Phục hồi nghề gốm Phước Tích gắn với phát triển du lịch bền vững
20/03/2023 | 10:39Đó là chủ đề của Hội thảo khoa học do Cục Di sản văn hóa phối hợp với Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế tổ chức tại di tích quốc gia làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế).
Làng cổ Phước Tích được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia từ năm 2009. Cùng với hệ thống các công trình kiến trúc nhà rường đặc trưng và độc đáo của vùng đất Thừa Thiên Huế xưa, làng cổ này còn có nghề gốm truyền thống được gây dựng và phát triển hơn 500 năm qua.
Tuy nhiên những năm trở lại đây nghề gốm ở Phước Tích đang đứng trước nhiều khó khăn bởi sự xâm nhập ồ ạt của các mặt hàng sản xuất hàng loạt. Một thực tế nữa, sản phẩm gốm Phước Tích không còn lưu thông nhiều trên thị trường, chủ yếu tập trung các mẫu mã cho sản phẩm lưu niệm, chưa phát huy được thế mạnh nổi tiếng của nghề truyền thống.
Thời gian qua, chính quyền địa phương tại Thừa Thiên Huế và các ngành đã rất quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại làng cổ Phước Tích, trong đó có nghề gốm truyền thống. Song nghề này đang đối mặt với nhiều khó khăn dễ dẫn đến nguy cơ mai một, như: nguồn nguyên liệu phải tìm mua ở nơi khác và ngày càng hiếm; khó khăn trong công tác tổ chức, quảng bá và khai thác giá trị di sản, mà chủ yếu là thiếu biện pháp hỗ trợ cộng đồng nghiên cứu mẫu mã để đa dạng hóa sản phẩm, chưa có cơ chế thường xuyên khuyến khích người dạy, người học để tiếp nối nghề; thiếu nguồn nhân lực thực hành nghề và vận hành hoạt động của làng nghề…
Theo Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL), trước đây đã có nhiều dự án, đề tài khoa học với sự tham gia của nhiều tổ chức trong và ngoài nước (như: JICA, Wallonie Brusselle, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế, Phân viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế, Đại học Nghệ thuật Huế...) nhằm nỗ lực tìm kiếm giải pháp bảo tồn, phát huy làng nghề gốm Phước Tích. Tuy nhiên, nghề thủ công truyền thống gốm Phước Tích vẫn chưa định hình được dòng sản phẩm đặc trưng với chất liệu, mẫu mã mang bản sắc riêng có nên chưa tìm được chỗ đứng trên thị trường và nghề gốm vẫn chưa trở thành “điểm nhấn” để phát triển du lịch bền vững tại làng cổ này.
Tại Hội thảo “Nghiên cứu, phục hồi nghề thủ công truyền thống gốm Phươc Tích gắn với phát triển du lịch bền vững” các nhà chuyên môn, đơn vị quản lý và chính quyền địa phương, các doanh nghiệp du lịch và những người làm du lịch tại làng cổ cùng trao đổi, thảo luận nhằm góp phần phục hồi nghề gốm gắn với du lịch bền vững. Trong đó, tập trung các nội dung như: nhận diện giá trị và phục hồi giá trị văn hóa của di sản nghề thủ công truyền thống gốm Phước Tích; đề xuất giải pháp hỗ trợ nghệ nhân và cộng đồng trong việc phục hồi nghề thủ công truyền thống gốm Phước Tích; các giải pháp đưa nghề gốm trở thành sản phẩm du lịch và làng gốm Phước Tích trở thành điểm đến du lịch theo hướng du lịch bền vững…
Theo thống kê của Ban Quản lý di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích, trong năm 2022 vừa qua, làng cổ đã đón gần 41.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm các dịch vụ. Một điểm đến không thể bỏ qua tại Phước Tích là tham quan dấu tích của lò gốm cổ xưa, và trải nghiệm dịch vụ làm gốm tại cơ sở của nghệ nhân Lương Thanh Hiền. Hiện nay, làng Phước Tích chỉ còn cơ sở gốm của anh Hiền “đỏ lửa”.
TS. Trần Đình Hằng, Giám đốc Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế cho rằng, hiện nay gốm Phước Tích gần như chỉ “dừng lại” ở sản phẩm lưu niệm, trang trí, chưa thể vươn ra thị trường để sử dụng như đồ gia dụng của một số làng nghề gốm truyền thống trong nước. Cần phải có những chính sách, giải pháp thiết thực để sản phẩm của gốm Phước Tích trở thành mặt hàng phổ thông, du khách và người dân đều dễ mua, dễ sử dụng. Phát triển nghề gốm Phước Tích phải tính đến hiệu quả kinh tế, nuôi sống được người làm nghề, và cũng là nguồn lực để bảo tồn nghề.
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phúc chia sẻ một số giải pháp để phát triển du lịch làng cổ Phước Tích thời gian tới như: kêu gọi đầu tư, xã hội hóa mở rộng các dịch vụ du lịch; kết nối tour từ làng cổ đến các làng nghề lân cận trong vùng; đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ; chú trọng cho việc quảng diễn nghề gốm…
PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nhấn mạnh: Muốn cho di sản văn hóa làng cổ Phước Tích có được vị trí vững chắc trong đời sống xã hội đương đại, chúng ta cần có cơ chế chính sách và kế hoạch hành động nhằm huy động sức mạnh của cộng đồng cư dân Phước Tích với tư cách là chủ thể sáng tạo, chủ sở hữu, người thực hành, người thụ hưởng đồng thời cũng là người trực tiếp tham gia bảo tồn di sản văn hóa làng cổ nói chung và nghề gốm nói riêng… Việc bảo tồn nghề thủ công truyền thống chỉ đạt được kết quả cao nhất khi việc thực hành và truyền dạy phải có khả năng tạo ra sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương.
Đại diện lãnh đạo UBND huyện Phong Điền cho biết, địa phương sẽ lưu ý những chia sẻ, góp ý đầy tâm huyết của các nhà chuyên môn để có cơ sở triển khai các giải pháp, chính sách và thậm chí là xây dựng đề án dài hơi để phát triển du lịch tại làng cổ Phước Tích cũng như phát triển nghề gốm tại đây.
Chiều cùng ngày, Cục Di sản văn hóa cũng phối hợp với các đơn vị tổ chức chương trình tập huấn cho đại diện các chủ nhà rường cổ đang triển khai đón khách tham quan, các cơ sở homestay và những người dân còn lưu giữ kỹ thuật làm gốm...