Phú Yên: Tháo gỡ khó khăn trong xây dựng hạ tầng và phát triển sản phẩm du lịch
01/03/2022 | 09:03Cuộc họp Ban chỉ đạo (BCĐ) Phát triển du lịch Phú Yên mới đây đã đánh giá lại những tồn tại hạn chế của du lịch tỉnh nhà, nhất là sau một thời gian dài bị đình trệ bởi dịch COVID-19. Đồng chí Đào Mỹ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, Trưởng BCĐ một lần nữa yêu cầu các địa phương, sở, ngành cần đồng hành với doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn trong xây dựng, phát triển hạ tầng và xây dựng sản phẩm du lịch mới, đặc trưng.
Cùng với cả nước, Phú Yên xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh đến năm 2030 (Chương trình hành động số 09 của Tỉnh ủy). UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành Kế hoạch 198/KH-UBND để thực hiện chương trình hành động của Tỉnh ủy về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030. Theo đồng chí Đào Mỹ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Phát triển du lịch tỉnh, để du lịch phát triển cần phải đầu tư công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng… đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong nước và quốc tế.
Đầu tư hạ tầng phát triển du lịch
Để du lịch phát triển cần có một cơ sở hạ tầng kỹ thuật đảm bảo thông suốt; sản phẩm du lịch mới và đặc sắc để thu hút du khách; nguồn nhân lực được đào tạo bài bản để vận hành và lực lượng lao động chuyên nghiệp… Đây được xem là những trụ cột quan trọng để đưa du lịch phát triển. Để có được điều này, một trong những điều kiện tiên quyết mang tính nền tảng và chiến lược đó chính là công tác quy hoạch. Thiếu quy hoạch hoặc quy hoạch manh mún, tầm nhìn gần dẫn đến phát triển không bền vững, thiếu cân đối… Đến thời điểm này, tỉnh đã bắt tay vào việc lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành chuyên đề báo cáo thực trạng và xây dựng phương án phát triển ngành Du lịch để tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh…
Về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển du lịch, theo BCĐ Phát triển du lịch tỉnh, thời gian qua đã đạt những kết quả quan trọng. Các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các dự án tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch được quan tâm đầu tư, như: Tuyến đường Phước Tân - Bãi Ngà; nút giao thông khác mức tuyến đường số 2 khu đô thị Nam TP Tuy Hòa - Nguyễn Văn Linh; đường tránh trú bão Sông Cầu - Đồng Xuân (giai đoạn 2); dự án cải tạo nhà ga hành khách Cảng hàng không Tuy Hòa đủ điều kiện tiếp nhận các chuyến bay quốc tế; các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ, những tuyến đường huyết mạch từ trung tâm tỉnh đến các điểm du lịch trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại của các phương tiện, du khách. Ngành Giao thông đã công bố phương án phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa tạm thời để phục vụ phát triển du lịch đường thủy…
Đối với các địa phương, từng bước đầu tư các dự án, công trình góp phần hoàn thiện hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, tạo mỹ quan đô thị góp phần thu hút, kích thích đầu tư các dự án du lịch nghỉ dưỡng, cơ sở lưu trú, dịch vụ và các sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách khi đến Phú Yên. Điển hình là TP Tuy Hòa, trong thời gian qua đã đầu tư hoàn thiện đưa vào sử dụng nhiều công trình như: Tháp Nghinh Phong, Hồ điều hòa Hồ Sơn, Công viên ven biển TP Tuy Hòa…
Đối với các chủ đầu tư, doanh nghiệp, năm 2021, tranh thủ thời gian trầm lắng do đại dịch COVID-19 đã đầu tư, khởi công nhiều dự án lớn: Dự án nghỉ dưỡng cao cấp Bãi Nồm (Công ty CP Đầu tư và kinh doanh nhà Việt An - Phú Yên), dự án tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Xuân Đài Bay, tổ hợp nghỉ dưỡng Crystal Holidays Maria Phú Yên (Tập đoàn Everland), dự án xây dựng hỗn hợp (tại 77-79 Nguyễn Du, TP Tuy Hòa, của Công ty CP Biển Phú Yên)…
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Bên cạnh những kết quả đạt được, qua rà soát đánh giá của BCĐ Phát triển du lịch, hiện nay hạ tầng phục vụ phát triển du lịch vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là hạ tầng về giao thông, công nghệ thông tin. Ông Hồ Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Yên, nêu ví dụ: Hiện nay, đường giao thông kết nối đến các điểm du lịch trọng điểm cơ bản thông suốt, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế, đường chật hẹp, ùn tắc những lúc cao điểm. Điển hình như đường đến gành Đá Đĩa, một di tích danh thắng quốc gia đặc biệt, mùa cao điểm xảy ra tình trạng kẹt xe, mặt đường xấu. Hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ du lịch cũng còn nhiều hạn chế, thông tin về sản phẩm dịch vụ du lịch, website du lịch thông minh chưa hỗ trợ tốt du khách trong việc tìm kiếm thông tin… "Về sản phẩm du lịch, góp phần tạo sản phẩm mới, đặc trưng, hiệp hội du lịch mong muốn tỉnh sớm triển khai mô hình "chợ đêm du lịch", cho phép dịch vụ trò chơi trên biển; ngành Du lịch và các địa phương có định hướng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng sản phẩm mới…", ông Hồ Văn Tiến nêu ý kiến.
TX Đông Hòa là một trong những địa phương tiếp nhận khá nhiều dự án du lịch, nhưng sau nhiều năm chủ đầu tư đăng ký, triển khai đến nay vẫn chưa thể tiếp tục các bước hoàn thiện, do vướng các thủ tục về quy hoạch, đất đai, mặt bằng. Phó Chủ tịch UBND TX Đông Hòa Nguyễn Văn Hồng trần tình: Trên địa bàn TX Đông Hòa có 12 dự án du lịch, gần như các khu đất có tiềm năng đều có chủ đầu tư đăng ký dự án, một bức tranh du lịch rất tiềm năng. Các chủ đầu tư rất nóng lòng triển khai thực hiện dự án, sẵn sàng các nguồn lực để thực hiện dự án, nhưng hầu hết đều vướng về quy hoạch (quy hoạch Khu kinh tế Nam Phú Yên) chưa thể triển khai. Địa phương và các chủ đầu tư rất mong muốn tỉnh và các sở, ngành đồng hành tháo gỡ những khó khăn về quy hoạch, giao mặt bằng sạch để tiến hành các bước tiếp theo, hình thành các sản phẩm du lịch mới đi vào hoạt động…
Hiện vướng mắc về quy hoạch, đất đai cũng là vấn đề chung ở nhiều địa phương, khiến nhiều dự án du lịch chưa thể triển khai như kế hoạch.
Đồng chí Đào Mỹ cho rằng, để du lịch phát triển cần phải có quy hoạch tổng thể, trên cơ sở đó tiếp tục quy hoạch chi tiết, chuyên đề để kêu gọi, thu hút đầu tư, thúc đẩy ngành Du lịch của tỉnh phát triển. Từng địa phương phải đề ra mục tiêu về đầu tư hạ tầng, thu hút nhà đầu tư phát triển các dịch vụ du lịch vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và cả giai đoạn. Các sở, ngành, cơ quan chức năng của tỉnh phải đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy tiến độ triển khai dự án. "Các sở, ngành liên quan rà soát, cung cấp cho BCĐ Phát triển du lịch tỉnh danh sách các dự án du lịch đang triển khai trên địa bàn tỉnh, để cùng có giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai, sớm đưa các dự án đi vào hoạt động; tập trung tham mưu về quy hoạch các khu du lịch, về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng tại các điểm du lịch và phục vụ quảng bá, giới thiệu phát triển du lịch…", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ đặt ra yêu cầu.
Đến nay, toàn tỉnh có 385 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, trong đó có 2 khách sạn, resort 5 sao, 2 khách sạn 4 sao, 4 khách sạn 3 sao, 6 khách sạn 2 sao, 38 khách sạn 1 sao, 159 khách sạn, nhà nghỉ và 26 homestay đủ điều kiện tối thiểu kinh doanh du lịch. Tổng số buồng lưu trú du lịch hiện có khoảng 6.250, trong đó gần 800 buồng đạt tiêu chuẩn 3-5 sao. Nhiều nhà hàng, quán ăn, quán cà phê giải khát được đầu tư nâng cấp khang trang tại các địa phương trong tỉnh.