và 78 gian nhà tre được bố trí để trưng bày gần 100 gian hàng với các sản phẩm nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu... của nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Nghệ nhân ưu tú Trần Thị Việt từ làng chiếu cói Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá cho biết, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến thị trường tiêu thụ sản phẩm nghề truyền thống. Các nghệ nhân tham gia festival nghề truyền thống lần này mong muốn sẽ quảng bá văn hóa, lịch sử và tìm kiếm thị trường, thúc đẩy phát triển các sản phẩm nghề truyền thống.

"Chúng tôi muốn mang các sản phẩm mình làm ra đến giới thiệu với nhân dân tỉnh Quảng Nam và du khách, để mọi người chiêm ngưỡng những sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm bằng tay. Điều mà tôi mong muốn nhất là đưa được các sản phẩm của mình đến với du khách nước ngoài" - nghệ nhân Trần Thị Việt nói.

Hơn 2 năm chịu tác động bởi dịch Covid-19, việc xuất khẩu gỗ mỹ nghệ sang thị trường các nước lớn gần như đóng băng. Trong khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã tìm cho mình hướng đi riêng, tập trung quảng bá, giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ trên các trang mạng xã hội. Ông Trần Thu, Giám đốc Công ty TNHH Gỗ nghệ thuật Âu Lạc, tỉnh Quảng Nam cho biết, sau hơn 2 năm thành lập kênh Youtube "Gỗ nghệ thuật Âu lạc" đã giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển thị trường, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm làng nghề.

"Kênh Youtube này sau 2,5 năm thành lập thì đã dành được 'nút vàng' với 1 triệu người theo dõi, trong đó có tới 90% là người nước ngoài theo dõi kênh này. Chính hình thức quảng bá online trên Youtube đã giúp ổn định trong 2 năm đại dịch kéo dài, giải quyết công ăn việc làm, các hoạt động sản xuất tại xưởng vẫn diễn ra bình thường".

Phục hồi và phát triển du lịch tại các làng nghề truyền thống - Ảnh 2.

Các sản phẩm nghề truyền thống thu hút du khách.

Điểm nhấn của Festival Nghề truyền thống vùng miền năm 2022 tại Quảng Nam là giới thiệu các sản phẩm làng nghề theo hướng du lịch xanh, gắn quá trình phục hồi các làng nghề truyền thống với phục hồi và phát triển du lịch. Những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức chương trình kết nối, xúc tiến thương mại với nhiều tỉnh thành, vùng miền trên cả nước.

Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Nam cho rằng, ngoài các hình thức truyền thống tổ chức hội chợ, triển lãm, cần tập trung đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử với việc xác định những địa bàn trọng điểm để ưu tiên xúc tiến thương mại: "Ngoài thị trường truyền thống thì chúng ta cần phát triển mạnh thị trường trên các phương tiện thương mại điện tử để gắn kết. Đây là bước đầu để đánh thức tư duy, cách nghĩ, cách làm của từng doanh nghiệp. Tại festival lần này chúng tôi sẽ quảng bá, giới thiệu những hình thức đó. Nhà nước sẽ ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, lồng ghép đào tạo bồi dưỡng về thương mại điện tử gắn với chuyển đổi số để thị trường được mở rộng hơn". Festival Nghề truyền thống vùng miền là hoạt động trọng tâm của Năm Du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022, được kỳ vọng sẽ góp phần quảng bá văn hóa, lịch sử, tiềm năng, thế mạnh của vùng đất, con người Quảng Nam và các tỉnh thành miền Trung, Tây Nguyên... Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết festival là dịp để các địa phương kết nối, hợp tác, tìm giải pháp để phát triển làng nghề, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phục hồi và phát triển du lịch./.

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×